|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Hợp đồng đại lí thương mại là gì? Đặc điểm của hợp đồng đại lí thương mại

10:05 | 16/09/2019
Chia sẻ
Hợp đồng đại lí thương mại (tiếng Anh: Commercial agency agreement) là sự thỏa thuận giữa các bên, trong đó bên đại lí nhân danh chính mình để thực hiện việc mua bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ cho bên giao đại lí để hưởng thù lao.
Tu-van-dau-tu-12

Hình minh họa (Nguồn: img.luathopdong.vn)

Hợp đồng đại lí thương mại (Commercial agency agreement)

Khái niệm

Hợp đồng đại lí thương mại trong tiếng Anh là Commercial agency agreement.

Hợp đồng đại lí thương mại (Commercial agency agreement) là sự thỏa thuận giữa các bên, trong đó một bên (bên đại lí) nhân danh chính mình để thực hiện việc mua bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ cho bên kia (bên giao đại lí) để hưởng thù lao.

Đặc điểm của hợp đồng đại lí thương mại

- Chủ thể của hợp đồng đại lí thương mại phải là thương nhân

Điều 167 Luật Thương mại 2005 qui định: "Bên giao đại lí là thương nhân giao hàng hóa cho đại lí bán hoặc giao tiền mua hàng cho đại lí mua hoặc là thương nhân ủy quyền thực hiện giao dịch cho đại lí cung ứng dịch vụ. Bên đại lí là thương nhân nhận hàng hóa để làm đại lí bán, nhận tiền mua hàng để làm đại lí mua hoặc là bên nhận ủy quyền cung ứng dịch vụ".

Như vậy, trong quan hệ đại lí thương mại, bên đại lí và bên giao đại lí đều phải là thương nhân. Bên giao đại lí là thương nhân chuyên kinh doanh hoạt động mua bán hàng hóa hoặc chuyên cung ứng dịch vụ thương mại; giao hàng hóa cho đại lí bán, giao tiền mua hàng cho đại lí mua hoặc ủy quyền cung ứng dịch vụ thương mại.

Bên đại lí cũng phải là thương nhân, có đăng kí kinh doanh ngành nghề phù hợp với loại hàng hóa hoặc loại dịch vụ nhận đại lí, có tư cách thương nhân độc lập với bên giao đại lí.

- Bên đại lí dùng danh nghĩa của chính mình để thực hiện việc mua bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lí cho khách hàng

Khi tham gia giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc hợp đồng cung ứng dịch vụ với khách hàng, bên đại lí nhân danh chính mình chứ không nhân danh bên giao đại lí. Hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc hợp đồng cung ứng dịch vụ được bên đại lí kí với khách hàng mang lại quyền và nghĩa vụ pháp lí cho bên đại lí.

- Trong quan hệ hợp đồng đại lí thương mại, bên đại lí không phải là chủ sở hữu đối với hàng hóa, không phải là bên cung ứng dịch vụ mà chỉ là người được bên giao đại lí ủy thác việc định đoạt hàng hóa hoặc ủy quyền cung ứng dịch vụ cho khách hàng.

Theo Điều 170 Luật Thương mại 2005, bên giao đại lí là chủ sở hữu của hàng hóa hoặc tiền giao cho bên đại lí. Bên giao đại lí không chuyển quyền sở hữu hàng hóa (trong trường hợp đại lí bán) hoặc tiền (trong trường hợp đại lí mua), không chuyển giao dịch vụ (trong trường hợp đại lí cung ứng dịch vụ) cho bên đại lí.

Cơ sở để bên đại lí bán hoặc mua hàng hóa hoặc ủy quyền cung ứng dịch vụ cho khách hàng là sự ủy nhiệm quyền mua bán hàng hóa hoặc ủy quyền cung ứng dịch vụ của bên giao đại lí.

- Hợp đồng đại lí thương mại là một dang của hợp đồng dịch vụ thương mại, theo đó bên đại lí bán hàng hoặc mua hàng hóa cho bên giao đại lí, hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lí cho khách hàng để hưởng thù lao.

Trong hợp đồng đại lí thương mại, lợi ích mà bên đại lí được hưởng chính là khoản thù lao đại lí. Xét dưới khía cạnh pháp lí, khoản tiền này chính là thù lao dịch vụ mà bên giao đại lí phải thanh toán cho bên đại lí do sử dụng dịch vụ đại lí mua bán hàng hóa, đại lí cung ứng dịch vụ của bên đại lí. 

Còn bên giao đại lí được hưởng tiện ích từ việc sử dụng dịch vụ đại lí đó là bán được hàng hóa, cung ứng được dịch vụ thương mại không dựa trên việc sử dụng nhân lực, vật lực của mình mà thông qua hệ thống pháp lí.

- Về hình thức, hợp đồng đại lí thương mại phải được lập thành văn bản hoặc các hình thức khác có giá trị pháp lí tương đương.

Theo Điều  168 Luật Thương mại 2005, hình thức của hợp đồng đại lí thương mại là văn bản hoặc hình thức khác có giá trị tương đương. Khi phát sinh tranh chấp, hình thức văn bản cũng là cơ sở xác thực để các cơ quan tố tụng giải quyết thuận lợi, đảm bảo tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

(Tài liệu tham khảo: Luật kinh tế chuyên khảo, NXB Lao động)

T.H