|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Biện pháp đảm bảo đầu tư là gì? Nội dung các biện pháp đảm bảo đầu tư

13:25 | 11/09/2019
Chia sẻ
Biện pháp đảm bảo đầu tư là những lời cam kết, lời hứa không cần điều kiện của Nhà nước về việc bảo đảm các quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư.
lien-heHTca

Hình minh họa (Nguồn: luatnguyengia.com)

Biện pháp đảm bảo đầu tư 

Khái niệm

Biện pháp đảm bảo đầu tư là những lời cam kết, lời hứa không cần điều kiện của Nhà nước về việc bảo đảm các quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư trên lãnh thổ Việt Nam trong suốt quá trình thực hiện hoạt động đầu tư. Những biện pháp này được qui định trong các văn bản pháp luật nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư trong quá trình thực hiện hoạt động đầu tư.

Đối tượng áp dụng

Về đối tượng áp dụng, chính sách bảo đảm đầu tư áp dụng cho một nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Nhà đầu tư được tự động hưởng các biện pháp bảo đảm mà không cần phải thực hiện bất kì thủ tục pháp lí nào.

Cơ sở pháp lí

Về cơ sở pháp lí, chính sách bảo đảm đầu tư được ghi nhận trong Luật Đầu tư năm 2014 từ Điều 9 đến Điều 14. Việc pháp điển hóa các biện pháp bảo đảm trong một đạo luật thể hiện sự minh bạch, công khai trong các cam kết bảo vệ của Nhà nước với nhà đầu tư. Qua đó, chất lượng của môi trường đầu tư được nâng cao và tăng khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Nội dung các biện pháp đảm bảo đầu tư

Về nội dung, các biện pháp bảo đảm đầu tư là tập hợp các cam kết sau:

- Nhà nước cam kết bảo đảm quyền sở hữu tài sản của nhà đầu tư

Đây là cam kết đặc biệt quan trọng đối với nhà đầu tư nước ngoài vì điều đầu tiên họ quan tâm là sự an toàn của tài sản khi đem đến Việt Nam. Để tạo dựng niềm tin cho nhà đầu tư, Nhà nước cam kết tài sản hợp pháp của họ không bị quốc hữu hóa hoặc bị tịch thu bằng biện pháp hành chính.

Nhà nước chỉ trưng mua, trưng dụng tài sản vì lí do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, trong tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai và nhà đầu tư được thanh toán, bồi thường theo qui định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản và qui định khác của pháp luật có liên quan.

- Nhà nước cam kết bảo đảm hoạt động đầu tư kinh doanh

Theo lí thuyết kinh tế, nhà nước không thể đảm bảo rằng nhà đầu tư sẽ đạt được lợi nhuận mong muốn vì kết quả đầu tư phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nhưng nhà nước có thể cam kết tạo ra một môi trường kinh doanh tự do, bình đẳng để làm chất xúc tác mạnh nhất cho hoạt động đầu tư được hiệu quả.

- Nhà nước bảo đảm chuyển tài sản của nhà đầu tư nước ngoài ra nước ngoài

Khi hoạt động đầu tư đem lại lợi nhuận, nhà đầu tư có nhu cầu chuyển tài sản của mình ra khỏi nước tiếp nhận vốn đầu tư để tiếp tục đầu tư hoặc tích lũy. Đây hoàn toàn là quyền chính đáng của nhà đầu tư.

Tài sản được chuyển ra nước ngoài bao gồm: vốn đầu tư, các khoản thanh lí đầu tư; Thu nhập từ hoạt động đầu tư kinh doanh; tiền và tài sản khác thuộc sở hữu hợp pháp của nhà đầu tư. Ngoài ra, nhà nước ta đã hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài một cách tối đa khi cho phép nhà đầu tư nước ngoài không phải đóng thuế chuyển lợi nhuận nước ngoài khi chuyển tài sản ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

- Nhà nước bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật

Chính sách pháp luật của một quốc gia không phải là hiện tượng bất biến. Căn cứ vào sự chuyển biến của các quan hệ kinh tế xã hội, nhà nước sẽ sửa đổi hoặc thay thế các chính sách pháp luật cũ để phù hợp với yêu cầu mới của thực tiễn.

Thêm vào đó, quá trình thực hiện một dự án đầu tư kéo dài hàng chục năm (thời hạn hoạt động của dự án đầu tư có thể lên tới 70 năm) nên việc nhà đầu tư đối diện với sự thay đổi pháp luật là điều không tránh khỏi.

- Bảo đảm về cơ chế giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh

Nguyên tắc của giải quyết tranh chấp trước hết là tôn trọng ý chí tự giải quyết của các bên. Nhà đầu tư có quyền lựa chọn một cơ chế giải quyết tranh chấp phù hợp với tính chất của tranh chấp và yêu cầu của các bên. Nhà nước chỉ tham gia giải quyết tranh chấp khi hai bên đã bế tắc và có yêu cầu đến các cơ quan tài phán.

- Bảo lãnh của Chính phủ đối với một số dự án quan trọng

Biện pháp bảo đảm này lần đầu tiên được ghi nhận tại Luật Đầu tư năm 2014. Điểm đặc biệt của biện pháp này là phạm vi đối tượng áp dụng hẹp, chỉ dành cho một số chủ thể theo những điều kiện nhất định. 

Thủ tướng Chính phủ quyết định bảo lãnh nghĩa vụ thực hiện hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc doanh nghiệp nhà nước tham gia thực hiện dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và những dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng quan trọng khác.

(Tài liệu tham khảo: Luật kinh tế chuyên khảo, NXB Lao động)

T.H