|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Hệ thống ngân hàng Hồi giáo (Islamic Banking) là gì? Cách hệ thống ngân hàng Hồi giáo tạo lợi nhuận

09:39 | 03/12/2019
Chia sẻ
Hệ thống ngân hàng Hồi giáo (tiếng Anh: Islamic Banking) còn được gọi là hệ thống ngân hàng không lãi suất; hoạt động dựa trên hai nguyên tắc cơ bản là không thu và trả lãi; và chia sẻ lợi nhuận và thua lỗ.
05-filipini

Hình minh họa. Nguồn: globalethicalbanking.com

Hệ thống ngân hàng Hồi giáo

Khái niệm

Hệ thống ngân hàng Hồi giáo trong tiếng Anh là Islamic Banking.

Hệ thống ngân hàng Hồi giáo còn được gọi là hệ thống ngân hàng không lãi suất, là một hệ thống dựa trên các nguyên tắc của luật Hồi giáo và được quản lí bởi những hệ tư tưởng trong kinh tế Hồi giáo. Hai nguyên tắc cơ bản của hệ thống ngân hàng Hồi giáo là chia sẻ lợi nhuận và thua lỗ; không thu lãi hay trả lãi.

Hệ thống ngân hàng Hồi giáo được xây dựng từ các nguyên tắc và chủ trương của đạo Hồi. Các giao dịch tài chính trong ngân hàng Hồi giáo là một hình thức đầu tư đạo đức độc đáo về mặt văn hóa. Ví dụ các ngân hàng theo hệ thống này sẽ không thực hiện các khoản đầu tư liên quan đến rượu, cờ bạc, thịt lợn và các mặt hàng bị cấm khác. 

Hiện trên thế giới có hơn 300 ngân hàng Hồi giáo tại hơn 51 quốc gia, bao gồm cả Mỹ.

Các nguyên tắc của ngân hàng Hồi giáo được xây dựng dựa trên Kinh Qur'an và Hadith. Khi cần thêm thông tin hoặc hướng dẫn, những người chủ của ngân hàng Hồi giáo hỏi ý kiến của các học giả hoặc sử dụng luận độc lập dựa trên sự uyên bác và phong tục. 

Các chủ ngân hàng cũng phải đảm bảo để những ý tưởng của họ không đi chệch khỏi các nguyên tắc cơ bản của Kinh Qur'an.

Cách hệ thống ngân hàng Hồi giáo tạo lợi nhuận

Để kiếm tiền mà không trả hay thu lãi suất, các ngân hàng Hồi giáo sử dụng phương thức sau: khi ngân hàng cho một doanh nghiệp vay, thì doanh nghiệp đó sẽ trả lại tiền cho ngân hàng nhưng không trả lãi, thay vào đó sẽ chia cho ngân hàng một phần lợi nhuận của mình. Nếu doanh nghiệp đó phá sản hoặc không có lợi nhuận thì ngân hàng cũng không có lợi nhuận.

Chẳng hạn, năm 1963, người Ai Cập đã thành lập một ngân hàng Hồi giáo ở Mit Ghmar. Ngân hàng này cho các doanh nghiệp vay tiền dựa trên mô hình chia sẻ lợi nhuận như trên. Để giảm rủi ro, ngân hàng này chỉ chấp thuận khoảng 40% đơn xin vay vốn kinh doanh, nhưng tỉ lệ vỡ nợ là bằng không.

(Theo investopedia)

Đối với hoạt động huy động vốn, người gửi tiền không hưởng lãi mà sẽ nhận tiền lời theo một tỉ lệ thỏa thuận trước. Người gửi tiền sẽ tìm hiểu và kí hợp đồng tiền gửi nếu đồng ý các điều khoản trong hợp đồng. 

Trong trường hợp ngân hàng có lợi nhuận, người gửi tiền sẽ nhận được tiền lời theo tỉ lệ đã cam kết, nếu bị lỗ, người gửi tiền sẽ cùng chia sẻ những khoản lỗ này với ngân hàng.

(Tham khảo: Mô hình ngân hàng Hồi giáo: Kinh nghiệm cho hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam khi gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN; Thạc sĩ Tăng Mỹ Sang, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP HCM)

Giang