|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Siêu thị tài chính (Financial Supermarket) là gì? Lợi ích đối với ngân hàng

14:46 | 13/11/2019
Chia sẻ
Siêu thị tài chính (tiếng Anh: Financial Supermarket) là một loại định chế tài chính cung cấp rất nhiều dịch vụ tài chính, từ các dịch vụ cơ bản như nghiệp vụ ngân hàng và cho vay, cho đến các dịch vụ như môi giới chứng khoán và bảo hiểm.
shopping-cart-online-money-credit-card-coin-design-vector-11160925

Hình minh họa. Nguồn: vectorstock.com

Siêu thị tài chính

Khái niệm

Siêu thị tài chính trong tiếng Anh là Financial Supermarket.

Siêu thị tài chính là một loại định chế tài chính cung cấp rất nhiều loại dịch vụ tài chính, bao gồm các dịch vụ cơ bản như nghiệp vụ ngân hàng và cho vay, cũng như các dịch vụ cao cấp hơn như môi giới chứng khoán, bảo hiểm và thậm chí là ngân hàng đầu tư.

Từ quan điểm của công ty tài chính, việc "đóng gói" các dịch vụ tài chính cùng nhau có thể giúp tăng doanh thu từ phí và đồng thời khiến khách hàng khó chuyển sang dùng dịch vụ của bên khác.

Theo truyền thống, các ngân hàng thương mại sẽ cung cấp dịch vụ tài khoản vãng lai, cấp tín dụng cho doanh nghiệp, thế chấp, và các sản phẩm tài chính cơ bản như tài khoản tiết kiệm và chứng chỉ tiền gửi. 

Các siêu thị tài chính mở rộng mô hình trên bằng cách cho phép khách hàng cá nhân sử dụng các sản phẩm bổ sung khác mà không cần thông qua một tổ chức tài chính riêng biệt, ví dụ như bảo hiểm hoặc cổ phiếu của những công ty giao dịch công khai.

Lợi ích đối với ngân hàng

Từ quan điểm của các ngân hàng, mô hình siêu thị tài chính là có lợi vì nó cho phép ngân hàng thu được nhiều loại phí giống như thu nhập của các chuyên gia hoặc tổ chức khác.

Chẳng hạn, việc có thêm các dịch vụ môi giới chứng khoán cho phép ngân hàng có được doanh thu từ phí hoa hồng từ việc mua và bán cổ phiếu; cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho phép ngân hàng thu phí bảo hiểm.

Một lợi ích lớn khác cho ngân hàng là mô hình siêu thị tài chính làm tăng chi phí chuyển đổi của khách hàng. Nếu nhiều khía cạnh khác nhau trong các vấn đề tài chính của khách hàng phụ thuộc vào một tổ chức duy nhất, thì việc chuyển sang một tổ chức mới có thể rất tốn kém và mất thời gian. 

Điều này có thể cho phép ngân hàng tăng giá dịch vụ mà không sợ khách hàng phản ứng bằng cách chuyển sang đối thủ cạnh tranh, từ đó làm tăng biên lợi nhuận của ngân hàng.

Lợi ích và hạn chế đối với khách hàng

Từ quan điểm của khách hàng, mô hình siêu thị tài chính có cả mặt tích cực và tiêu cực.

Về mặt tích cực, mô hình này mang đến sự thuận tiện bằng cách cho phép khách hàng thực hiện được nhiều dịch vụ tài chính từ một chi nhánh ngân hàng, thay vì giao dịch với nhiều nhà cung cấp dịch vụ tài chính. Ngoài ra, khách hàng được lợi trong việc quản lí công việc thông qua các ứng dụng ngân hàng trực tuyến và ứng dụng di động.

Về mặt tiêu cực, các siêu thị tài chính có thể lợi dụng chi phí chuyển đổi mà khách hàng phải chịu. Ví dụ, ngân hàng Wells Fargo đã buộc phải nộp khoản tiền phạt 1 tỉ USD vào năm 2018 do bị cáo buộc tính phí khách hàng đối với các dịch vụ khác nhau như bảo hiểm xe hơi, thế chấp và các dịch vụ thông thường khác. 

Trong tình huống như vậy, khách hàng đặc biệt dễ bị lợi dụng nếu họ có nhiều loại tài khoản khác nhau đều mở trong một tổ chức tài chính.

(Theo investopedia)

Hằng Hà