|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Hàng xuất khẩu chủ lực (Main Exported Goods) là gì?

15:45 | 08/10/2019
Chia sẻ
Mặc dù có chính sách đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu, nghĩa là một nước không chỉ chuyên vào xuất khẩu một vài sản phẩm, nhưng các quốc gia đều có chính sách xây dựng những mặt hàng chủ lực - những con át chủ bài của nền ngoại thương. Vậy hàng xuất khẩu chủ lực (Main Exported Goods) là gì?
Hàng xuất khẩu chủ lực (Main Exported Goods) là gì? - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: customsnews.vn)

Hàng xuất khẩu chủ lực

Hàng xuất khẩu chủ lực trong tiếng Anh gọi là Main Exported Goods.

Hàng chủ lực là những hàng hóa có điều kiện sản xuất ở trong nước với hiệu quả kinh tế cao hơn những hàng hóa khác, có thị trường tiêu thụ tương đối ổn định, chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu của một quốc gia. 

Hàng xuất khẩu chủ lực là loại hàng chiếm vị trí quyết định trong kim ngạch xuất khẩu do có thị trường ngoài nước và điều kiện sản xuất trong nước thuận lợi.

Quá trình hình thành và đặc điểm của hàng xuất khẩu chủ lực

- Quá trình hình thành: trước hết nó được hình thành qua quá trình thâm nhập vào thị trường nước ngoài, qua những cuộc cọ sát cạnh tranh mãnh liệt trên thị trường thế giới. Và cuộc hành trình đi vào thị trường thế giới ấy kéo theo việc tổ chức sản xuất trong nước trên quy mô lớn chất lượng phù hợp với đòi hỏi của người tiêu dùng. Nếu đứng vững được thì mặt hàng đó liên tục phát triển.

- Đặc điểm:

• Có thị trường tiêu thụ tương đối ổn định và luôn cạnh tranh được trên thị trường đó.

• Có nguồn lực để tổ chức sản xuất và sản xuất với chi phí thấp để thu được lợi trong buôn bán.

• Có khối lượng kim ngạch lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của đất nước.

Ý nghĩa của việc xây dựng mặt hàng xuất khẩu chủ lực

- Thứ nhất, mở rộng quy mô sản xuất trong nước, trên cơ sở đó kéo theo việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, mở rộng và làm phong phú thị trường nội địa.

- Thứ hai, tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu, từ đó góp phần tăng ngân sách nhà nước cải thiện cán cân thanh toán quốc tế.

- Thứ ba, tạo điều kiện giữ vững, ổn định thị trường xuất khẩu và nhập khẩu.

- Thứ tư, tạo cơ sở vật chất để mở rộng các quan hệ hợp tác kinh tế, khoa học kĩ thuật với nước ngoài.

Để hình thành được mặt hàng xuất khẩu chủ lực, Nhà nước cần có những biện pháp, chính sách ưu tiên hỗ trợ trong việc nhanh chóng có được những mặt hàng, nhóm hàng xuất khẩu chủ lực. Các biện pháp và chính sách ưu tiên đó là thu hút vốn đầu tư trong, ngoài nước và các chính sách tài chính cho việc xây dựng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế Ngoại thương, NXB Lao động – Xã hội)

Đỗ Đức Nhượng