Công nghệ đột phá (Disruptive Technology) là gì? Tiềm năng của công nghệ đột phá
Công nghệ đột phá
Khái niệm
Công nghệ đột phá trong tiếng Anh là Disruptive Technology.
Công nghệ đột phá là sự cải tiến làm thay đổi đáng kể cách thức mà người tiêu dùng, các ngành công nghiệp hoặc các doanh nghiệp hoạt động. Một công nghệ đột phá sẽ loại bỏ các hệ thống hoặc thói quen mà nó thay thế bởi vì nó có các tính năng vượt trội rõ rệt.
Một vài ví dụ công nghệ đột phá gần đây bao gồm thương mại điện tử, trang web tin tức trực tuyến, ứng dụng chia sẻ đi xe, hệ thống GPS.
Vào những thế kỉ trước, ô tô, đồ điện gia dụng và truyền hình là những công nghệ đột phá.
Giải thích về công nghệ đột phá
Clayton Christensen đã phổ biến ý tưởng về các công nghệ đột phá trong cuốn The Innovator's Dilemma, xuất bản năm 1997. Nó đã trở thành một từ thông dụng trong các doanh nghiệp khởi nghiệp tìm cách tạo ra một sản phẩm có sức hấp dẫn lớn.
Ngay cả một công ty khởi nghiệp với nguồn lực hạn chế cũng có thể có sự đột phá công nghệ bằng cách nghĩ ra những cách làm hoàn toàn mới để hoàn thành công việc. Các công ty có tiếng có xu hướng tập trung vào những gì họ làm tốt nhất và theo đuổi gia tăng năng suất hơn là đi tìm những thay đổi mang tính cách mạng. Họ phục vụ cho những khách hàng lớn nhất và khó tính nhất của mình.
Điều này tạo cơ hội cho các doanh nghiệp khác nhắm mục tiêu vào các phân khúc khách hàng bị bỏ qua và chiếm được thị phần trong ngành. Các công ty có tiếng thường thiếu tính linh hoạt để thích ứng nhanh với các mối đe dọa mới. Điều đó cho phép những doanh nghiệp vừa và nhỏ lội ngược dòng và chiếm được nhiều phân khúc khách hàng hơn.
Tiềm năng của công nghệ đột phá
Các công ty chấp nhận rủi ro có thể nhận ra tiềm năng của công nghệ đột phá trong hoạt động của họ và nhắm vào các thị trường mới có thể kết hợp công nghệ đó vào quá trình kinh doanh. Đây là những công ty tiên phong của vòng đời áp dụng công nghệ. Các công ty khác ít mạo hiểm hơn chỉ áp dụng một đổi mới sau khi xem cách nó hoạt động cho những công ty khác.
Các công ty không lường trước được tác động của công nghệ đột phá có thể thấy mình mất dần thị phần trước các đối thủ cạnh tranh đã tìm ra cách tích hợp công nghệ.
Blockchain là một ví dụ về công nghệ đột phá
Blockchain, công nghệ đằng sau Bitcoin, là một sổ cái phân tán phi tập trung, ghi lại các giao dịch giữa hai bên. Nó chuyển các giao dịch từ một hệ thống dựa trên máy chủ tập trung sang một mạng lưới mật mã trong suốt. Công nghệ sử dụng sự đồng thuận ngang hàng để ghi lại và xác minh các giao dịch, loại bỏ nhu cầu xác minh thủ công.
Công nghệ chuỗi khối có ý nghĩa rất lớn đối với các tổ chức tài chính như ngân hàng và môi giới chứng khoán. Ví dụ, một công ty môi giới có thể thực hiện xác nhận giao dịch ngang hàng trên blockchain, loại bỏ nhu cầu về người giám sát và thanh toán bù trừ, điều này sẽ giúp giảm chi phí trung gian tài chính và đẩy nhanh thời gian giao dịch.
Đầu tư vào công nghệ đột phá
Đầu tư vào các công ty tạo ra hoặc áp dụng các công nghệ đột phá mang lại rủi ro đáng kể. Nhiều sản phẩm được coi là đột phá mất nhiều năm để tới tay người tiêu dùng hoặc doanh nghiệp. Nhưng những sản phẩm này chưa chắc sẽ nhận được sự ủng hộ từ phía khách hàng. Xe điện Segway đã từng được quảng cáo là một công nghệ đột phá cho đến khi phát hành, sản phẩm không được như mong đợi.
Các nhà đầu tư có thể tiếp cận với công nghệ đột phá bằng cách đầu tư vào các quĩ ETF như ALPS Disruptive Technologies ETF (DTEC). Quĩ ALPS Disruptive Technologies ETF đã đầu tư vào một loạt các lĩnh vực đổi mới như internet vạn vật, điện toán đám mây, fintech, robot và trí tuệ nhân tạo.
(Theo Investopedia)