Internet vạn vật (Internet of Things - IoT) là gì và khác gì với internet?
Hình minh họa (Nguồn: Analytics Training)
Internet vạn vật (Internet of Things - IoT)
Internet vạn vật - danh từ, trong tiếng Anh được gọi là Internet of Things, viết tắt là IoT.
Internet vạn vật, hay mạng lưới vạn vật kết nối, viết tắt là IoT, là một hệ thống tương quan giữa các thiết bị máy tính, máy móc, thiết bị kĩ thuật số, các sự vật, động vật và cả con người, với điều kiện chúng có dấu hiệu nhận biết riêng biệt (Unique Identifiers - UIDs) và khả năng truyền đạt dữ liệu mà không phụ thuộc vào sự tương tác của con người với máy tính hay giữa con người với nhau.
Vì vậy, internet vạn vật khác với mạng internet truyền thống ở chỗ: internet truyền thống chỉ là mạng liên kết các máy tính và con người muốn kết nối với máy tính khác hoặc con người khác phải sử dụng các giao thức kết nối của mạng internet thông qua máy tính có nối mạng.
Những thứ trong Internet vạn vật này có thể là con người với trái tim được cấy ghép bằng thiết bị điện tử, là vật nuôi ở trang trại với thiết bị phát tín hiệu sinh học, xe ô tô có cảm biến để cảnh báo cho lái xe khi chỉ số mệt mỏi của họ tăng cao. Bất kể thứ gì dù là do tạo hóa hay những sự vật do con người tạo ra đều có thể mang một địa chỉ IP riêng và có thể truyền tải dữ liệu vào hệ thống.
Càng ngày, càng có nhiều doanh nghiệp, tổ chức đến từ nhiều ngành công nghiệp khác nhau sử dụng IoT như một công cụ để đạt được hiệu quả cao trong công việc, hiểu rõ khách hàng hơn nhằm nâng cao dịch vụ, cải thiện chất lượng của việc "đưa ra quyết định", từ đó giá trị doanh nghiệp được tăng lên.
Nguồn gốc ra đời của Internet vạn vật - IoT
Kelvin Ashton, người đồng sáng lập của Trung tâm Auto-ID tại MIT, lần đầu tiên nhắc đến khái niệm IoT trong buổi thuyết trình tại tập đoàn P&G (Procter & Gamble) vào năm 1999. Với mong muốn đem RFID (Radio frequency ID) - một thiết bị nhận dạng qua tần số vô tuyến, nhận được sự quan tâm từ những người quản lí của tập đoàn.
Kelvin Ashton (Nguồn: Kelvin Claveria)
Ashton đã gọi phần thuyết trình của ông là "Internet of Things" như là một sự bắt kịp xu thế của thời điểm đó: Internet. Gershenferd - chuyên gia của MIT, trong cuốn sách có tên là "When Things Start to Think " của ông vào năm 1999, mặc dù không đề cập chính xác về thuật ngữ IoT nhưng cũng cung cấp những định hướng rõ ràng về hướng phát triển của hệ thống này.
Internet vạn vật - IoT hoạt động như thế nào?
Hệ sinh thái IoT bao gồm các thiết bị thông minh có thể kết nối Internet để nhúng dữ liệu, các thiết bị cảm biến và hệ thống phần cứng truyền thông tin sẽ tiếp nhận những dữ liệu đó, gửi và hành động dựa trên tất cả dữ liệu mà chúng có được trong môi trường IoT. Các thiết bị IoT chia sẻ những dữ liệu cảm biến mà chúng thu thập được bằng cổng kết nối IoT hoặc thiết bị khác nơi dữ liệu cũng được gửi lên hệ thống đám mây (Cloud) để phân tích.
Đôi khi, những thiết bị này lại có sự liên lạc với những thiết bị khác và hoạt động dựa trên những thông tin mà chúng nhận được từ thiết bị khác. Các thiết bị này làm được hầu hết mọi công việc mà không có sự can thiệp của con người, mặc dù con người vẫn có thể tác động lên những thiết bị này. Ví dụ: để thiết lập, chỉ cần cung cấp cho các thiết bị này dữ liệu chỉ dẫn, từ đó chúng sẽ tìm cách hoạt động dựa trên các chỉ dẫn đó.
Tầm quan trọng của Internet vạn vật - IoT đối với cuộc sống
IoT giúp mọi người sống và làm việc thông minh hơn cũng như kiểm soát tốt hơn cuộc sống của mình. Bên cạnh việc cung cấp các thiết bị thông minh để hiện đại hóa ngôi nhà, IoT còn cung cấp cho các doanh nghiệp một tầm nhìn thực tế về việc làm thế nào để hệ thống công ty thực sự hoạt động hiệu quả.
Smart Mirror (Nguồn: Pinterest)
IoT hướng tới mọi ngành công nghiệp, từ việc chăm sóc sức khỏe, kiểm soát tài chính... cho tới hoạt động kinh doanh, buôn bán và sản xuất. Những thành phố thông minh giúp cho người dân giảm thiểu chất thải và giảm bớt nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
Tựu chung, Internet vạn vật - IoT là một trong những nghiên cứu công nghệ quan trọng nhất đối với cuộc sống hàng ngày. Đặc biệt đối với các doanh nghiệp, đây thực sự là công cụ tối ưu để họ duy trì sự cạnh tranh của mình trong môi trường kinh doanh. (Theo IoTAgenda)