Bitcoin là gì? Rủi ro khi đầu tư vào Bitcoin
Hình minh họa. Nguồn: coindesk.com
Bitcoin
Khái niệm
Bitcoin có kí hiệu là BTC hoặc XBT.
Bitcoin là một loại tiền kĩ thuật số được ra đời vào tháng 1 năm 2009, dựa trên sách trắng (white paper) của Satoshi Nakamoto, danh tính của người này vẫn chưa được xác minh.
Satoshi là đơn vị nhỏ nhất của Bitcoin, 1 BTC = 100.000.000 Satoshi.
"Bitcoin" được viết hoa khi đề cập đến như một thực thể hoặc khái niệm, viết bằng chữ thường khi đề cập đến như một đơn vị tiền tệ, dạng số nhiều có thể là "bitcoin" hoặc "bitcoins" (ví dụ: Tôi giao dịch 20 bitcoin/bitcoins).
Đặc điểm của Bitcoin
- Bitcoin là một trong những loại tiền kĩ thuật số đầu tiên sử dụng công nghệ ngang hàng (peer - to peer hoặc P2P) để tạo điều kiện thanh toán ngay lập tức.
- Bitcoin không được phát hành hoặc hỗ trợ bởi bất kì ngân hàng hoặc chính phủ nào.
- Bitcoin không tồn tại dưới dạng tiền mặt, được phát hành với số lượng có hạn (21 triệu bitcoin). Số dư được ghi chép trên một sổ cái công khai cùng với tất cả các giao dịch Bitcoin.
Lịch sử hình thành của Bitcoin
- Ngày 18/08/2008: Tên miền "bitcoin.org" được đăng kí. Hiện nay, tên miền là "WhoisGuard Protected", có nghĩa là không công khai thông tin người đăng kí
- Ngày 31/10/2008: Một người có tên Satoshi Nakamoto đưa ra thông báo trên danh sách thư điện tử mã hóa (The Cryptography Mailing list) tại metzdowd.com: "Tôi đã làm việc trên một hệ thống tiền điện tử mới, hoàn toàn ngang hàng, không có bên thứ ba đáng tin cậy . Bài viết có sẵn tại http://www.bitcoin.org/bitcoin.pdf. "
- Ngày 03/01/2009: Khối Bitcoin đầu tiên được khai thác, Khối 0 hay còn gọi là "khối gốc" (genesis block)
- Ngày 08/01/2009: Phiên bản đầu tiên của phần mềm Bitcoin được công bố trên danh sách thư điện tử mã hóa
- Ngày 09/01/2009: Khối 1 được khai thác và Bitcoin bắt đầu được đưa vào khai thác một cách nghiêm túc.
Đầu tư vào Bitcoin
Nhiều người ủng hộ Bitcoin tin rằng tiền kĩ thuật số là xu hướng tương lai. Họ cho rằng Bitcoin tạo điều kiện cho một hệ thống thanh toán nhanh và miễn phí cho các giao dịch trên toàn cầu.
Mặc dù, Bitcoin không được hỗ trợ bởi bất kì chính phủ hoặc ngân hàng trung ương nào nhưng trên thực tế nó có thể được đổi thành tiền truyền thống. Một trong những lí do chính cho sự tăng trưởng của các loại tiền kĩ thuật số như Bitcoin là chúng có thể hoạt động thay thế cho tiền định danh và các mặt hàng truyền thống như vàng.
Cách phổ biến nhất để giao dịch Bicoin là thông qua mua trên sàn giao dịch Bitcoin. Dưới đây là những yếu tố cơ bản cần chuẩn bị để có thể giao dịch trên sàn Bitcoin:
1. Ví điện tử: Ví Bitcoin được tạo thành từ hai loại khóa mã hóa riêng biệt: khóa công khai (public key) và khóa riêng tư (private key).
Khóa công khai là một mã được mã hóa để người dùng để nhận Bitcoin vào tài khoản của mình và rút tiền từ đó (được hiểu như số tài khoản Ngân hàng). Khóa riêng là mật khẩu cần thiết để mua, bán và giao dịch Bitcoin trong ví (được hiểu như mật khẩu giao dich của tài khoản Ngân hàng).
2. Thông tin cá nhân: Ủy ban Chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ yêu cầu người dùng xác minh danh tính của họ khi đăng kí ví điện tử để chống hoạt động rửa tiền. Để mua và bán Bitcoin, người dùng cần xác minh danh tính của mình bằng một số tài liệu cá nhân bao gồm giấy phép lái xe và số An sinh xã hội (SSN).
3. Kết nối Internet an toàn: Giao dịch bitcoin trên mạng wifi không đảm bảo an toàn hoặc mạng công cộng không được khuyến khích vì dễ bị tấn công từ tin tặc.
4. Tài khoản ngân hàng, thẻ ghi nợ hoặc thẻ tín dụng: Ví bitcoin có thể kết nối trực tiếp với tài khoản ngân hàng, thẻ ghi nợ hoặc thẻ tín dụng của người dùng để đổi từ tiền định danh (ví dụ: USD) sang Bitcoin và ngược lại.
Rủi ro khi đầu tư Bitcoin
Việc giá trị không được bảo đảm nên việc mua và sử dụng Bitcoin mang một số rủi ro cố hữu. Nhiều cảnh báo cho nhà đầu tư đã được đưa ra bởi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC), Cơ quan quản lí ngành tài chính (FINRA), Cục bảo vệ Tài chính cho người tiêu dùng (CFPB) và các cơ quan khác.
Rủi ro về pháp lí
Bitcoin có thể được sử dụng cho các giao dịch trên thị trường chợ đen, rửa tiền, hoạt động bất hợp pháp hoặc trốn thuế. Do đó, các chính phủ có thể tìm cách điều chỉnh, hạn chế hoặc cấm sử dụng và bán bitcoin.
Chẳng hạn, năm 2015, Bộ Dịch vụ Tài chính Tiểu bang New York đã hoàn thiện các qui định sẽ yêu cầu các công ty xử lí việc mua, bán, chuyển nhượng hoặc lưu trữ bitcoin để ghi lại danh tính của khách hàng. Các giao dịch trị giá 10.000 đô la trở lên sẽ phải được ghi lại và báo cáo.
Ngoài ra, việc thiếu các qui định thống nhất về Bitcoin và các loại tiền ảo khác đặt ra câu hỏi về thời gian tồn tại, tính thanh khoản và tính phổ biến của chúng.
Rủi ro về tính bảo mật
Như với bất kì hệ thống ảo nào, trao đổi Bicoin có nguy cơ bị tin tặc, phần mềm độc hại và bị trục trặc trong quá trình hoạt động. Nếu một tên trộm giành được quyền truy cập vào ổ cứng máy tính của chủ sở hữu Bitcoin và đánh cắp khóa mã hóa riêng tư, anh ta có thể chuyển Bitcoin bị đánh cắp sang một tài khoản khác.
Một vụ đánh cắp đặc biệt khét tiếng đã diễn ra vào năm 2014, khi Mt. Gox, một sàn giao dịch Bitcoin tại Nhật Bản, đã buộc phải đóng cửa sau khi Bitcoin có trị giá hàng triệu đô la bị đánh cắp.
Rủi ro gian lận
Do việc phát hành tiền ảo (ICO) chưa được qui định bởi chính phủ nên những kẻ lừa đảo có thể bán bitcoin giả. Chẳng hạn, vào tháng 7/ 2013, SEC đã đưa ra hành động pháp lí chống lại một nhà điều hành chương trình Ponzi liên quan đến Bitcoin.
Rủi ro thị trường
Nếu ít người bắt đầu chấp nhận Bitcoin như một loại tiền tệ, các đơn vị tiền kĩ thuật số này có thể trở nên vô giá trị. Nó có độ nhạy cao đối với tin tức thị trường. Giá trị của Bitcoin đã chứng kiến sự dao động mạnh mẽ về giá trong thời gian rất ngắn.
Theo Cục bảo vệ Tài chính cho người tiêu dùng (CFPB), giá bitcoin đã giảm 61% trong một ngày vào năm 2013. Đến năm 2014, giá giảm trong một phiên lên tới 80%.
Rủi ro về thuế
Vào tháng 3 năm 2014, IRS tuyên bố rằng tất cả các loại tiền ảo, bao gồm Bitcoin, sẽ bị đánh thuế như một loại tài sản. Vì vậy, sẽ không có cách nào hợp pháp để bảo về các khoản thu nhập từ Bitcoin khỏi thuế.
(Nguồn tham khảo: Investopedia)