|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Chương trình thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung là gì? Nội dung của chương trình

16:12 | 25/09/2019
Chia sẻ
Chương trình thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung (tiếng Anh: Common Effective Preferential Tariff) là một chương trình thỏa thuận ưu đãi thuế quan được kí kết bởi các nước thành viên trong khối ASEAN.
cut-tax

Hình minh họa (Nguồn: lukagroup.com.au)

Chương trình thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung (Common Effective Preferential Tariff)

Khái niệm

Chương trình thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung trong tiếng Anh là Common Effective Preferential Tariff; viết tắt là CEPT.

Chương trình thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung (Common Effective Preferential Tariff) là một chương trình thỏa thuận ưu đãi thuế quan được kí kết bởi các nước thành viên trong khối ASEAN. CEPT thiết lập mối quan hệ buôn bán tự do trong khối ASEAN (AFTA) với mục tiêu giảm thuế nhập khẩu trên hầu hết hàng hóa buôn bán giữa các nước thành viên xuống mức tối thiểu 0-5%.

"CEPT" có nghĩa là thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung, và là mức thuế có hiệu lực, được thỏa thuận ưu đãi cho ASEAN, được áp dụng cho các hàng hóa có xuất xứ từ các quốc gia thành viên ASEAN và được xác định để đưa vào Chương trình CEPT. (theo Điều 1 Hiệp định Chương trình thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung (CEPT) cho khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA))

Nội dung Chương trình cắt giảm thuế quan

1. Các quốc gia thành viên thỏa thuận Chương trình cắt giảm thuế quan ưu đãi có hiệu lực như sau:

+ Giảm các mức thuế quan hiện nay xuống còn 20% trong thời kì 5 năm tới 8 năm, kể từ ngày 01-01-1993, tùy thuộc vào Chương trình cắt giảm thuế quan do từng quốc gia thành viên quyết định và sẽ được thông báo khi được công bố vào lúc bắt đầu chương trình. Khuyến khích các quốc gia thành viên áp dụng mức cắt giảm hàng năm theo công thức (X-20)%/5 hoặc 8 năm, trong đó X là mức thuế quan hiện hành tại mỗi quốc gia thành viên.

+ Sau đó giảm mức thuế 20% hoặc thấp hơn trong thời hạn 7 năm. Mức cắt giảm tối thiểu là 5% lượng được cắt giảm. Chương trình cắt giảm thuế quan sẽ được các quốc gia thành viên quyết định và tuyên bố khi bắt đầu chương trình.

+ Đối với các sản phẩm có mức thuế hiện nay là 20% hoặc thấp hơn, kể từ ngày 01-01-1993, các quốc gia thành viên sẽ quyết định chương trình cắt giảm thuế quan, và công bố ngày bắt đầu áp dụng chương trình cắt giảm.

Hai hoặc nhiều quốc gia thành viên có thể thỏa thuận cắt giảm thuế quan xuống còn 0-5% cho các sản phẩm cụ thể với tốc độ nhanh hơn khi bắt đầu Chương trình.

2. Các sản phẩm đã đạt tới hoặc đang có mức thuế suất là 20% hoặc thấp hơn, sẽ nghiễm nhiên được hưởng các ưu đãi.

3. Các chương trình cắt giảm thuế quan trên đây không ngăn cản các quốc gia thành viên cắt giảm ngay lập tức mức thuế quan của mình xuống còn 0-5% hoặc áp dụng một chương trình rút ngắn việc cắt giảm thuế quan.

(Tài liệu tham khảo: theo Điều 4 Hiệp định Chương trình thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung (CEPT) cho khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA))

Lợi ích của CEPT đối với Việt Nam

- Tăng khả năng cạnh tranh chất lượng, chủng loại, mẫu mã, giá cả của hàng hóa Việt Nam so với hàng hóa các nước ASEAN và thị trường nước ngoài ASEAN

- Tăng luồng đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam và cơ hội việc làm của người lao động

- Việc giảm thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu đầu vào của sản xuất sẽ làm giảm chi phí và giá thành sản phẩm, dẫn đến tăng khả năng cạnh tranh và khả năng sản xuất. Điều này dẫn đến tăng thu ngân sách nhà nước ở các loại thuế khác như­ thuế doanh thu, thuế lợi tức... 

(Tài liệu tham khảo: Tài liệu Hải quan cơ bản, Học viện tài chính)

T.H

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.