|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Chi phí mua hàng là gì? Đặc điểm

15:34 | 23/09/2019
Chia sẻ
Chi phí mua hàng là khoản tiền mà doanh nghiệp thương mại phải chi trả cho các đơn vị nguồn hàng về số hàng đã mua.
procurement

Hình minh hoạ (Nguồn: oracle)

Chi phí mua hàng

Khái niệm

Chi phí mua hàng tạm dịch sang tiếng Anh là purchase costs.

Chi phí mua hàng là khoản tiền mà doanh nghiệp thương mại phải chi trả cho các đơn vị nguồn hàng về số hàng đã mua. Khoản chi phí này phụ thuộc vào khối lượng và cơ cấu hàng hóa đã mua và đơn giá của một đơn vị hàng mua.

Đặc điểm

Chi phí mua hàng là khoản chi lớn nhất trong kinh doanh của doanh nghiệp thương mại. Nó hình thành nên khối lượng và cơ cấu hàng hóa dự trữ ở doanh nghiệp thương mại.Nguồn tiền để trang trải chi phí mua hàng chính là vốn lưu động của doanh nghiệp thương mại. 

Ngoài vốn lưu động còn phải huy động một phần đáng kế vốn vay, hoặc vốn ứng trước của đơn vị nguồn hàng, bạn hàng hoặc khách hàng. 

Đối với doanh nghiệp thương mại, việc lựa chọn thị trường nguồn hàng và đối tác mua hàng phải bảo đảm hàng mua phải bán được trên thị trường bán. 

Cùng một loại hàng, cần phải lựa chọn mặt hàng có chất lượng tốt, mặt hàng có thương hiệu nổi tiếng, có ưu thế về tính năng, công dụng hoặc tiêu hao nhiên liệu... tiên tiến, hiện đại phù hợp với mốt (xu thế tiêu dùng của khách hàng) và bằng cách đặt mua trực tiếp (mua buôn) với các hãng sản xuất – kinh doanh. 

Quyết định mua hàng là đơn giá hàng mua cộng với chi phí (ước tính): về chi phí lưu thông, thuế và lãi tiền vay ngân hàng so với giá bán ở thị trường bán phải có lãi. 

Mức lãi cao hay thấp tùy thuộc vào sự chênh lệch khối lượng hàng mua, nhu cầu thị trường, giá bán hàng và nguồn cung ứng khác của các đối thủ cạnh tranh. 

Tuy nhiên, giá mua cũng phụ thuộc rất lớn vào thị trường nguồn hàng, vào thương thảo và mối quan hệ giữa hai bên mua bán, cũng như phương thức giao nhận, vận chuyển, thanh toán mà hai bên thỏa thuận. 

Trong cơ chế thị trường, sự biến động giá cả hàng mua biến động theo nhu cầu thị trường và mức khan hiếm của nguồn hàng. 

Vì vậy, doanh nghiệp thương mại cần liên tục theo dõi động thái giá cả và xu hướng giá cả của nguồn hàng, có chiến lược nguồn hàng, đa dạng hóa nguồn hàng, chú ý thích đáng phát triển nguồn hàng mới... 

Để doanh nghiệp thương mại ổn định nguồn hàng, hạn chế đến mức tối đa sự "chông chênh" của nguồn hàng và lực lượng dự trữ mỏng của doanh nghiệp thương mại.

(Tài liệu tham khảo: Quản trị vốn và chi phí trong kinh doanh thương mại, Trung tâm đào tạo từ xa, ĐH Kinh tế Quốc dân)

Diệu Nhi