Dự trữ hàng hóa (Stocking) là gì? Cơ cấu dự trữ
Hình minh hoạ (Nguồn: kanbanlogistics)
Dự trữ hàng hóa
Khái niệm
Dự trữ hàng hóa trong tiếng Anh được gọi là stocking.
Dự trữ hàng hóa trong kinh doanh thương mại là sự ngưng đọng của hàng hóa trong quá trình vận động từ nơi sản xuất đến nơi tiêu dùng. Nó được hình thành từ khi hàng hóa nhập về kho, trạm cửa hàng của doanh nghiệp đến khi bán những hàng hóa đó cho khách hàng.
Phân loại
Phân loại dự trữ hàng hóa trong kinh doanh thương mại
- Dự trữ tiêu thụ: Dự trữ tiêu thụ là dự trữ những thành phẩm đã hoàn thành việc chế tạo, đã nhập kho tiêu thụ của doanh nghiệp sản xuất và đang chờ xuất bán.
- Dự trữ hàng hóa của doanh nghiệp thương mại: Dự trữ hàng hóa ở doanh nghiệp thương mại được hình thành từ khi nhập hàng về doanh nghiệp thương mại và kết thúc khi doanh nghiệp thương mại bán hàng (giao hàng) cho khách hàng.
Dự trữ hàng hóa ở doanh nghiệp thương mại là dự trữ hàng hóa ở kho, trạm, cửa hàng, quầy hàng, siêu thị, đại lí, trung tâm mua sắm của các doanh nghiệp thương mại.
Nguyên nhân hình thành
Sự hình thành dự trữ trong nền kinh tế quốc dân: Còn sản xuất hàng hóa, còn lưu thông hàng hóa thì còn dự trữ hàng hoá.
Dự trữ hàng hóa ở trong kinh doanh thương mại được hình thành do các yêu cầu:
- Để bảo đảm có hàng bán ra liên tục cho khách hàng
- Để đáp ứng yêu cầu mở rộng kinh doanh
- Để có thời gian đổi mới chính bản thân dự trữ
- Là một phương tiện quan trọng để tăng khả nãng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường
- Là một biện pháp tìm kiếm lợi nhuận trong kinh doanh
- Thực hiện được những nhiệm vụ chính trị xã hội của doanh nghiệp
Yếu tố ảnh hưởng
Các nhân tố ảnh hưởng đến dự trữ hàng hóa trong kinh doanh thương mại
- Các nhân tố chung: sản xuất, tiêu dùng, lực lượng sản xuất và giao thông vận tải, điều kiện tự nhiên và đặc điểm của hàng hóa, tiến bộ khoa học kĩ thuật, chính trị luật pháp, xuất nhập khẩu, trình độ quản lí kinh tế và văn hóa xã hội.
- Các nhân tố cụ thể ảnh hưởng đến khối lượng, thời gian và giá trị hàng hóa dự trữ.
Cơ cấu
Cơ cấu dự trữ hàng hóa trong kinh doanh thương mại
Căn cứ vào vai trò của các bộ phận khác nhau của dự trữ có thể chia thành: dự trữ thường xuyên, dự trữ bảo hiểm, dự trữ chuẩn bị và dự trữ thời vụ. Trong đó dự trữ thường xuyên chiếm tỉ lệ lớn và quan trọng nhất.
- Dự trữ thường xuyên: Dự trữ thường xuyên là lực lượng hàng hóa dự trữ chủ yếu (lớn nhất) của doanh nghiệp để thỏa mãn thường xuyên đều đặn các nhu cầu của khách hàng giữa hai kì nhập hàng liên tiếp.
Dự trữ thường xuyên luôn biến động từ tối đa đến tối thiểu. Dự trữ thường xuyên đạt tối đa khi doanh nghiệp nhập hàng về và đạt tối thiểu trước kì nhập hàng tiếp sau. Khoảng cách giữa hai kì nhập hàng liên tiếp người ta gọi là chu kì nhập hàng.
Chu kì nhập hàng chính là khoảng thời gian từ lần nhập hàng trước đến lần nhập hàng sau. Chu kì này có thể đều đặn (bằng nhau) hoặc không đều đặn phụ thuộc vào nhu cầu của khách hàng trong từng giai đoạn.
- Dự trữ bảo hiểm: Dự trữ bảo hiểm là lực lượng hàng hóa dự trữ để phòng trường hợp khi nhập hàng không bảo đảm đủ về số lượng, không đủ về chất lượng và đối tác vi phạm về thời gian nhập hàng (nhập chậm)...
Dự trữ bảo hiểm là lượng dự trữ để đáp ứng nhu cầu bán hàng liên tục mà nguồn hàng không thực hiện đúng kế hoạch vì các lí do khác nhau, là lượng vừa đủ để khắc phục những nguyên nhân xảy ra thiếu hụt đối với dự trữ thường xuyên.
Nếu dự trữ bảo hiểm quá ít sẽ không giúp khắc phục hậu quả, nhưng nếu dự trữ bảo hiểm nhiều quá sẽ thừa không cần thiết.
- Dự trữ chuẩn bị: Đối với những loại hàng hóa khi nhập hàng về doanh nghiệp phải có thời gian chuẩn bị mới bán được hàng thì còn phải tính thêm dự trữ chuẩn bị.
Dự trữ chuẩn bị thực sự cần thiết đối với những mặt hàng sau khi nhập kho cần phải trải qua các khâu phân loại, làm đồng bộ, sơ chế và chuẩn bị cho phù hợp với nhu cầu của khách hàng.
- Dự trữ thời vụ: Dự trữ thời vụ là dự trữ những hàng hóa mà việc sản xuất, vận chuyển, phân phối, bán hàng và tiêu dùng có tính thời vụ.
Trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nếu đối tượng hàng hóa kinh doanh là hàng nông lâm hải sản, hàng công nghiệp sử dụng theo mùa (nóng, lạnh, mùa khô, mùa mưa, các ngày lễ, tết...) thì doanh nghiệp có cả dự trữ thời vụ.
Dự trữ thời vụ bắt đầu từ khi kết thúc thời vụ trước (hoặc bắt đầu vào thời kì thu hoạch). Dự trữ thời vụ thường đạt mức tối đa khi hết vụ thu hoạch hoặc bắt đầu vào thời vụ tiêu dùng.
Đối với dự trữ thời vụ thì trong đó đã bao gồm cả dự trữ thường xuyên và dự trữ bảo hiểm. Dự trữ thời vụ là lượng dự trữ để đáp ứng yêu cầu tiêu dùng khẩn trương và cao hơn bình thường nên doanh nghiệp thường rất căng thẳng về vốn cho dự trữ thời vụ.
(Tài liệu tham khảo: Tạo nguồn, mua hàng và dự trữ hàng hóa trong kinh doanh thương mại, Trung tâm đào tạo từ xa, ĐH Kinh tế Quốc dân)