|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Kế hoạch lưu chuyển hàng hóa là gì? Nội dung

12:58 | 23/09/2019
Chia sẻ
Kế hoạch lưu chuyển hàng hóa của doanh nghiệp là bảng tính toán tổng hợp những chỉ tiêu bán ra, mua vào và dự trữ hàng hóa đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
GST-Rate-for-Courier-Services

Hình minh hoạ (Nguồn: indiafilings)

Kế hoạch lưu chuyển hàng hóa

Khái niệm

Kế hoạch lưu chuyển hàng hóa của doanh nghiệp là bảng tính toán tổng hợp những chỉ tiêu bán ra, mua vào và dự trữ hàng hóa đáp ứng nhu cầu của khách hàng, trên cơ sở khai thác tối đa các khả năng có thể có của doanh nghiệp trong kì kế hoạch (thường là kế hoạch năm).

Vị trí

Kế hoạch lưu chuyển hàng hóa là kế hoạch kinh doanh cơ bản của doanh nghiệp vì

- Phản ánh đầy đủ nhất, tập trung nhất mọi hoạt động kinh doanh cơ bản của doanh nghiệp.

- Kế hoạch lưu chuyển phản ánh chức năng, nhiệm vụ của kinh doanh thương mại.

- Là cơ sở của các kế hoạch biện pháp khác như kế hoạch vốn, chi phí nộp ngân sách, lợi nhuận, lao động...

Nội dung

Nội dung gồm 3 bộ phận kế hoạch:

- Kế hoạch bán hàng

Bán hàng là nhiệm vụ trung tâm, quan trọng nhất của doanh nghiệp; là mục tiêu hàng đầu của hoạt động kinh doanh thương mại. 

Vì vậy, mọi hoạt động của doanh nghiệp phải phục vụ cho việc bán hàng được nhiều, được nhanh, thu hút được ngày càng nhiều khách hàng, giảm được chi phí bán hàng để đạt được hiệu quả kinh doanh cao. Đẩy mạnh bán ra là phương châm hoạt động của các bộ phận của doanh nghiệp. 

Theo hình thức bán hàng có các chỉ tiêu bán buôn và bán lẻ. 

Bán buôn là bán khối lượng lớn cho đơn vị sản xuất kinh doanh hoặc cho bạn hàng. Bán buôn là bán cho nhà buôn, kết thúc hoạt động bán hàng của doanh nghiệp hàng hóa vẫn nằm trong khâu lưu thông. 

Thông thường, bán buôn thường được bán theo hợp đồng và thanh toán qua ngân hàng (bán buôn lớn). Doanh nghiệp thường có mối quan hệ ít nhiều với khách hàng mua và có chính sách marketing quan hệ với nhóm khách hàng đặc biệt quan trọng này. 

Bán lẻ là bán hàng cho người tiêu dùng ở các quầy hàng, cửa hàng, siêu thị. Người mua xem xét hàng hóa, lựa chọn hàng hóa, đồng ý mua và thanh toán tiền với người bán hàng và nhận hàng. 

Bán buôn được thanh toán theo giá bán buôn, còn bán lẻ thanh toán theo giá bán lẻ. Cùng một loại hàng hóa, giá bán buôn thường thấp hơn giá bán lẻ vì người mua còn phải chi phí để bán lẻ.

- Kế hoạch mua hàng

Đối với doanh nghiệp, mua hàng là điều kiện tiên quyết để thực hiện kế hoạch bán ra và dự trữ hàng hóa. 

Mua hàng đòi hỏi hàng hóa phải phù hợp với nhu cầu của khách hàng, phải mua được hàng và đưa được hàng về nơi bán kịp thời, đúng yêu cầu, chất lượng và giá cả hợp là yếu tố quan trọng quyết định để kinh doanh có lãi. 

Vì vậy, trong kế hoạch mua hàng phải tính toán, cân nhắc, lựa chọn các loại hàng, cơ cấu hàng hóa, nguồn hàng, bạn hàng tin cậy để bảo đảm an toàn vốn kinh doanh và đáp ứng yêu cầu kinh doanh của doanh nghiệp trong kế hoạch. 

Tùy theo điều kiện, phạm vi, yêu cầu kinh doanh mà doanh nghiệp có thể lựa chọn các nguồn hàng sau: Nguồn hàng nhập khẩu; Nguồn hàng sản xuất trong nước; Nguồn hàng tự khai thác, chế biến, gia công; Nguồn hàng liên doanh, liên kết, đại ; Các nguồn hàng khác (ngoài những nguồn hàng trên). 

Vấn đề tìm nguồn hàng, lựa chọn bạn hàng và đối tác cung ứng hàng hóa phù hợp với nhu cầu của khách hàng, chất lượng bảo đảm và giá cả phải chăng có ý nghĩa kinh tế quyết định đến kết quả và hiệu quả kinh doanh. 

Ngoài những nguồn hàng cung ứng truyền thống, doanh nghiệp cần tìm nguồn hàng mới thông qua các hội chợ triển lãm trong nước và quốc tế, thông qua mạng internet, quảng cáo và các hoạt động xúc tiến thương mại... để mở rộng và phát triển nguồn hàng của mình, không phụ thuộc chặt chẽ vào chỉ một nguồn cung ứng.

- Kế hoạch dự trữ: Một trong những điều kiện quan trọng để bảo đảm cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được liên tục và đạt hiệu quả cao là doanh nghiệp có kế hoạch dự trữ hàng hóa phù hợp. 

Kế hoạch dự trữ hàng hóa phù hợp giúp cho doanh nghiệp tranh thủ được cơ hội bán hàng, giao hàng nhanh (có hàng giao ngay), không bị đứt đoạn trong cung ứng hàng hóa. 

Kế hoạch dự trữ hàng hóa của doanh nghiệp gồm: chỉ tiêu dự trữ hàng hóa đầu và chỉ tiêu dự trữ hàng hóa cuối

Các chỉ tiêu này bao gồm chỉ tiêu về số lượng và chất lượng hàng hóa với danh điểm hàng hóa phù hợp với nhu cầu của khách hàng và được bố trí ở địa bàn phù hợp để xuất bán cho kế hoạch tiếp sau. 

(Tài liệu tham khảo: Chiến lược và kế hoạch kinh doanh thương mại, Trung tâm đào tạo từ xa, ĐH Kinh tế Quốc dân)

Diệu Nhi

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.