|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Chính sách việc làm (Employment policy) là gì? Vai trò và vị trí

14:23 | 20/04/2020
Chia sẻ
Chính sách việc làm (tiếng Anh: Employment policy) là tổng thể các quan điểm, tư tưởng, các mục tiêu, các giải pháp và công cụ nhằm sử dụng lực lượng lao động và tạo việc làm cho lực lượng lao động đó.
Chính sách việc làm (Employment policy) là gì? Vai trò và vị trí - Ảnh 1.

Hình minh hoạ (Nguồn: agilityracblog)

Chính sách việc làm

Khái niệm

Chính sách việc làm trong tiếng Anh được gọi là Employment policy.

Chính sách việc làm là tổng thể các quan điểm, tư tưởng, các mục tiêu, các giải pháp và công cụ nhằm sử dụng lực lượng lao động và tạo việc làm cho lực lượng lao động đó.

Nói cách khác, chính sách việc làm là sự thể chế hoá pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực lao động và việc làm, là hệ thống các quan điểm, phương hướng mục tiêu và các giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động.

Chính sách việc làm thực chất là một hệ thống các chính sách chung có quan hệ và tác động đến việc mở rộng và phát triển việc làm cho lực lượng lao động của toàn xã hội.

Như các chính sách khuyến khích phát triển các lĩnh vực, ngành nghề có khả năng thu hút nhiều lao động, chính sách việc làm cho những đối tượng đặc biệt (người tàn tật, đối tượng tệ nạn xã hội, người hồi hương…); chính sách hợp tác và xuất khẩu lao động đi nước ngoài…

Vai trò, vị trí của chính sách việc làm

- Chính sách việc làm là một trong những chính sách xã hội cơ bản của mọi quốc gia nhằm góp phần đảm bảo an toàn, ổn định và phát triển xã hội.

- Chính sách việc làm tác động đến một vấn đề nhạy cảm, vừa có ý nghĩa về mặt kinh tế, vừa có ý nghĩa về mặt chính trị và xã hội.

- Chính sách việc làm có mối quan hệ biện chứng với các chính sách kinh tế và các chính sách xã hội khác, đặc biệt là mối quan hệ chặt chẽ giữa chính sách việc làm với chính sách dân số, chính sách giáo dục – đào tạo, chính sách cơ cấu kinh tế, chính sách công nghệ.

Thực hiện tốt chính sách việc làm, nguồn nhân lực được sử dụng có hiệu quả thì hiện tượng thất nghiệp sẽ giảm đi, như vậy chính sách bảo hiểm xã hội sẽ giảm được chi phí trợ cấo thất nghiệp. 

Ngược lại, khi chính sách việc làm chưa được giải quyết tốt, nhất là vào thời kì kinh tế suy thoái, nạn thất nghiệp sẽ tăng lên, và cùng với nó là tình trạng đói nghèo, các tệ nạn xã hội sẽ dễ dàng phát sinh. 

Khi đó gánh nặng đối với các chính sách về bảo trợ xã hội, an ninh xã hội sẽ lớn hơn rất nhiều, thậm chí còn có thể gây bất ổn định về chính trị, xã hội.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Chính sách Kinh tế - Xã hội, TS. Nguyễn Thị Lệ Thuý, TS. Bùi Thị Hồng Việt, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, NXB Tài chính, 2012)

Diệu Nhi