|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Chính sách tiền trực thăng (Helicopter Money) là gì?

15:15 | 29/11/2019
Chia sẻ
Tiền trực thăng (tiếng Anh: Helicopter Money) là một chính sách tài khóa mở rộng được thực hiện bằng cách gia tăng cung tiền được thực hiện bằng cách in một lượng tiền lớn và phân phối cho công chúng để kích thích nền kinh tế.
160426111339-helicopter-money-640x360

Hình minh họa. Nguồn: shutterstock

Tiền trực thăng

Khái niệm

Tiền trực thăng trong tiếng Anh là Helicopter Money hoặc Helicopter Drop.

Tiền trực thăng là một thuật ngữ đề cập đến đến một loại chiến lược kích thích tiền tệ quyết liệt để tăng lạm phát và gia tăng sản lượng kinh tế. Mặc dù chiến lược này có vẻ khả thi về mặt lí thuyết, nhưng từ quan điểm thực tế, nó được coi là một công cụ chính sách tiền tệ phi truyền thống, chỉ mang tính giả định vì rất khó thực hiện.

Nội dung chính sách tiền trực thăng

Tiền trực thăng là một chính sách tài khóa mở rộng được thực hiện bằng cách gia tăng cung tiền trong nền kinh tế. Dù chính sách tài khóa mở rộng có thể được thực hiện bằng gia tăng chi tiêu chính phủ hoặc cắt giảm thuế, nhưng tiền trực thăng được thực hiện bằng việc in một lượng tiền lớn và phân phối cho công chúng để kích thích nền kinh tế. 

Trong hầu hết các trường hợp, thuật ngữ tiền trực thăng là một phép ẩn dụ cho các biện pháp độc đáo để kích thích nền kinh tế trong thời kỳ giảm phát.

Dù thuật ngữ "tiền trực thăng" đến từ nhà kinh tế học nổi tiếng Milton Friedman, nó trở nên phổ biến sau khi được Ben Bernanke nhắc đến trong một bài phát biểu tháng 11 năm 2002, khi ông còn là một thống đốc mới tại Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Điều này đã khiến ông có biệt danh "Ben trực thăng" trong suốt nhiệm kì với tư cách là thành viên và chủ tịch Fed.

Bernanke nhắc đến "tiền trực thăng" trong bài phát biểu tại Câu lạc bộ các nhà kinh tế quốc gia về các biện pháp có thể được sử dụng để chống giảm phát. Trong bài phát biểu đó, Bernanke đã định nghĩa giảm phát là tác dụng phụ của sự sụp giảm mạnh tổng cầu, hoặc sự cắt giảm nghiêm trọng trong chi tiêu của người tiêu dùng khiến các nhà sản xuất phải liên tục giảm giá để có người mua hàng.

Ông cũng nói rằng hiệu quả của chính sách chống giảm phát có thể được tăng cường nhờ sự hợp tác giữa các cơ quan tài chính và tiền tệ, và cho rằng việc cắt giảm thuế trên diện rộng là "về bản chất cũng giống như biện pháp tiền trực thăng nổi tiếng của Milton Friedman".

Những người chỉ trích Bernanke sau đó đã sử dụng câu nói này để chê bai các chính sách kinh tế của ông, nhưng họ đã buộc phải im lặng bởi cách xử khéo léo của Bernanke đối với nền kinh tế Mỹ trong và sau cuộc Đại Suy thoái 2008 - 2009. 

Phải đối mặt với suy thoái kinh tế lớn nhất kể từ những năm 1930 và với nền kinh tế Mỹ đứng trước thảm họa, Bernanke đã sử dụng một số phương pháp được nêu trong bài phát biểu năm 2002 của mình để chống lại suy thoái, như mở rộng qui mô và phạm vi các tài sản tài chính mà Fed mua lại.

Nhật Bản cân nhắc sử dụng tiền trực thăng

Do Nhật Bản phải đối mặt với sự tăng trưởng trì trệ trong suốt thế kỉ 21, nước này đã cân nhắc về về tiền trực thăng vào năm 2016. 

Bernanke chủ động trong cuộc trò chuyện khi gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda để thảo luận về các chính sách tiền tệ có thể sử dụng, một trong số đó là phát hành trái phiếu vĩnh viễn (là trái phiếu không có ngày đáo hạn) với qui mô lớn trong thời gian dài. 

Trong những tháng tiếp theo, Nhật Bản đã không chính thức thực hiện chính sách tiền trực thăng mà thay vào đó đã chọn cách tăng cường mua các tài sản tài chính với qui mô lớn.

(Theo investopedia)

Giang