Công cụ gián tiếp (Indirect Tool) của chính sách tiền tệ được thực hiện như thế nào?
Hình minh họa (Nguồn: Medium)
Công cụ gián tiếp (Indirect Tool)
Khái niệm
Công cụ gián tiếp trong tiếng Anh gọi là Indirect Tool.
Công cụ gián tiếp là nhóm công cụ tác động trước hết vào mục tiêu hoạt động của chính sách tiền tệ, thông qua cơ chế thị trường mà tác động này được truyền đến các mục tiêu trung gian là khối lượng tiền cung ứng và lãi suất.
Các công cụ thực hiện
Dự trữ bắt buộc (DTBB)
DTBB là số tiền mà các ngân hàng thương mại buộc phải duy trì trên một khoản tiền gửi không hưởng lãi tại ngân hàng trung ương. Nó được xác định bằng một tỉ lệ phần trăm nhất định trên tổng số dư tiền gửi tại một khoảng thời gian nào đó.
Mức dự trữ bắt buộc được qui định khác nhau căn cứ vào thời hạn tiền gửi, vào qui mô và tính chất hoạt động của ngân hàng thương mại.
Hiện nay dự trữ bắt buộc được quản lí theo nguyên tắc bình quân. Có nghĩa là mức dự trữ yêu cầu cho một thời kì nào đó (thời kì duy trì) được xác định căn cứ vào tỉ lệ phần trăm qui định trên số dư tiền gửi bình quân ngày trong thời kì trước (gọi là thời kì xác định).
Thời kì xác định và thời kì duy trì có thể nối tiếp nhau (Việt Nam áp dụng cách quản lí này với độ dài thời gian một tháng), có thể trùng nhau một giai đoạn nào đó hoặc có thể gần như trùng khớp nhau. Cách quản lí khác nhau có thể hướng đến hiệu quả của công cụ dự trữ bắt buộc trong một chừng mực nào đó.
Chính sách tái chiết khấu
Chính sách tái chiết khấu bao gồm các qui định và điều kiện cho vay của ngân hàng Trung ương đối với các ngân hàng thương mại. Ngân hàng Trung ương cho vay ngắn hạn trên cơ sở chiết khẩu các chứng từ có giá ngắn hạn, chủ yếu là tín phiếu Kho bạc và thương phiếu.
Các ngân hàng thương mại đi vay ngân hàng trung ương nhằm bù đắp hoặc bổ sung nhu cầu vốn khả dụng và hình thành nên bộ phận dự trữ đi vay.
Bộ phận này được sử dụng như bất kì bộ phận dự trữ nào khác để bù đắp nhu cầu dự trữ bắt buộc bổ sung số dự trữ vượt mức để đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế hoặc ngăn chặn nguy cơ phá sản của các ngân hàng khi cần thiết.
Điểm khác biệt chủ yếu giữa dự trữ đi vay và dự trữ khác là chúng phải được trả lại cho ngân hàng Trung ương khi đến hạn.
Nghiệp vụ thị trường mở
Nghiệp vụ thị trường mở là các hoạt động của ngân hàng Trung ương trên thị trường mở thông qua việc mua bán các chứng khoán. Các hoạt động này ảnh hưởng trực tiếp đến dự trữ của các ngân hàng thương mại và ảnh hưởng gián tiếp đến các mức lãi suất.
(Tài liệu tham khảo, Giáo trình Tiền tệ ngân hàng, Học viện Ngân hàng, NXB Lao Động)