|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Biểu đồ quan hệ (Relation Diagram) là gì? Lợi ích và các bước áp dụng

10:12 | 19/03/2020
Chia sẻ
Biểu đồ quan hệ (tiếng Anh: Relation Diagram) là một công cụ để giải quyết các vấn đề phức tạp bằng cách tháo gỡ mối liên kết logic giữa từng cặp nguyên nhân và kết quả (hoặc giữa mục tiêu và chiến lược).
Biểu đồ quan hệ (Relation Diagram) là gì? Lợi ích và các bước áp dụng - Ảnh 1.

Hình minh hoạ (Nguồn: rawpixel)

Biểu đồ quan hệ

Khái niệm

Biểu đồ quan hệ hay còn gọi là đồ thị tương quan trong tiếng Anh được gọi là Relation Diagram.

Biểu đồ quan hệ là một công cụ để giải quyết các vấn đề phức tạp bằng cách tháo gỡ mối liên kết logic giữa từng cặp nguyên nhân và kết quả (hoặc giữa mục tiêu và chiến lược). 

Khi áp dụng thuật này, một nhóm liên tục xây dựng và sửa đổi biểu đồ, từng bước hình thành sự thống nhất. Đây là một phương pháp hữu ích để thay đổi suy nghĩ của con người, chỉ ra mấu chốt của vấn đề và mở ra hướng giải quyết.

Lợi ích

- Biểu đồ quan hệ cho phép sắp xếp một cách logic vấn đề có mối quan hệ nhân quả phức tạp nên chúng rất hữu ích trong giai đoạn lập kế hoạch để đạt được tầm nhìn rộng trong tình trạng chung.

- Giúp cho việc xác định sự ưu tiên một cách chính xác và có thể nhận rõ vấn đề bằng cách chỉ ra mỗi quan hệ giữa các nguyên nhân.

Các bước áp dụng

Bước 1: Trình bày vấn đề ở dạng chỉ ra kết quả mong muốn chưa đạt được. Ví dụ: Tại sao X không xảy ra? Viết câu này lên thẻ hoặc nhãn.

Bước 2: Mỗi thành viên của nhóm nghĩ ra 5 nguyên nhân ảnh hưởng đến vấn đề và viết lên từng thẻ riêng biệt. Các thẻ này được gọi là thẻ nguyên nhân. Cũng như các thông tin trên thẻ tương đồng, các nguyên nhân cần trình bày ở dạng câu ngắn gọn.

Bước 3: Đặt thẻ vấn đề vào giữa tờ giấy khổ rộng

Bước 4: Mỗi thành viên của nhóm đọc thẻ của mình và thảo luận về ý nghĩa của nó. Nhóm các thẻ tương tự với nhau.

Bước 5: Bằng cách liên tục hỏi các câu hỏi tại sao. Điều tra mối quan hệ nhân - quả và chia các thẻ thành nguyên nhân chính, nguyên nhân thứ cấp... và các cấp xa hơn. 

Đặt thẻ có quan hệ gần với vấn đề nhất vào chỗ gần thẻ vấn đề nhất. Liên kết các thẻ bằng các mũi tên để chỉ mối quan hệ nhân quả.

Bước 6: Thảo luận về biểu đồ cho đến khi xác định được các nguyên nhân có thể có và cho đến khi các thành viên hiểu rõ vấn đề. Thêm các thẻ nguyên nhân nếu cần thiết và vẽ lại các mũi tên.

Bước 7: Khi nguyên nhân đã được hiểu rõ, xem xét toàn bộ biểu đồ để tìm mối quan hệ giữa các nhóm nguyên nhân. Nối các nhóm có liên quan bằng các mũi tên.

Bước 8: Dán các nhãn này vào tờ giấy. Vẽ các mũi tên và ghi các thông tin cần thiết như: chủ đề và tên các thành viên nhóm.

Bước 9: Thảo luận và quyết định nguyên nhân quan trọng nhất. Chỉ rõ nguyên nhân này bằng các khoanh tròn. 

Khi chọn nguyên nhân quan trọng nhất, có thể rất hữu ích nếu sử dụng hệ thống chấm điểm (ví dụ mỗi thành viên của nhóm cho 2 điểm với nguyên nhân quan trọng nhất và cho 1 điểm với những nguyên nhân ít quan trọng hơn).

Bước 10: Trên cơ sở biểu đồ quan hệ, viết báo cáo về vấn đề và các nguyên nhân của nó.

(Tài liệu tham khảo: Các hệ thống quản lí và công cụ cải tiến năng suất chất lượng, Chương trình quốc gia "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020", NXB Hồng Đức)

Diệu Nhi