|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Vụ Thị trường trong nước là gì? Nhiệm vụ chủ yếu

20:50 | 25/12/2019
Chia sẻ
Vụ Thị trường trong nước là tổ chức thuộc Bộ Công Thương hoạt động trong lĩnh vực về thương mại và thị trường trong nước.
Vụ Thị trường trong nước là gì? Nhiệm vụ chủ yếu - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: nguyenloc.vn)

Vụ Thị trường trong nước

Khái niệm

Vụ Thị trường trong nước trong tiếng Anh tạm dịch là: Domestic Markets Department.

Vụ Thị trường trong nước là tổ chức thuộc Bộ Công Thương, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương quản lí nhà nước về thương mại và thị trường trong nước theo qui định của pháp luật.

Nhiệm vụ chủ yếu

1. Xây dựng, trình Bộ trưởng để phê duyệt, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành cơ chế, chính sách, chiến lược, chương trình, qui hoạch, văn bản qui phạm pháp luật về thương mại, thị trường trong nước, trong đó bao gồm cả thương mại nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và vùng dân tộc.

2. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, trình Bộ trưởng phê duyệt, ban hành:

a) Qui định về tiêu chí, tiêu chuẩn phát triển các mô hình tổ chức thị trường; loại hình tổ chức phân phối hàng hóa và dịch vụ thương mại có liên quan; kết cấu hạ tầng thương mại theo vùng lãnh thổ, địa phương, ngành, nhóm hoặc mặt hàng theo phân công của Bộ trưởng;

b) Qui định về phương thức giao dịch và loại hình kinh doanh thương mại hiện đại thuộc phạm vi quản lí nhà nước của Bộ;

c) Qui định về hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện; về điều kiện kinh doanh hàng hóa, các mặt hàng: thuốc lá, rượu, xăng dầu, khí theo qui định của pháp luật và phân công của Bộ trưởng;

d) Qui định về quản lí hoạt động phân phối hàng hóa của thương nhân, doanh nghiệp hoạt động thương mại tại thị trường trong nước; phát triển mạng lưới phân phối hàng hóa, xăng dầu, khí, rượu, thuốc lá; qui định về dự trữ lưu thông xăng dầu theo qui định của pháp luật và phân công của Bộ trưởng;

đ) Qui định về tổ chức quản lí, mô hình phát triển thương mại miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và đồng bào dân tộc theo phân công của Bộ trưởng;

e) Qui định về quản lí an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thương mại các mặt hàng:

Rượu, bia, nước giải khát, sản phẩm sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột, tinh bột, bánh, mứt, kẹo, bao bì chứa đựng và các sản phẩm thực phẩm khác lưu thông trên thị trường; cơ sở kinh doanh thương mại nhiều loại sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lí của 02 Bộ trở lên theo qui định của pháp luật;

g) Qui định chương trình, chính sách phát triển thương mại nông thôn, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và vùng dân tộc;

h) Qui định về tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

3. Tham mưu triển khai, chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, tổng kết, đánh giá việc thực hiện cơ chế, chính sách, chiến lược, chương trình, qui hoạch, văn bản qui phạm pháp luật, qui định quản lí về thương mại, thị trường trong nước sau khi được phê duyệt, ban hành.

4. Thẩm định, chấp thuận, cấp, điều chỉnh, gia hạn, tước quyền sử dụng, thu hồi các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận kinh doanh thương mại theo qui định của pháp luật:

5. Tham mưu tổ chức công tác điều tiết lưu thông hàng hóa, bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm, bình ổn và thúc đẩy thị trường trong nước phát triển bền vững; 

Thực hiện nhiệm vụ thường trực Tổ điều hành thị trường trong nước; nghiên cứu, phân tích, dự báo thị trường - giá cả hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu.

6. Chủ trì, phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ Tài chính điều hành giá đối với một số mặt hàng theo qui định của pháp luật. Phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ Tài chính trong công tác bình ổn giá mặt hàng khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG).

7. Đầu mối của Bộ trong công tác tổ chức triển khai các hoạt động thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

8. Tham mưu xây dựng, tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát cơ chế chính sách (bao gồm chiến lược, chương trình, qui hoạch, kế hoạch, văn bản qui phạm pháp luật…) về phát triển hạ tầng thương mại theo qui định.

9. Trình Chính phủ ban hành các qui định điều kiện kinh doanh thực phẩm tại các chợ, siêu thị và các loại hình thương mại khác theo qui định của pháp luật.

10. Tổ chức hoặc phối hợp trong các hoạt động hợp tác quốc tế; nghiên cứu khoa học và công nghệ; xây dựng tiêu chuẩn quốc gia và qui chuẩn kĩ thuật, bảo vệ môi trường, tiêu dùng bền vững, đào tạo nguồn nhân lực và các hoạt động khác trong lĩnh vực thương mại và thị trường trong nước theo phân công của Bộ trưởng.

11. Tổng hợp, báo cáo tình hình hoạt động và thực hiện pháp luật về thương mại và thị trường trong nước thuộc phạm vi quản lí của Bộ đối với các thành phần kinh tế trên phạm vi cả nước.

12. Phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ thực hiện nhiệm vụ quản lí nhà nước đối với các hội/hiệp hội ngành nghề hoạt động trong lĩnh vực được phân công phụ trách theo qui định của pháp luật.

13. Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị trong Bộ thực hiện hướng dẫn, chỉ đạo, theo dõi, tổng hợp, kiểm tra việc thực hiện công tác quản lí nhà nước về thương mại và thị trường trong nước theo qui định của pháp luật và phân công của Bộ.

14. Tham gia với các đơn vị trong Bộ:

- Công tác quản lí bán hàng đa cấp, phát triển hoạt động thương mại điện tử và xúc tiến thương mại trong nước;

- Thực hiện các nhiệm vụ theo các chương trình mục tiêu và chương trình mục tiêu quốc gia (Chương trình nông thôn mới, chương trình y tế và dân số, chương trình phát triển bền vững…) theo qui định và phân công của Bộ trưởng.

15. Lập báo cáo (định kì, đột xuất), đánh giá tình hình hoạt động thương mại, thương nhân và thị trường trong nước.

16. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng giao.

(Tài liệu tham khảo: Trang thông tin điện tử Bộ Công Thương)

Tuyết Nhi