Cập nhật KQKD năm 2024: Nhiều con số kỷ lục được thiết lập
Theo cập nhật từ Wichart, tính tới chiều 20/1, có trên 50 doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý IV/2024.
Năm 2024 có thể nói là năm bùng nổ của nhóm hàng không nhờ sự sôi động của thị trường nội địa và gia tăng của số lượng khách quốc tế, mạng lưới đường bay quốc tế giúp nhiều đơn vị trong ngành thiết lập kỷ lục lợi nhuận.
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines - Mã: HVN) ước tính doanh thu năm khoảng 114.741 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2023, trong khi lợi nhuận trước thuế đạt 7.324 tỷ đồng, ngắt mạch 4 năm thua lỗ liên tiếp. Đây cũng là con số lợi nhuận cao kỷ lục của Vietnam Airlines kể từ khi công bố báo cáo tài chính.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (Mã: ACV) ước tính tổng doanh thu năm 2024 của ACV là 21.466 tỷ đồng, vượt 6% mục tiêu năm và tăng 8% so với năm 2023. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 11.981 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2023 và vượt 28% kế hoạch năm. Đây cũng là con số doanh thu và lợi nhuận năm cao nhất từ trước tới nay của ACV.
CTCP Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn (Mã: SCS) ghi nhận cả năm 2024, lãi ròng SCS đạt 693 tỷ, tăng 39% so với năm 2023 và cũng là mức cao kỷ lục của doanh nghiệp.
Một doanh nghiệp niêm yết khác công bố báo cáo tài chính là CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (Mã: CII) với mức lãi ròng 6 tỷ quý IV/2024, bằng 5% so với con số cùng kỳ
Luỹ kế cả năm 2024, doanh thu thuần của CII đạt 3.041 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,5% so với năm 2023. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận 639 tỷ, gấp 1,7 lần cùng kỳ và lãi ròng tăng 56% lên 277 tỷ.
- TIN LIÊN QUAN
-
CII lãi ròng chưa tới 6 tỷ quý IV, không thể hoàn thành mục tiêu năm 18/01/2025 - 07:30
Lãnh đạo Tổng Công ty Viglacera - CTCP (Mã: VGC) thông tin doanh thu hợp nhất toàn tổng công ty ước đạt 11.925 tỷ đồng năm ngoái, giảm 11% so với năm 2023.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm qua đạt 1.625 tỷ đồng, vượt 46% mục tiêu năm và tăng 1,4% so với năm 2023.
Tính riêng quý IV/2024, Viglacera ghi nhận tổng doanh thu 3.641 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ 2023 và lãi trước thuế 716 tỷ đồng trong khi quý IV/2023 lãi 13 tỷ.
Năm buồn của doanh nghiệp điện
Doanh nghiệp điện đầu tiên công bố lỗ quý cuối năm 2024 là CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (Mã: HND). Quý IV, doanh thu thuần của HND đạt 2.431 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái do sản lượng điện thương phẩm giảm 250,8 triệu kWh so với cùng kỳ.
Doanh nghiệp điện này báo lỗ sau thuế 246 triệu đồng, quý IV/2023 HND báo lỗ 92 tỷ.
Luỹ kế cả năm 2024, HND đạt 11.036 tỷ đồng doanh thu thuần, lãi sau thuế 422 tỷ đồng; cùng giảm xấp xỉ 4% so với năm 2023.
Dù không thua lỗ song lợi nhuận của CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (Mã: NT2) cũng rơi về đáy 10 năm.
Lãnh đạo NT2 cho biết kể từ khi Nhà máy điện Nhơn Trạch 2 đi vào vận hành thương mại từ năm 2011 đến nay thì năm 2024 được xem là năm khó khăn nhất.
Bên cạnh nguồn khí cung cấp giảm, sự gia tăng năng lượng tái tạo cạnh tranh thì sản lượng điện theo hợp đồng được phân bổ (Qc) cũng giảm đáng kể làm ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh của năm 2024.
Lợi nhuận trước thuế của NT2 ghi nhận hoàn thành mục tiêu năm với 76 tỷ đồng, giảm tới 85% so với 2023. Đây cũng là con số lợi nhuận thấp nhất kể từ 2014.
Khả quan hơn hai đơn vị nói trên, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power - Mã: POW) công bố doanh thu năm đạt 31.979 tỷ đồng, vượt 1% kế hoạch năm 2024 và tăng 10% so với năm 2023.
Lợi nhuận trước thuế toàn tổng công ty năm qua ước đạt 1.462 tỷ đồng, tăng nhẹ hơn 1% so với năm 2023 và vượt 47% so với kế hoạch năm.
Tính riêng quý IV, PV Power đạt khoảng 10.293 tỷ đồng doanh thu, tăng 61% so với cùng kỳ năm ngoái song lãi trước thuế giảm 56% còn 195 tỷ.
Bức tranh trái chiều của nhóm dầu khí
Dù chưa công bố báo cáo tài chính song nhiều doanh nghiệp nhóm dầu khí đã công bố kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2024.
Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS - Mã: GAS) dự kiến hoàn thành vượt mức kế hoạch từ 50-82% tất cả các chỉ tiêu, trong đó doanh thu thiết lập kỷ lục.
Doanh thu toàn tổng công ty ước đạt gần 130.000 tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với năm 2023.
Doanh thu hợp nhất của riêng PV GAS đạt gần 105.000 tỷ đồng, vượt 50% kế hoạch, tăng trưởng 14% so với năm 2023. Lợi nhuận trước thuế đạt trên 13.000 tỷ đồng, vượt 82% mục tiêu năm, tương ứng chiếm gần 25% lợi nhuận toàn Petrovietnam.
Một đơn vị khác thuộc nhóm dầu khí cũng ghi nhận doanh thu và lợi nhuận cao kỷ lục năm 2024 là Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVTrans - Mã: PVT).
Tổng doanh thu hợp nhất của PVTrans ước đạt 12.000 tỷ đồng năm qua, vượt 136% kế hoạch năm và tăng 26% so với năm 2023. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 1.800 tỷ đồng, vượt 89% chỉ tiêu năm và tăng 16% so với cùng kỳ.
Tính riêng quý IV, PVTrans ghi nhận 3.535 tỷ đồng doanh thu, tăng 28% so với cùng kỳ song lãi trước thuế giảm 18% còn 293 tỷ.
Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (Mã: PVD) đạt doanh thu hợp nhất 9.000 tỷ đồng, vượt 45% so với kế hoạch.
Lợi nhuận sau thuế ước thực hiện 630 tỷ đồng, tăng 15% so với năm ngoái và vượt 64% so với kế hoạch. Dù con số này chưa đạt mức cao nhất trong lịch sử hoạt động của PVD nhưng ghi nhận cao nhất trong vòng 9 năm.
Trái ngược với nhóm trung nguồn và hạ nguồn thì nhóm dầu khí hạ nguồn lại ghi nhận một năm kinh doanh không mấy khả quan.
CTCP Lọc hóa Dầu Bình Sơn (Mã: BSR) công bố kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2024 với doanh thu đạt 125.000 tỷ đồng và lãi trước thuế 369 tỷ đồng; giảm lần lượt 15% và 96% so với năm 2023.
Ước tính lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 337 tỷ đồng, giảm 96% so với cùng kỳ. Nguyên nhân của các mức giảm so với cùng kỳ năm trước ở trên chủ yếu là do mức giảm 12% của sản lượng thương phẩm do đợt bảo dưỡng tổng thể lần thứ 5 diễn ra trong giai đoạn nửa đầu năm 2024, cùng với việc crack spread trung bình của xăng/dầu/nhiên liệu phản lực lần lượt giảm 11%/31%/29% so với cùng kỳ.
Dựa theo kết quả sơ bộ năm 2024, ước tính doanh thu quý IV/2024 của BSR là 38.000 tỷ đồng (giảm 9% so với cùng kỳ) và lỗ ròng sẽ ở mức 378 tỷ đồng.
2024 là một năm khó khăn đối với lĩnh vực kinh doanh xăng dầu do những diễn biến bất lợi của thị trường dầu thế giới. Giá dầu đã có những biến động khó lường, tăng/giảm đan xen với biên độ lớn do chịu tác động bởi các bất ổn địa chính trị, áp lực tăng giá của đồng USD, tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu phục hồi chậm.
Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ trong nước giảm sút do ảnh hưởng của mùa mưa bão đã ảnh hưởng lớn đến sản lượng và hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Tổng doanh thu Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV OIL - Mã: OIL) đạt hơn 131.000 tỷ đồng năm 2024, tăng 19% so với cùng kỳ và đạt con số cao nhất trong lịch sử hoạt động.
Do tác động bất lợi của thị trường, đặc biệt trong nửa cuối năm, PV OIL đạt lợi nhuận trước thuế 631 tỷ đồng, giảm 21% so với năm 2023.
Tính riêng quý IV, doanh thu của PV OIL đạt 35.585 tỷ đồng, giảm nhẹ chưa tới 1% so với cùng kỳ, còn lãi trước thuế 139 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2023 lỗ 40 tỷ.
Đối thủ của PV OIL là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex - Mã: PLX) đạt 270.000 tỷ đồng doanh thu, bằng 144% kế hoạch và giảm hơn 1% so với năm 2023.
Lợi nhuận trước thuế năm qua ước đạt 3.500 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ song vẫn vượt 21% chỉ tiêu năm.
Tính riêng quý IV/2024, Petrolimex ghi nhận 56.931 tỷ đồng doanh thu, 300 tỷ lãi trước thuế; giảm lần lượt 17% và 65% so với quý IV/2023.