Thêm một công ty báo lãi cao kỷ lục
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2024 của CTCP Dược phẩm Imexpharm (Mã: IMP), doanh thu thuần của Imexpharm là 652 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận sau thuế đạt 121 tỷ, tăng 68% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp đạt 40,8%, tăng mạnh so với con số 33,7% cùng kỳ 2023.
Imexpharm cho biết kết quả này đạt được nhờ kiểm soát chi phí sản xuất tăng thấp hơn so với tăng trưởng doanh thu, đồng thời giảm 6,4% chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp so với quý III. Việc tối ưu hóa hoạt động marketing cũng đã góp phần đưa lợi nhuận trước thuế quý IV lên mức cao kỷ lục.
Luỹ kế cả năm 2024, Imexpharm ghi nhận doanh thu thuần tăng gần 11% so với 2023, đạt 2.205 tỷ đồng, nhờ vào sự tăng trưởng của kênh ETC song mới đạt 93% kế hoạch năm. Đây cũng là mức doanh thu cao kỷ lục của công ty.
Doanh thu kênh ETC tăng 56% so với cùng kỳ, được thúc đẩy bởi tăng trưởng của các sản phẩm đạt chuẩn EU-GMP tại các nhà máy IMP2, IMP3 và IMP4.
Trong khi đó, doanh thu từ kênh OTC giảm nhẹ 0,8% so với cùng kỳ nhưng đã cho thấy dấu hiệu phục hồi khi tăng trưởng liên tục qua các quý kể từ đáy quý II. Doanh thu từ các chuỗi nhà thuốc trọng điểm tăng mạnh 74% so với cùng kỳ, hiện chiếm 9% tổng doanh thu OTC.
Lợi nhuận sau thuế cả năm đạt mức cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động với 321 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2023.
Doanh nghiệp cho hay sự tập trung vào các sản phẩm EU-GMP có giá trị cao như thuốc tiêm và viên nén phân tán, đã giúp cải thiện biên EBITDA cả năm lên mức 23,6%. Đặc biệt, biên EBITDA quý IV đạt mức cao kỷ lục 27,7%. Tỷ trọng doanh thu từ sản phẩm thuốc tiêm tăng mạnh, chiếm 33% tổng doanh thu năm 2024, so với mức 26% năm 2023.
Nhìn nhận về 2025, Imexpharm cho biết nối tiếp giai đoạn tăng trưởng hàng chục phần trăm một năm sau đại dịch COVID-19, thị trường dược phẩm đã bước vào chu kỳ tăng trưởng ổn định hơn trong 2 năm qua, ở quanh mức 8-10%. Đây là mức tăng trưởng bền vững được kỳ vọng sẽ tiếp tục được duy trì trong những năm tới.
Không giống như tăng tưởng về giá trị, quy mô sản lượng tiêu thụ của thị trường hầu như đi ngang trong 3 năm qua cho thấy xu hướng rõ rệt của gia tăng sức cầu đối với các sản phẩm có giá trị cao.
Mặc dù cạnh tranh với hàng nhập khẩu vẫn sẽ tiếp tục là áp lực đối với các nhà sản xuất trong nước, đặc biệt là trên thị trường OTC, nhưng đây cũng chính là động lực thúc đẩy cải thiện trình độ R&D và trình độ sản xuất trong nước, Imexpharm nêu quan điểm.
Về tình hình tài chính, quy mô tài sản cuối năm 2024 đạt 2.505 tỷ đồng. Imexpharm nắm giữ khoảng 304 tỷ tiền, tiền gửi ngân hàng.
Tổng dư nợ cuối kỳ là 86 tỷ, đều là vay ngắn hạn, chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu nguồn vốn.
Vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối tháng 12/2024 là 2.183 tỷ, bao gồm 321 tỷ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, 132 tỷ quỹ đầu tư phát triển.