|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

KQKD ngành chứng khoán quý IV/2024: VPS báo lãi đột biến, hai công ty thua lỗ

18:30 | 17/01/2025
Chia sẻ
Đến chiều 17/1, 10 công ty chứng khoán đầu tiên đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2024.

Kết quả kinh doanh quý IV/2024 của một số công ty chứng khoán. (Nguồn: X.N tổng hợp từ báo cáo tài chính).

Chứng khoán VPS có kết quả đột biến trọng quý cuối năm. Cụ thể, doanh thu hoat động đạt 1.544 tỷ đồng, thay đổi không đáng kể so với 1.589 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Trong cơ cấu doanh thu hoạt động, mảng môi giới hoạt động đạt 618,3 tỷ đồng, giảm so với mức 808 tỷ đồng cùng kỳ do thanh khoản của thị trường sụt giảm. Ở chiều ngược lại, lãi từ cho vay và phải thu tăng từ 335,9 tỷ đồng lên 458,2 tỷ đồng.

Ở mảng tự doanh, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) là 278,2 giảm 10% so với cùng kỳ.

Trong bối cảnh doanh thu hoạt động giảm nhẹ, chi phí hoạt động của VPS thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ, ghi nhận ở mức 603,9 tỷ đồng, trong khi quý IV/2023 là 1.052 tỷ đồng. Nguyên nhân là lỗ bán các tài sản tài chính FVTPL giảm từ gần 298 tỷ đồng còn hơn 3 tỷ đồng. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cấu trúc chi phí là chi phí nghiệp vụ môi giới chứng khoán, ghi nhận gần 525 tỷ đồng.

Kết quả từ nguồn thu đột biến và chi phí hoạt động giảm sâu, VPS báo lãi trước thuế 1.052 tỷ đồng quý vừa qua, gấp hơn 4 lần kết quả quý III/2024. Đây cũng là mức lãi cao kỷ lục của VPS ghi nhận trong một quý.

Sau khi trừ đi thuế thu nhập doanh nghiệp, VPS báo lãi ròng 837,3 tỷ đồng, tăng 329% so với cùng kỳ 2024. Lũy kế cả năm 2024, VPS ghi nhận lãi trước thuế đạt 3.156,6 tỷ đồng, tăng 278,6% so với năm 2023.

CTCP Chứng khoán MB (Mã: MBS) công bố kết quả kinh doanh quý IV/2024 với doanh thu hoạt động 758 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ. Trong cơ cấu doanh thu, mảng cho vay và phải thu vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 268 tỷ đồng, tăng 22%. Doanh thu nghiệp vụ môi giới giảm 23% về 131 tỷ đồng.

Ở mảng tự doanh, lãi từ FVTPL chiếm 298 tỷ đồng, gấp 4,3 lần cùng kỳ. Tuy vậy, chi phí hoạt động quý cuối năm gấp đôi cùng kỳ lên 331 tỷ đồng. Mức tăng này chủ yếu từ tăng lỗ tài sản FVTPL (gấp 7 lần cùng kỳ). Ngoài ra, chi phí tài chính và chi phí quản lý cũng tăng 31% và 11%.

MBS ghi nhận lãi trước thuế 207 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Lãi chưa thực hiện gần 9 tỷ đồng và lợi nhuận đã thực hiện 198 tỷ đồng. Lãi sau thuế giảm 4% so với quý IV/2023 về 165 tỷ đồng.

Cả năm 2024, MBS đạt doanh thu hoạt động 3.120 tỷ đồng và lãi sau thuế 743 tỷ đồng, tăng lần lượt 72% và 27% so với kết quả năm trước.

Ở nhóm vốn hóa nhỏ hơn, Chứng khoán UP (UPS) công bố kết quả kinh doanh quý IV/2024 với doanh thu hoạt động gần 12 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm trước. Sự chuyển biến này chủ yếu từ doanh thu nghiệp vụ môi giới và lãi từ các tài sản ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đều gấp ba lần cùng kỳ, đạt lần lượt 7,6 tỷ đồng và 2,4 tỷ đồng.

Trong khi đó, chi phí hoạt động gấp rưỡi cùng kỳ lên 3,8 tỷ đồng, phần lớn từ chi phí mảng môi giới và tư vấn tài chính. UPS báo lãi sau thuế quý IV/2024 hơn 1,5 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ cùng kỳ và cải thiện đáng kể so với quý III/2024 liền trước - lỗ 4,6 tỷ đồng.

Cả năm, lãi sau thuế của UPS đạt 9 tỷ đồng, bỏ xa con số 628 triệu đồng đạt được vào 2023 (gấp 14 lần) và cao nhất kể từ khi công bố thông tin báo cáo tài chính (2007). Nếu xét theo số tương đối, đây là đơn vị sở hữu tỷ lệ tăng lãi ấn tượng nhất ngành (tăng 13 lần so với nền thấp 2023).

Kết quả này chủ yếu đến từ việc thực hiện hoàn nhập chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ khác trong quý II/2024, với số tiền 11 tỷ đồng. Lãi sau thuế chưa phân phối tính đến cuối năm 2024 của UPS đạt trên 24 tỷ đồng.

Tăng trưởng lãi trong quý IV/2024 còn có DongASecurities, với mức tăng lợi nhuận 44% so với cùng kỳ năm trước, lên 360 triệu đồng. Dù vậy, lũy kế cả năm, công ty báo lãi giảm 41% về dưới 3 tỷ đồng.

Hai trường hợp chuyển lỗ sang lãi gồm Chứng khoán JB Việt Nam (JBSV) và Chứng khoán ASAM. Tăng trưởng của JBSV đến từ lãi các khoản phải thu và cho vay. Trong khi đó, lợi nhuận quý IV/2024 của ASAM khởi sắc đến từ việc không phát sinh lỗ bán tài sản tài chính hay khoản trích lập dự phòng như cùng kỳ.

Chứng khoán Goutai Junan Việt Nam (GTJA) và Chứng khoán Nhật Bản (JSI) báo lãi sau thuế quý cuối năm giảm 40 -45%, do doanh thu giảm.

Hai trường hợp báo lỗ đầu tiên là Chứng khoán CV (CVS) và Chứng khoán Vina (VNSC).

CVS tiếp tục ghi nhận bức tranh kinh doanh ảm đạm khi lỗ gần 4 tỷ đồng trong quý IV/2024, nâng con số lũy kế cả năm lên 27 tỷ đồng.

CVS công bố báo cáo tài chính quý IV/2024 với doanh thu hoạt động 4,8 tỷ đồng, gấp 6 lần cùng kỳ năm trước. Doanh thu hoạt động chủ yếu là lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đén ngày đáo hạn (HTM) (4,1 tỷ đồng) và doanh thu nghiệp vụ môi giới hơn 400 triệu đồng.

Tuy vậy, chi phí hoạt động ghi nhận hơn 6 tỷ đồng (gần như toàn bộ là chi phí môi giới), trong khi cùng kỳ chỉ 280 triệu đồng. Do đó, công ty báo lỗ gần 4 tỷ đồng, cũng là quý lỗ thứ 10 liên tiếp.

Lũy kế cả năm, CVS báo lỗ sau thuế hơn 27 tỷ đồng, trong khi năm 2023 lỗ 13 tỷ đồng. Lỗ sau thuế lũy kế đến thời điểm cuối 2024  gần 122 tỷ đồng.

VNSC báo lỗ hơn 5 tỷ đồng quý cuối năm 2024, trong khi quý IV/2023 lãi sau thuế hơn 1 tỷ đồng. Theo giải trình, kết quả lỗ đến từ chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh. Công ty cho biết số lượng khách hàng đang tăng, nên vẫn tiếp tục phân bổ nguồn lực để phục vụ.

Xuân Nghĩa