|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

ĐHĐCĐ bất thường HSC: Dự báo lợi nhuận 2024 trên 1.300 tỷ đồng, tăng vốn lên 10.800 tỷ đồng

20:01 | 04/12/2024
Chia sẻ
Tổng Giám đốc HSC, cho biết tỷ lệ cho vay margin trên vốn chủ sở hữu của công ty đã áp sát ngưỡng tối đa quy định. Đồng thời, công ty cần chuẩn bị trước cho kịch bản thị trường xuất hiện nhịp tăng, nhu cầu sử dụng margin của khách hàng lên cao trong tương lai vì vậy tăng vốn lên 10.800 tỷ đồng là rất cấp bách.

Chiều 4/12, Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC - Mã: HCM) đã tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường, nhằm thông qua phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

HSC muốn chào bán cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền, tỷ lệ 2:1 (hay 50%), tương đương với dự kiến phát hành gần 360 triệu cp. Nếu hoàn tất, vốn điều lệ dự kiến tăng từ 7.208 tỷ đồng lên mức 10.800 tỷ đồng.

Giá chào bán là 10.000 đồng/cp, tương đương dự kiến huy động tối đa 3.600 tỷ đồng. Cổ phiếu phát hành không bị hạn chế chuyển nhượng. Mục đích là tăng quy mô vốn hoạt động.

Kết quả biểu quyết, 75,64% lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết tán thành phương án, 24,35% không tán thành và 0,01% không có ý kiến. Do đó, phương án phát hành đã được thông qua.

Ban chủ tọa đại hội. (Ảnh chụp màn hình).

Tại cuộc họp, Tổng Giám đốc Trịnh Hoài Giang cho biết HSC đang đứng thứ 4 về dư nợ cho vay margin, cho thấy nhu cầu của khách hàng vẫn tốt. Hoạt động này đóng góp đáng kể vào hiệu quả kinh doanh. Tuy nhiên theo quy định, tỷ lệ dư nợ cho vay margin trên vốn chủ sở hữu chỉ ở mức 2 lần (200%). Hiện tỷ lệ này của HSC đã chạm mức quy định. Do đó, để cho vay mới thì cần tăng vốn.

Thêm vào đó, gần đây, HSC đã cung cấp dịch vụ cho phép khách hàng tổ chức nước ngoài giao dịch mà không cần ký quỹ trước (Non-Prefunding), cũng dẫn đến nhu cầu cần tăng vốn.

Khi chào bán hoàn tất, dự thu tối đa 3.600 tỷ đồng, công ty sẽ dùng 70% vào hoạt động cho vay ký quỹ (margin) và 30% cho mảng tự doanh. Ở hoạt động tự doanh, HSC sẽ tham gia vào thị trường trái phiếu để cung cấp thêm cho khách hàng những sản phẩm mới liên quan đến quản lý tài sản của khách hàng.

Về điều chỉnh giá, với tỷ lệ 2:1, ví dụ khi thị giá hiện khoảng 28.300 đồng/cp thì sau đợt phát hành, giá điều chỉnh xuống 22.200 đồng/cp.

Ông Trịnh Hoài Giang, CEO HSC. (Ảnh chụp màn hình).

Kỳ vọng hoàn tất chào bán trong 6 tháng

Tại đại hội, cổ đông đưa thắc mắc về tính thời điểm của phương án chào bán. Trả lời câu hỏi này, ông Trịnh Hoài Giang nhấn mạnh phương án này cần thiết và rất cấp bách.

“Thay vì đợi đến ĐHĐCĐ thường niên vào tháng 4 năm sau, chúng tôi đã trình cổ đông chấp thuận vào đầu tháng 12 năm nay, cho thấy rất tình hình cấp bách. Lý do tỷ lệ cho vay trên vốn chủ sở hữu của HSC hiện đã chạm mức tối đa. Thị trường hiện tại tuy không sôi động nhưng nhu cầu vay vốn của nhà đầu tư rất cao. Giả sử có nhịp tăng của thị trường, công ty phải chuẩn bị trước cho trường hợp đó. Việc tăng vốn cần càng sớm càng tốt.

Gần đây, từ đầu tháng 11, với dịch vụ Non-Prefuding, HSC cũng cần chuẩn bị trước. Hiện khách hàng nước ngoài của HSC chưa có vi phạm nào trong thanh toán chậm. Nhưng công ty cần chuẩn bị room để ví dụ như có vấn đề kỹ thuật nào đó mà khách hàng thanh toán chậm, công ty vẫn đủ khả năng đảm bảo cho nhà đầu tư nước ngoài”, vị CEO lý giải.

 Dư nợ cho ký quỹ của HSC. (Nguồn: HSC).

Thanh khoản thị trường chứng khoán hiện chỉ khoảng 17.000 tỷ đồng mỗi phiên. Ông Trịnh Hoài Giang dự báo thanh khoản dự kiến vẫn thấp trong thời gian tới, một phần do là áp lực bán ròng của khối ngoại. Giá trị bán ròng trong năm 2024 đã lên đến 4 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Năm 2025, nhu cầu sử dụng margin của khách hàng trong nước dự kiến không bùng nổ, có thể thấp hơn 2024, nhưng vẫn ở mức cao với kỳ vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Dù nhu cầu margin cao hay thấp, chính sách HSC vẫn tập trung vào các cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt, từ đó kỳ vọng tăng trưởng dư nợ cho vay margin.

Việc tăng vốn giúp cải thiện hoạt động môi giới. Quý IV, công ty kỳ vọng chiếm 7% thị phần trên HOSE, cao hơn so với 6% của quý II, và hy vọng tiếp tục đi lên trong 2025.

Nhìn lại các đợt phát hành, ông Johan Nyvene, Chủ tịch Hội đồng quản trị, cho biết trước đây công ty đã nhìn thấy cơ hội khi COVID-19 bùng nổ, HSC muốn “đi trước đón đầu”, nhưng đã gặp một số khó khăn trong đợt tăng vốn lần đó, và đã phải mất hai năm để hoàn thành.

Sau đó, công ty lại có phương án kế tiếp và mất 1 năm để hoàn tất. Ban lãnh đạo và cổ đông lớn đã học được kinh nghiệm hơn từ đợt trước. Hai đợt tăng vốn trong 4 năm qua đã có sự rút ngắn đáng kể về thời gian triển khai, là cơ sở để kỳ vọng lần này (phát hành 360 triệu cp) HSC chỉ mất 6 tháng để hoàn tất tăng vốn.

Lợi nhuận 2024 kỳ vọng tăng 55%

Dự phóng kết quả kinh doanh cả năm 2024, ông Trịnh Hoài Giang cho biết doanh thu HSC khoảng 3.287 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế ở mức 1.303 tỷ đồng, tăng lần lượt 46% và 55% so với năm trước. Vị CEO dự báo kết quả thực tế có thể cao hơn do còn chưa tính một số khoản doanh thu.

ROE năm nay dự kiến đạt 11,2% và EPS là 1.771 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 35% và 20%. Dư nợ cho vay margin ở mức 20.000 tỷ đồng.

Hiện tổng tài sản (bằng với nguồn vốn) của HSC khoảng 30.000 tỷ đồng, nguồn vốn đang bao gồm 10.000 tỷ đồng từ cổ đông và 20.000 tỷ đồng đi vay. Trong những năm tới, công ty muốn tăng tỷ lệ nợ vay lên, để tăng tỷ lệ lợi nhuận trên vốn.

HSC đang vay nước ngoài 80%, trong nước 20%. Lãi suất vay nước ngoài cao hơn trong nước. Tuy nhiên, công ty phải làm vậy để duy trì cơ cấu kỳ hạn, phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn. Theo ông, rủi ro có thể giả sử như Ngân hàng Nhà nước thắt chặt cho vay đối với công ty chứng khoán, cùng với công ty bất động sản.

Dự đoán kết quả kinh doanh FY2024 của HSC. (Nguồn: HSC).

Xuân Nghĩa

ĐHĐCĐ bất thường HSC: Dự báo lợi nhuận 2024 trên 1.300 tỷ đồng, tăng vốn lên 10.800 tỷ đồng
Tổng Giám đốc HSC, cho biết tỷ lệ cho vay margin trên vốn chủ sở hữu của công ty đã áp sát ngưỡng tối đa quy định. Đồng thời, công ty cần chuẩn bị trước cho kịch bản thị trường xuất hiện nhịp tăng, nhu cầu sử dụng margin của khách hàng lên cao trong tương lai vì vậy tăng vốn lên 10.800 tỷ đồng là rất cấp bách.