|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đà tăng của giá tiêu có thể duy trì trong năm 2025?

17:03 | 20/01/2025
Chia sẻ
Sản lượng ngày càng suy giảm được cho là động lực chính cho giá tiêu trong năm 2025.

Giá tiêu tăng năm thứ hai liên tiếp 

Năm 2024, thị trường hồ tiêu ghi nhận năm tăng trưởng mạnh thứ hai liên tiếp về giá và kim ngạch xuất khẩu. Theo đó, giá tiêu nội địa cuối năm nay tăng gần gấp đôi so với đầu năm lên 140.000 đồng/kg.

 Nguồn: Giatieu.com (H.Mĩ tổng hợp)

Về tiêu thụ, Việt Nam đã xuất khẩu được 250.600 tấn hồ tiêu các loại, thu về 1,3 tỷ USD, giảm 5,1% về lượng song tăng 45,4% về kim ngạch so với năm trước. Nguyên nhân chính là fiá xuất khẩu bình quân tiêu đen năm 2024 đạt 5.154 USD/tấn, tăng 49,7% và tiêu trắng đạt 6.884 USD/tấn, tăng 38,9% so với năm ngoái.

Hoạt động sản xuất suy giảm đã góp phần đẩy giá nội địa và xuất khẩu trong thời gian qua.

 Nguồn: Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)

Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia Vị (VPSA), thời tiết không thuận lợi phần nào ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất tiêu. Tại Đắk Nông, thủ phủ của hồ tiêu Việt Nam, sản lượng được ghi nhận tương đương năm ngoái.

Bên cạnh đó, xu hướng chuyển đổi cây trồng cũng đang ảnh hưởng đến sản lượng. Điển hình như tại tỉnh Đắk Lắk, tỉnh có diện tích và sản lượng Hồ tiêu lớn thứ hai cả nước được đánh giá là giảm khi người dân chuyển đổi sang trồng cây sầu riêng và không có nhiều hiện tượng trồng mới.

Dự kiến phải qua tết Nguyên Đán nông dân mới bắt đầu thu hoạch hồ tiêu và kéo dài đến hết tháng 4.

Trao đổi với chúng tôi bên hội nghị tổng kết VPSA diễn ra hôm 16/1, ông Thái Như Hiệp - Chủ tịch HĐTV Kiêm Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, cho biết vùng Tây Nguyên những năm gần đây có những loại cây đem lại hiệu quả kinh tế tốt trong đó có cây cà phê, sầu riêng… Còn đối với hồ tiêu, mặc dù cũng đem lại những giá trị rất cao nhưng chi phí cải tạo đất rất lớn, và việc làm này rất khó khăn, mạo hiểm. Do đó, diện tích trồng hồ tiêu của Việt Nam càng ngày càng bị thu hẹp. 

Các nước trồng tiêu lớn như Indonesia hay Brazil cũng nhìn nhận rằng trồng cây cà phê có hiệu quả hơn, lợi nhuận tốt hơn. Cùng lúc đó, tiêu thụ cà phê càng ngày càng tăng lên, trong khi cung lại đang giảm. Còn với hồ tiêu, nhu cầu tiêu dùng không hề tăng, giá tăng đôi khi đến từ việc đầu cơ, mua qua bán lại giữa các thương nhân. 

“Khi giá cao, người ta có thể nhịn không dùng tiêu nhưng không thể nhịn uống cà phê”, ông Hiệp nói. 

Nguồn cung ngày càng giảm, hỗ trợ giá tiêu

Chủ tịch công ty Vĩnh Hiệp cho rằng xu hướng xuất khẩu tăng về giá trị nhưng giảm về lượng sẽ còn tiếp diễn trong năm 2025 khi lượng tồn kho trên thế giới không còn nhiều. Còn tại Việt Nam, hàng đang chủ yếu nằm trong tay giới đầu cơ. Họ đã gom mua từ khi giá khoảng 110.000 đồng/kg. Những người này dùng tiền từ việc chốt lời các nông sản khác cũng vừa trải qua đợt tăng nóng như cà phê, sầu riêng,… để gom tiêu.

“Giới đầu cơ nghĩ rằng giá tiêu có thể đạt tới 200.000 đồng/kg trong năm 2025 - 2026. Chúng ta không thể đánh giá quan điểm đó là đúng hay sai nhưng có thể nhìn thấy rõ một điều rằng sản lượng đang giảm dần”, ông Hiệp nói.

Theo dự báo của VPSA, sản lượng hồ tiêu toàn cầu năm 2025 sẽ tiếp tục giảm so với năm 2024, đánh dấu năm giảm thứ tư liên tiếp kể từ năm 2022. Điều này phản ánh thực trạng cây hồ tiêu không còn là cây trồng chủ lực của nhiều nông dân, đặc biệt trong bối cảnh giá trị kinh tế của các cây trồng khác như sầu riêng, cà phê và cọ dầu gia tăng đáng kể. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu với các hiện tượng thời tiết cực đoan đã làm giảm năng suất và gia tăng chi phí duy trì sản xuất cây hồ tiêu.

“Giá hồ tiêu toàn cầu năm 2025 được kỳ vọng tiếp tục duy trì ở mức cao do nguồn cung sụt giảm, trong khi nhu cầu tại các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu vẫn ổn định. Nhu cầu sử dụng hồ tiêu trong ngành thực phẩm và chế biến gia vị vẫn là động lực chính cho thị trường”, VPSA nhận định. 

Đối với hoạt động xuất khẩu, ông Hiệp cho biết hiện nay các doanh nghiệp cũng đã rút kinh nghiệm từ niên vụ trước khi họ chỉ ký hợp đồng xuất khẩu khi họ chắc chắn đã mua được hàng. 

"Ở niên vụ trước, nhiều doanh nghiệp đã “bán khống” tức ký hợp đồng bán hàng rồi sau đó mới đi thu mua tiêu từ người dân. Tuy nhiên, năm vừa rồi đời sống kinh tế của người nông dân cũng đã cải thiện nhiều nên sức ép phải bán tiêu để trang trải cuộc sống là không lớn. Điều này đẩy doanh nghiệp vào thế rủi ro lớn khi khó mua được hàng để giao cho doanh nghiệp nhập khẩu", ông Hiệp chia sẻ.

H.Mĩ