Vụ kiện Vinasun - Grab giống câu chuyện con trâu bắt đền máy cày
Đón đầu cách mạng 4.0, VNG hợp tác cùng Temasek Holdings |
Với đề nghị của Viện Kiểm sát TAND TP HCM trong phiên toà Vinasun và Grab mới đây, cũng như dự thảo mới nhất Nghị định 86 của Bộ GTVT trình lên Chính phủ, Grab đang được “gắn mác” là một doanh nghiệp kinh doanh vận tải.
Theo Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Grab đã thực hiện và tham gia một số công đoạn như điều hành phương tiện, lái xe, quyết định giá cước vận tải, sử dụng các loại xe dưới 9 chỗ, cách tính cước cũng dựa vào km… thì phải xác định đây là đơn vị kinh doanh vận tải, phải tuân thủ các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô.
Góc nhìn về mô hình kinh doanh của Grab của người làm luật
Cũng theo nhận định từ giới luật sư, việc Grab quyết định giá cước chính là một trong những cơ sở cho thấy Grab thực sự tham gia vào lĩnh vực của một doanh nghiệp kinh doanh vận tải.
Dưới góc nhìn của Luật sư Lương Huy Hà – Đoàn Luật sư Hà Nội, Giám đốc Công ty TNHH tư vấn LawKey Việt Nam, nếu Grab hoạt động như một sàn giao dịch vận tải đơn thuần như mô hình sàn thương mại điện tử của Lazada, Sendo, Tiki…, không tham gia vào hoạt động điều chỉnh giá hay khuyến mãi thì Grab đơn thuần là công ty công nghệ.
Bên cạnh việc quyết định giá cước, Grab còn tung ra chương trình khuyến mãi 0% mà không cần phải thông báo với Bộ Công Thương, điều khiến hãng có thể giành thị phần rất nhanh.
Trong khi đó, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải khác như Mai Linh hay Vinasun… nếu muốn triển khai chương trình khuyến mãi đều phải thông báo trước với Bộ Công thương, và cũng không được phép đưa ra mức khuyến mãi 0%, gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh đối với các doanh nghiệp khác.
Tuy nhiên, để xác định được Grab gây thiệt hại như thế nào với Vinasun và thiệt hại đến đâu, luật sư cho rằng đây là một bài toán khó, và chỉ có thể giải quyết được khi Vinasun đưa ra được những chứng cứ thuyết phục về quan hệ nhân quả và giá trị thiệt hại của họ.
Dưới hình thức công ty công nghệ, Grab được hưởng nhiều điều kiện thuận lợi hơn taxi truyền thống, điển hình về là chính sách thuế khác biệt giữa taxi truyền thống và Grab, mà nhiều người cho rằng là bất bình đẳng.
Cách mạng 4.0 là cách mạng về chính sách nhiều hơn là công nghệ
Mô hình Grab, đúng là có tham gia vào việc quyết định giá cước, nhưng lại không sở hữu bất kỳ một chiếc xe nào và hiện tại đang hoạt động như một hệ sinh thái cung cấp các dịch vụ từ di chuyển, cho đến giao hàng, giao đồ ăn…
Bộ Giao thông Vận tải chưa biết nên định danh Grab là một doanh nghiệp kinh doanh vận tải để không lạc lõng với luật hiện hành, hay tìm một khái niệm mới cho loại hình doanh nghiệp gây nhiều tranh cãi.
Việc xếp Grab vào cùng một loại với taxi truyền thống với những lý do ấy khiến nhiều người băn khoăn.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã xuất hiện cách đây 5 năm và các quốc gia phát triển đã làm, đang làm và tiếp tục làm. Những công ty công nghệ lớn trên thế giới đang thay đổi cuộc sống từng giây, từng phút. Việt Nam, cũng không đứng ngoài xu thế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng cần phải thay đổi nhận thức về cuộc cách mạng 4.0 một cách sâu sắc, rõ ràng hơn, từ đó, có bước đi, cách làm hợp lý. Đó là sự thay đổi trong phương thức sản xuất, dịch vụ, nền kinh tế số.
Trong khi thế giới ngoài kia đang rộn ràng với những mô hình doanh nghiệp dựa trên những công nghệ Big Data, AI, Deep Learning… thì ở Việt Nam, chúng ta vẫn loay hoay đối với phép thử “taxi công nghệ”.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng có nói 4.0 là cách mạng về chính sách nhiều hơn công nghệ. “Đầu tiên là phải chấp nhận các mô hình kinh doanh mới… Đi sau người khác, đi cùng người khác thì sẽ không có cơ hội thay đổi thứ hạng Việt Nam. Khi chấp nhận cái mới, chúng ta có thể mất một số thứ. Nhưng chúng ta không có quá nhiều thứ để mất, đó là cơ hội của chúng ta", ông bình luận.
Trước những lợi thế vượt trội từ mô hình kinh doanh như Grab, các doanh nghiệp taxi truyền thống gặp những khó khăn nhất định do sự khác biệt giữa chính sách quản lý. Họ gửi đơn thư cầu cứu khắp nơi, tuyên truyền thông tin về Grab, dán băng rôn khẩu hiệu trên xe, kiện tụng đòi bồi thường với lý do mất thị phần, đến yêu cầu Chính phủ dừng Đề án thí điểm.
Vậy đứng trước những quan điểm kinh doanh đóng sẵn thành luật và “những người công nhân giận dữ đòi đập giá máy móc” trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, chúng ta có nên thừa nhận những mô hình kinh doanh mới như Grab, hay cứ đưa vào trong khuôn khổ, cho dễ quản lý?
Một số người lại cho rằng đừng nên mượn khái niệm cách mạng 4.0 để bao biện cho mô hình kinh doanh mang bản chất là kinh doanh vận tải như Grab.
Những người khác không quan tâm đến cuộc cách mạng 4.0 hay những thua thiệt trong cạnh tranh giữa những doanh nghiệp. Điều họ quan tâm là lợi ích sau cùng của người tiêu dùng. Họ ủng hộ dịch vụ nào tiện, chất lượng tốt, giá phải chăng.
Dù như thế nào, con trâu cũng không thể đấu máy cày. Nếu doanh nghiệp vẫn giữ lề thói lạc hậu và thói quen đổ lỗi, người dân sẽ quay lưng với họ.