|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Vì sao Bộ Giao thông vận tải quyết 'xóa sổ' Grab taxi?

07:46 | 25/10/2018
Chia sẻ
Với đề xuất xe dưới 9 chỗ kinh doanh vận tải là “taxi”, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) dường như đã quyết “xóa sổ” Grab taxi. Bộ GTVT khẳng định, việc này nhằm đảm bảo nguyên tắc không làm phát sinh thêm loại hình vận tải “hợp đồng điện tử” ngoài 5 loại hình đã có trong Luật Giao thông đường bộ.

“Đòi” công bằng cho taxi truyền thống?

Bộ GTVT vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Theo đó, có tới 18 điều khoản trong dự thảo Nghị định trình Chính phủ vào tháng 7/2018 đã được bỏ hoặc chỉnh sửa. Đáng chú ý, trong nội dung quản lý xe sử dụng hợp đồng điện tử, tiêu biểu là Grab, Bộ GTVT đề xuất không còn khái niệm xe taxi điện tử.

Trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý và hoàn thiện lại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 mới đây, Bộ GTVT cho rằng, xe dưới 9 chỗ kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng điện tử sử dụng hợp đồng vận tải điện tử so với hoạt động của taxi có nhiều điểm tương đồng và cần có quy định chung để quản lý như nhau nhằm đảm bảo công bằng, công khai minh bạch và chịu quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh như nhau.

Bộ GTVT đồng thuận với phương án xe chở khách dưới 9 chỗ có ứng dụng phần mềm tiêu biểu như Grab sẽ được quản lý như xe taxi (phương án này sẽ bỏ quy định xe taxi điện tử) và bổ sung, làm rõ khái niệm về kinh doanh xe taxi như sau: “Kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi là việc sử dụng ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ (gồm cả lái xe) để vận chuyển hành khách, có lịch trình và hành trình theo yêu cầu của hành khách; cước chuyến đi được tính theo đồng hồ tính tiền hoặc tính theo phần mềm đặt xe kết nối với hành khách thông qua môi trường mạng.

vi sao bo giao thong van tai quyet xoa so grab taxi
Grab đang đối mặt với nguy cơ bị "xóa sổ" bởi Bộ GTVT "siết" chặt theo Nghị định 86 sửa đổi đang trình Chính phủ (ảnh: Internet)

Theo Bộ GTVT, với phương án này, toàn bộ ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng sử dụng hợp đồng điện tử đã được cấp phù hiệu xe hợp đồng trước ngày Nghị định này có hiệu lực phải quy định lộ trình thực hiện cấp đổi phù hiệu taxi và thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh của taxi.

Nếu dự thảo Nghị định 86 được thông qua, toàn bộ các xe đang kết nối phần mềm điện tử như Grab sẽ phải gắn phù hiệu “xe TAXI”; niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe. Đặc biệt, phải gắn hộp đèn trên nóc như taxi truyền thống. Các xe Grab cũng phải chịu các ràng buộc về niên hạn như taxi; tiêu chuẩn lái xe; kinh doanh trực thuộc doanh nghiệp, hợp tác xã và phải niêm yết giá như taxi.

Grab tự “quyết định” giá cước!

Hồi tháng 8, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu, làm rõ thêm về bản chất của các loại hình vận tải ứng dụng phần mềm Grab, Uber. Theo đó, Grab, Uber đã thực hiện và tham gia thực hiện một số công đoạn như điều hành phương tiện, lái xe, quyết định giá cước vận tải, sử dụng các loại xe dưới 9 chỗ, cách tính cước cũng dựa vào km… thì phải xác định đây là đơn vị kinh doanh vận tải, phải tuân thủ các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô.

Tổ công tác của Thủ tướng cho rằng, sự khác nhau hiện nay giữa loại hình Grab, Uber và taxi truyền thống là Grab, Uber đã ứng dụng phần mềm điều hành thay thế phương pháp điều hành truyền thống (như sử dụng bộ đàm, điện thoai), đổi mới công tác quản lý, quản trị. Do đó, giá cước của loại hình này giảm hơn so với taxi truyền thống. “Nhưng đây là hiệu quả kinh doanh làm tăng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp, chứ không phải vì như vậy mà gọi là loại hình “hợp đồng điện tử” để không chịu sự quản lý như một loại hình vận tải taxi” - văn bản nêu rõ.

Chưa hết, trong văn bản báo cáo Thủ tướng, Tổ công tác nêu thực tế, nhiều hãng taxi truyền thống đều đã sử dụng phần mềm tương tự như Grab, Uber trong việc kết nối, đặt xe, huỷ chuyến, tính cước phí, lộ trình, những hãng taxi này không được gọi là loại hình taxi nữa mà thuộc “hợp đồng điện tử”.

“Hợp đồng điện tử chỉ là phương thức, cách thức giao kết hợp đồng, kết nối gọi taxi mà thôi chứ không phải là loại hình vận tải (như tuyến cố định, taxi…). Do đó, Grab, Uber cần có các quy định chặt chẽ, chịu sự quản lý như taxi và không thể gọi đó là loại hình “Hợp đồng điện tử” để làm phát sinh thêm loại hình vận tải gọi là “hợp đồng điện tử” mà không có trong quy định của Luật Giao thông đường bộ.

Nếu không định nghĩa đúng về bản chất, cụ thể, rõ ràng về từng loại hình vận tải như dự thảo, sẽ tạo lỗ hổng về pháp luật, dẫn đến việc ban hành quy định không bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả và sẽ không có giải pháp, chế tài để quản lý đúng, phù hợp với từng loại hình. Đặc biệt, sẽ dẫn đến sự bất bình đẳng, cạnh tranh không lành mạnh.” - Tổ công tác của Thủ tướng nhấn mạnh.

Xem thêm


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Châu Như Quỳnh

[LIVE] Talkshow ‘Xu hướng đầu tư bất động sản 2025: Cơ hội nào trong chu kỳ mới?’
Những thông tin cập nhật bối cảnh thị trường, dự báo xu hướng dòng tiền vào bất động sản... sẽ được đưa ra thảo luận tại Talkshow ‘Xu hướng đầu tư bất động sản 2025: Cơ hội nào trong chu kỳ mới?’ phát sóng vào 14h30 ngày 30/10.