|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Vốn tự có (Core Capital) là gì? Đặc điểm của Vốn tự có

10:09 | 18/03/2020
Chia sẻ
Vốn tự có (tiếng Anh: Core Capital) là số vốn tối thiểu mà một ngân hàng, ví dụ như ngân hàng tiết kiệm hoặc công ty tiết kiệm và cho vay, phải có để tuân thủ qui định của FHLB.
Vốn tự có (Core Capital) là gì? Đặc điểm của Vốn tự có - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: BizTimes Milwaukee)

Vốn tự có

Khái niệm

Vốn tự có trong tiếng Anh là Core Capital.

Vốn tự có là số vốn tối thiểu mà một ngân hàng, ví dụ như ngân hàng tiết kiệm hoặc công ty tiết kiệm và cho vay, phải có để tuân thủ qui định của Hệ thống Ngân hàng cho vay nội bộ của Liên bang (FHLB). Con số này được phát triển như một con số an toàn nhằm bảo vệ người tiêu dùng khỏi những tổn thất bất ngờ.

Các qui định của hệ thống Ngân hàng cho vay nội bộ của Liên bang yêu cầu ngân hàng phải có vốn tự có tối thiểu bằng 2% tổng tài sản của ngân hàng, có thể bao gồm vốn chủ sở hữu (cổ phiếu phổ thông) và vốn dự trữ đăng kí (tài sản được giữ lại). Được tạo ra nhằm đảm bảo rằng khách hàng sẽ được bảo vệ khi mở tài khoản tài chính, vốn tự có bao gồm một phần của vốn cấp 1, mà các cơ quan quản lí xem là thước đo năng lực tài chính của ngân hàng.

Vốn cấp 1 là tỉ lệ vốn chủ sở hữu cốt lõi của ngân hàng so với toàn bộ lượng tài sản có rủi ro (tổng tài sản, có hệ số rủi ro tín dụng) mà một ngân hàng sở hữu. Các tài sản có rủi ro được định nghĩa bởi Uỷ ban giám sát ngân hàng Basel, một cơ quan giám sát ngân hàng được tạo ra bởi các thống đốc ngân hàng trung ương của hơn chục quốc gia.

Các ngân hàng được coi là khó sụp đổ hơn nếu ngân hàng đó có nhiều vốn tự có và ít tài sản có rủi ro. Các cơ quan quản lí cho rằng ngân hàng sẽ dễ sụp đổ nếu ngược lại.

Ví dụ về Vốn cấp 1

Để hiểu rõ hơn về cách thức hoạt động của tỉ lệ vốn cấp 1, hãy xem trường hợp sau đây. Giả sử răng Ngân hàng Friendly, nắm giữ $3 tài sản vốn chủ sở hữu, cho khách hàng vay $20. Giả sử khoản vay này, hiện được ghi là tài sản trị giá 20$ trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng, có tỉ lệ rủi ro là 80%. Trong trường hợp này, Ngân hàng Friendly có tài sản có rủi ro trị giá $16 ($20*80%). Cùng với khoản vốn chủ sở hữu 3$ ban đầu, tỉ lệ vốn cấp 1 của Ngân hàng Friendly là $3/$16 hoặc 19%.

Theo số liệu mới nhất, tỉ lệ vốn cấp 1 được yêu cầu ở mức 4%. Do đó, Ngân hàng Friendly Bank tuân thủ các qui định của các cơ quan ngân hàng hiện hành.

Đặc điểm của Vốn tự có

Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các cơ quan quản lí bắt đầu tăng sự tập trung vào vốn cấp 1 của các ngân hàng, không chỉ bao gồm vốn cốt lõi mà còn có thể bao gồm cả vốn chủ sở hữu ưu đãi không được tích luỹ. Điều này nghiêm ngặt hơn so với tỉ lệ vốn thông thường, cũng có thể bao gồm vốn cấp 2 và vốn chất lượng thấp hơn. Các định chế tài chính dự kiến sẽ tuân thủ tỉ lệ vốn cấp 1 được định nghĩa theo qui định của Basel III, được ban hành nhằm cải thiện qui định và việc giám sát các ngân hàng, đồng thời giảm thiểu khả năng khủng hoảng tài chính trong tương lai.

Sự gia tăng các yêu cầu về tỉ lệ vốn được thiết lập chủ yếu do thực tế là sự suy giảm vốn đang xảy ra với số lượng lớn tại các định chế tài chính lớn của Hoa Kỳ. Theo các nghiên cứu, mười hai định chế có tỉ lệ xói mòn vốn vượt quá 300 điểm cơ bản, và 8 định chế như vậy có tỉ lệ xói mòn vốn vượt quá 450 điểm cơ bản.

Để đảm bảo yêu cầu vốn của mình tuân thủ với các yêu cầu của Basel III, các ngân hàng đã thực hiện một số biện pháp, bao gồm loại bỏ các tài sản không hiệu quả và rủi ro của họ và giảm bớt số lượng nhân viên. Ngoài ra, một số định chế tài chính cũng đã sáp nhập với các tổ chức có vốn hoá tốt nhằm nỗ lực tăng vốn. Những phi vụ sáp nhập như vậy dẫn đến việc giảm tài sản có rủi ro và tăng vốn khả dụng cho cả hai ngân hàng sáp nhập.

(Theo Investopedia)

Hải Miên