Triết lí đạo đức (Moral Philosophy) là gì? Biểu thức triết lí
Triết lí đạo đức
Khái niệm
Triết lí đạo đức trong tiếng Anh được gọi là Moral Philosophy.
Triết lí đạo đức là những nguyên tắc, qui tắc căn bản con người sử dụng để xác định thế nào là đúng thế nào là sai và để hướng dẫn con người trong việc xác định cách thức giải quyết các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống con người trong mối quan hệ với tự nhiên và với các thành viên khác trong xã hội.
Khi đối diện với một vấn đề trong thực tiễn, con người phải tìm cách xử lí; có thể tìm ra rất nhiều giải pháp, nhưng để xác định giải pháp nào là đúng hoặc sai, con người sử dụng những thước đo nhất định và vận dụng theo cách riêng của mình.
Biểu thức triết lí
Khái niệm triết lí hàm chứa hai nội dung chính: Triết lí bao hàm giá trị được sử dụng làm thước đo và nguyên tắc áp dụng khi vận dụng trong thực tế để ra quyết định hành động hoặc phán xét về một hành vi hay hành động nào đó.
Có thể diễn đạt khái niệm triết lí bằng biểu thức như sau:
Triết lí = (Giá trị làm thước đo + Nguyên tắc áp dụng)* Cá nhân
Như vậy, bản chất của sự khác biệt giữa các cá nhân trong việc ra quyết định và/hay phán xét về một quyết định chính là sự khác biệt về giá trị sử dụng làm thước đo và/hoặc nguyên tắc áp dụng khi ra quyết định.
Thuật ngữ liên quan
- Triết lí kinh doanh là triết lí đạo đức vận dụng trong hoạt động kinh doanh để xây dựng và phát triển mối quan hệ kinh doanh tốt đẹp với các đối tượng hữu quan.
- Triết lí quản lí là triết lí đạo đức vận dụng trong quản lí một tổ chức/doanh nghiệp và được thực hiện bởi các thành viên tổ chức nhằm thực thi triết lí kinh doanh bằng một phong cách ứng xử điển hình cho các giá trị đã được xác định của tổ chức/doanh nghiệp.
Triết lí quản lí là triết lí đạo đức của một tổ chức/doanh nghiệptrong mối quan hệ với bên ngoài và được thể hiện qua các thành viên bên trong tổ chức/doanh nghiệp.
Triết lí quản lí thể hiện cách nhìn của tổ chức/doanh nghiệp về thế giới, tự nhiên và xã hội, theo con mắt của những người quản lí và nhân viên (những người hữu quan bên trong).
(Tài liệu tham khảo: Văn hoá Doanh nghiệp, PGS. TS. Nguyễn Mạnh Quân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2012)