|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Tỉ lệ Sharpe (Sharpe Ratio) là gì? Công thức tính tỉ lệ Sharpe

11:06 | 13/12/2019
Chia sẻ
Tỉ lệ Sharpe (tiếng Anh: Sharpe Ratio) là một thước đo xem lợi nhuận thu được là bao nhiêu trên một đơn vị rủi ro khi đầu tư vào một tài sản hay đầu tư theo một chiến lược kinh doanh.
maxresdefault

Hình minh họa. Nguồn: Youtube.com

Tỉ lệ Sharpe

Khái niệm

Tỉ lệ Sharpe trong tiếng Anh là Sharpe Ratio.

Tỉ lệ Sharpe là một thước đo xem lợi nhuận thu được là bao nhiêu trên một đơn vị rủi ro khi đầu tư vào một tài sản hay đầu tư theo một chiến lược kinh doanh.

Tỉ lệ Sharpe được phát triển bởi William F. Sharpe và được sử dụng để giúp các nhà đầu tư hiểu được lợi tức của khoản đầu tư so với rủi ro của nó. Tỉ lệ này là lợi nhuận trung bình kiếm được vượt quá lợi nhuận phi rủi ro trên mỗi đơn vị rủi ro.   

Công thức tính

Tỉ lệ Sharpe = (Rp – Rf)/ σ

Trong đó: 

Rp là tỉ suất lợi nhuận của danh mục đầu tư 

Rf là tỉ suất lợi nhuận phi rủi ro 

σp là độ lệch chuẩn của tỉ suất lợi nhuận vượt quá của danh mục 

Đặc điểm của tỉ lệ Sharpe 

Tỉ lệ Sharpe là phương pháp tính toán lợi nhuận được điều chỉnh theo rủi ro được sử dụng rộng rãi nhất. Lí thuyết danh mục đầu tư hiện đại (MPT) nêu rõ rằng việc thêm tài sản vào danh mục đầu tư (DMĐT) đa dạng có tương quan thấp có thể làm giảm rủi ro danh mục mà không bị mất lợi nhuận.     

Với giả định rủi ro bằng với biến động, một DMĐT đa dạng hóa cao sẽ có tỉ lệ Sharpe lớn hơn so với các DMĐT tương tự với mức độ đa dạng hóa thấp hơn. 

Tỉ lệ Sharpe cũng được sử dụng để đánh giá hiệu suất quá khứ của DMĐT (ex-post) khi lợi nhuận thực tế sẽ được sử dụng. Nhà đầu tư cũng có thể sử dụng tỉ lệ lợi nhuận có rủi ro và phi rủi ro dự kiến để tính tỉ lệ Sharpe ước tính (ex-ante).   

Tỉ lệ Sharpe cũng giúp giải thích liệu lợi nhuận vượt quá của DMĐT là do các quyết định đầu tư thông minh hay là do có quá nhiều rủi ro. Dù một DMĐT hoặc quĩ có thể có tỉ lệ lợi nhuận cao hơn so với các công ty cùng ngành, nhưng chưa chắc nó là một khoản đầu tư tốt khi khoản lợi nhuận cao hơn đó đi kèm với rủi ro bổ sung.   

Tỉ lệ Sharpe của DMĐT càng lớn thì hiệu suất điều chỉnh rủi ro của nó càng tốt. Nếu tỉ lệ Sharpe âm thì có nghĩa là lãi suất phi rủi ro lớn hơn lợi nhuận của danh mục đầu tư, hay lợi nhuận của danh mục đầu tư dự kiến sẽ âm. 

Ngoài ra, tỉ lệ Sharpe cũng được sử dụng để so sánh rủi ro tổng thể khi một loại tài sản hoặc lớp loại tài sản mới được thêm vào danh mục đầu tư.   

Biến thể của Tỉ lệ Sharpe 

Một biến thể của tỉ lệ Sharpe là tỉ số Sortino, tỉ lệ này loại bỏ các tác động tích cực của biến động làm giá tăng trong độ lệch chuẩn để tập trung vào các lợi nhuận nằm dưới lợi nhuận mục tiêu hoặc lợi nhuận yêu cầu. 

Một biến thể khác của tỉ lệ Sharpe là tỉ lệ Treynor sử dụng hệ số beta (hay hệ số tương quan) của DMĐT với phần còn lại của thị trường. Mục tiêu của tỉ lệ Treynor là xác định xem một nhà đầu tư có được bồi thường khi chấp nhận rủi ro bổ sung cao hơn rủi ro vốn có của thị trường hay không.  

Hạn chế của việc sử dụng tỉ lệ Sharpe 

Tỉ lệ Sharpe sử dụng độ lệch chuẩn lợi nhuận đại diện cho tổng rủi ro trong DMĐT, có giả định lợi nhuận có phân phối chuẩn và rủi ro tích cực cũng như tiêu cực có tác động như nhau. 

Tỉ lệ Sharpe có thể bị thao túng bởi các nhà quản lí DMĐT muốn phô trương lịch sử lợi nhuận được điều chỉnh theo rủi ro của họ bằng cách kéo dài khoảng thời gian đo. 

Ví dụ, độ lệch chuẩn hàng năm của lợi nhuận hàng ngày thường cao hơn so với lợi nhuận hàng tuần, và độ lệch chuẩn hàng năm của lợi nhuận hàng tuần cao hơn so với lợi nhuận hàng tháng.   

Các nhà quản lí này chọn khoảng thời gian để có kết quả tỉ lệ Sharpe tốt nhất để làm sai lệch lợi nhuận được điều chỉnh theo rủi ro.   

Ví dụ về tỉ lệ Sharpe 

Ví dụ, một nhà đầu tư đang xem xét bổ sung phân bổ quĩ phòng hộ vào DMĐT hiện tại gồm có cổ phiếu và trái phiếu. Danh mục có tỉ lệ lợi nhuận 15% vào năm ngoái, tỉ lệ lợi nhuận phi rủi ro hiện là 3.5% và độ biến động của danh mục đầu tư là 12%, ta có tỉ lệ Sharpe là 95.8%, bằng (15% - 3.5%) chia cho 12%.    

Nhà đầu tư tin rằng việc thêm quĩ phòng hộ vào DMĐT sẽ hạ mức lợi nhuận dự kiến xuống 11% và mức độ biến động của danh mục sẽ giảm xuống 7% trong năm tới. Người đó giả định rằng lãi suất phi rủi ro sẽ giữ nguyên trong năm tới. Với những thông tin này, tỉ lệ Sharpe dự kiến là 107% hay (11% - 3.5%) chia cho 7%. 

Trong ví dụ này, mặc dù khoản đầu tư của quĩ phòng hộ làm giảm lợi nhuận tuyệt đối của DMĐT, nhưng nó cũng cải thiện hiệu suất điều chỉnh rủi ro của nó. 

Nếu việc bổ sung khoản đầu tư mới làm giảm tỉ lệ Sharpe thì không nên thêm vào DMĐT. Sử dụng tỉ lệ Sharpe dựa trên dữ liệu trong quá khứ không thể đảm bảo dự báo hoàn toàn được hiệu suất dự kiến trong tương lai.

(Theo Investopedia)

Lê Thảo

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.