Chỉ số P/E (Price to Earning Ratio) là gì? Đặc điểm của chỉ số P/E
Hình minh họa (Nguồn: investopaper)
Chỉ số P/E
Khái niệm
Chỉ số P/E trong tiếng Anh gọi là: Price to Earning Ratio.
Chỉ số P/E là chỉ số phản ánh mối quan hệ giữa thị giá (giá thị trường cổ phiếu hiện hành) cổ phiếu với lợi nhuận sau thuế trong một năm của công ty.
Lấy ví dụ từ báo cáo tài chính của Ngân hàng Á Châu (ACB). Lợi nhuận sau thuế năm 1999 của ACB là 51.564 triệu đồng, chia cho tổng số cổ phiếu được: 151,025 đồng.
Giá thỏa thuận mua bán cổ phiếu ACB (trên thị trường không chính thức) mới đây là 1,7 triệu đồng, vậy P/E của ACB bằng 1.700.000 : 151,025 = 11,25 lần.
Đặc điểm của chỉ số P/E
Chỉ số này được dùng khá phổ biến như một công cụ để nhà đầu tư xem xét mình qua chứng khoán rẻ hay đắt. P/E càng cao nghĩa là chứng khoán mua càng cao và ngược lại. Mặt khác, nhà đầu tư có thể mua với P/E giá cao để hi vọng trong tương lai lợi nhuận công ty cao thì P/E lúc đó lại thấp như ví dụ dưới đây:
Lợi nhuận năm 1999 của một công ty bánh kẹo là 12,7 tỉ, P/E là 3,4; lợi nhuận 2000 là 14,5 tỉ, P/E là 2,9.
Nhà đầu tư mua cổ phiếu với P/E là 3,4 lần so với lợi nhuận là 12,7 tỉ của năm 1999. Nếu năm 2000 lợi nhuận là 14,5 tỉ thì nhà đầu tư mua với P/E chỉ còn 2,9 lần do lợi nhuận của công ty đã tăng lên và nếu năm 2001 lợi nhuận tăng nữa thì lúc này P/E sẽ giảm nữa.
Khi đó nhà đầu tư này muốn bán ra cho nhà đầu tư khác và khi nhìn vào thì thấy tại sao nhà đầu tư trước mua P/E 3,4 lần thì mình cũng mua 3,4 lần được chứ.
Thế là hoàn tất thương vụ. Nhà đầu tư trước bán được P/E là 3,4 lần (hoặc cao hơn nếu người mua mới chấp nhận) so lợi nhuận năm 2000 thì có nghĩa là họ bán cao hơn so với giá mà họ mua vào năm 1999.
Vấn đề là P/E bao nhiêu lần thì hình thành cuộc chơi này, ở đây có hai trường hợp xảy ra:
- Nếu nhà đầu tư chấp nhận P/E cao thì rủi ro có thể cao do mua giá cao so với lợi nhuận công ty đạt được.
- Mặt khác mua P/E cao cũng có thể rủi ro thấp, vì lúc đó công ty mua vào có thể là công ty có giá như công ty Coca Cola hay Hàng không Việt Nam chẳng hạn, các công ty này phát triển rất ổn định.
Từ đó mới hình thành một biên độ chỉ số P/E cho từng loại công ty, từng lĩnh vực và từng môi trường của thị trường. Theo xu hướng trên thị trường chứng khoán các nước trên thế giới thì lĩnh vực sau đây thường chấp nhận các chỉ số P/E cao (không kể các tập đoàn hùng mạnh):
Ngân hàng, tài chính chứng khoán, công nghệ tin học, viễn thông, công nghệ sinh học, các ngành sản xuất công nghiệp kĩ thuật cao.
Hiện nay, các chuyên viên tài chính Việt Nam nhận định P/E tại thị trường Việt Nam từ 8 - 15 lần, điều đó có nghĩa lĩnh vực tài chính ngân hàng hoặc các công ty có uy tín thì P/E tại thị trường Việt Nam từ 10 - 15 lần và những lĩnh vực khác có thể dưới 10.
Tuy nhiên, bạn hãy cứ nghĩ xem, nếu công ty không có lợi nhuận điều đó có nghĩa là lợi nhuận âm, thì thị giá cổ phiếu chia cho lợi nhuận trong một năm là con số âm thì làm sao mà có chỉ số P/E được.
Do đó, P/E chỉ là một số tương đối, nhà đầu tư cũng cần phải đánh giá thêm các chỉ số tài chính khác có liên quan mang tính kĩ thuật nhiều hơn.
(Tài liệu tham khảo: Cẩm nang đầu tư trên thị trường chứng khoán, NXB Từ điển Bách Khoa)