|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Thước đo tiền tệ (Money Measurement) là gì?

09:56 | 05/09/2019
Chia sẻ
Thước đo tiền tệ (tiếng Anh: Money Measurement) là thước đo sử dụng để đo lường các đối tượng quản lí kinh tế dưới dạng giá trị.
maxresdefault

Hình minh họa. Nguồn: Youtube

Thước đo tiền tệ (Money Measurement)

Khái niệm

Thước đo tiền tệ trong tiếng Anh là Money Measurement. Khái niệm thước đo tiền tệ trong kế toán gọi là Money Measurement Concept.

Thước đo tiền tệ là thước đo sử dụng để đo lường các đối tượng quản lí kinh tế dưới dạng giá trị.

Ý nghĩa 

Việc sử dụng thước đo tiền tệ cho phép kế toán tổng hợp được toàn bộ các nguồn lực của đơn vị dưới dạng giá trị và giúp người sử dụng thông tin có cái nhìn tổng quát về tình hình tài chính và hoạt động của đơn vị đó.

Nội dung

- Các đối tượng kế toán và những giao dịch ảnh hưởng đến chúng phải được kế toán đo lường bằng thước đo giá trị.

- Đồng tiền được kế toán sử dụng trong đo lường được gọi là đồng tiền kế toán. Thông thường, đồng tiền kế toán ở mỗi quốc gia là đồng tiền của quốc gia đó. 

Nói cách khác, đồng tiền kế toán thường là nội tệ. Tuy nhiên, đồng tiền kế toán có thể là ngoại tệ trong một số trường hợp.

- Các sự kiện và giao dịch có thể phát sinh bằng nội tệ hoặc ngoại tệ. Trường hợp đồng tiền kế toán là nội tệ, các sự kiện và giao dịch phát sinh bằng ngoại tệ phải được kế toán qui đổi về nội tệ hay đồng tiền kế toán theo tỉ giá nhất định.

Trường hợp đồng tiền kế toán khác với nội tệ, các sự kiện và giao dịch phát sinh bằng nội tệ và các ngoại tệ khác phải được kế toán qui đổi về ngoại tệ được sử dụng làm đồng tiền kế toán theo tỉ giá nhất định.

Hệ quả

Khái niệm thước đo tiền tệ đến những hệ quả sau đây:

- Thứ nhất: Việc so sánh thông tin kế toán giữa các đơn vị thuộc các quốc gia sử dụng đồng tiền kế toán khác nhau sẽ gặp khó khăn.

Để có thể so sánh được các báo cáo này, một trong những vấn đề kế toán phải xử lí là chênh lệch tỉ giá hối đoái ở những thời điểm khác nhau.

- Thứ hai: Tiền là thước đo giá trị nên có liên quan đến yếu tố giá cả, từ đó làm phát sinh nhiều loại giá khác nhau trong đo lường và ghi nhận các đối tượng kế toán.

- Thứ ba: Thông tin kế toán bị hạn chế trong phạm vi thông tin tiền tệ, không phản ánh các thông tin phi tiền như danh tiếng, uy tín, khả năng cạnh tranh, năng lực điều hành... 

Do vậy, các đối tượng sử dụng báo cáo tài chính cần hiểu rằng không phải toàn bộ các thông tin quan trọng của đơn vị kế toán đều được phản ánh trên báo cáo tài chính.

- Thứ tư: Sức mua của đồng tiền thay đổi (lạm phát/giảm phát) sẽ ảnh hưởng đến độ tin cậy của thông tin kế toán. Giả thiết đồng tiền ổn định có khuynh hướng được áp dụng rộng rãi trong đo lường kế toán.

Theo đó, đồng tiền kế toán được chấp nhận là đơn vị đo lường sức mua không đổi hay sức mua cố định và các kế toán viên không cần điều chỉnh số liệu kế toán theo sự thay đổi sức mua thực tế của đồng tiền kế toán.

Khi giá cả biến động càng mạnh, việc sử dụng giả thiết ổn định càng có khuynh hướng làm giảm mức độ tin cậy của thông tin kế toán.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Nguyên lí kế toán, NXB Tài chính)

Minh Lan