|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thói 'biển thủ' thời hiện đại qua câu chuyện về WeWork, Neil Woodford

07:37 | 30/10/2019
Chia sẻ
Thành lập công ty, PR khôn khéo vào thời điểm nhà đầu tư ráo riết tìm nơi cất tiền, mở rộng thật nhanh, kéo dài cuộc chơi đến khi doanh nghiệp còn đủ giàu chính là thói "biển thủ" thời hiện đại mà WeWork và công ty quản lí quĩ của Neil Woodford mắc phải.

Hai bê bối đang thu hút sự chú ý của công chúng. Tại Mỹ, WeWork hoãn phát hành cổ phiếu ra công chúng, CEO rời khỏi công ty và WeWork đành phải bẽ mặt nhận gói cứu trợ 9,5 tỉ USD của SoftBank.

Trong khi ở Anh, quĩ quản lí tài sản Woodford Asset Management của Neil Woodford, người  mang biệt danh "Warren Buffett nước Anh", vừa tuyên bố đóng cửa và đình chỉ toàn bộ các quĩ công ty điều hành.

Financial Times nhận đinh mặc dù WeWork và Woodford Asset Management là hai doanh nghiệp khác nhau, họ lại có nhiều điểm chung "nhức nhối". Trong cả hai trường hợp, thảm họa xảy ra đều là kết quả trực tiếp của quá trình mở rộng tiêu cực.

1

Cựu CEO WeWork Adam Neumann và nhà đầu tư "ngôi sao" người Anh Neil Woodford. Ảnh: Financial Times

Đồng thời, ảnh hưởng từ tính cách nhà lãnh đạo dường như đã thay thế phong cách quản trị doanh nghiệp phù hợp.

Hai nhà quản lí giàu, thu nhập "khủng" từ công ty

Trong cả hai sự việc, các nhà sáng lập đều là những người đàn ông giàu trước khi bê bối vỡ lở.

"Warren Buffett nước Anh" Neil Woodford tự trả cho ông khoảng 60 triệu bảng Anh (tương đương 113 triệu USD) thông qua cổ tức kể từ khi bắt đầu Woodford Asset Management vào năm 2014. Các cá nhân nắm giữ Woodford Income Fund sẽ may mắn nhận về 50 xu/bảng từ khoản đầu tư của họ.

Adam Neumann, đồng sáng lập WeWork, ra đi với số tiền khổng lồ (gần 1,7 tỉ USD, trong đó bao gồm 185 triệu USD phí tư vấn). Thay vào đó, 4.000 nhân viên của cựu CEO này sẽ mất việc. Các các cổ đông của SoftBank sẽ phải ngậm ngùi chịu lỗ 30% trong 6 tháng qua.

Nhóm cổ đông nhỏ của SoftBank sẽ cảm thấy vui mừng một chút vì nếu rót vốn nhiều hơn, họ cũng đã chịu ảnh hưởng nặng nề. Chẳng hạn, là một quĩ hàng đầu và rất nổi tiếng đối với giới đầu tư thuộc lĩnh vực bán lẻ ở Anh, Baille Gifford Japan Trust đã rót 5% vốn vào SoftBank.

Financial Times dẫn quan điểm của bà Merryn Rosemary Somerset Webb - tổng biên tập tờ MoneyWeek cho biết các câu chuyện này còn có ít nhất một điểm chung nữa: chúng là bước ngoặt mới mà nhà kinh tế học John Kenneth Galbraith đặt tên là "thói biển thủ".

Thói biển thủ thời hiện đại hay niềm tin nhà đầu tư đặt nhầm chỗ?

Trong cuốn sách Ác mộng Đại khủng hoảng 1929 xuất bản năm 1955, ông Galbraith cho rằng biển thủ là tội tác thú vị nhất. 

Theo ông, đây là hình thức trộm cắp duy nhất đi kèm cùng một độ trễ về thời gian. Vì vậy, "thời điểm phạm tội và phát hiện ra nó có thể cách vài tuần, vài tháng hoặc vài năm".

Khoảng thời gian nằm giữa giai đoạn phạm tội và phát hiện rất lí tưởng. Người cuối cùng nhận tiền về tay sẽ giữ nó, còn người mất tiền không biết họ sẽ mất. Họ xem đó là sự giàu có vĩnh viễn, ngay cả khi nhà kinh tế học Galbraith gọi đây là "sự giàu có về mặt tinh thần".

Mặc dù khá tương đồng với khái niệm của tác giả cuốn Ác mộng Đại khủng hoảng 1929, vụ bê bối của WeWork và Woodford không thực sự gọi là biển thủ, vì theo như chúng ta biết, trong cả hai trường hợp không có gian lận, hành vi phạm tội hoặc ý định "cướp" tiền từ người khác.

Thay vào đó, chúng là ví dụ về cách môi trường kiếm tiền dễ dãi bị bóp méo có thể giúp chuyển một lượng lớn tiền từ những người tiết kiệm thông thường sang các cá nhân siêu tự tin - một kiểu biển thủ thời hiện đại.

Hay nói cách khác, biển thủ thời hiện đại không liên quan đến trộm cắp mà là sự thiếu quan tâm đến tình hình tài chính trong tương lai của người nhà đầu tư rót vốn vào.

Thành lập một công ty, lên kế hoạch PR khôn khéo vào thời điểm nhà đầu tư đang ráo riết tìm nơi cất giữ tiền mặt, mở rộng theo cách mà không ai bận tâm nhiều về khả năng sinh lời, khiến cuộc chơi kéo dài cho đến khi doanh nghiệp còn đủ giàu là thói biển thủ thời hiện đại.

Nhìn vào những tên tuổi mới "lên sàn " gần đây ở Mỹ, Spotify, Uber, Lyft, Beyond Meat và Snapchat đều thua lỗ.

Các doanh nghiệp trên chủ yếu biện minh rằng để thành công ở thời điểm này, họ không theo đuổi lợi nhuận mà là thị phần, cùng lúc công bố khối lượng dữ liệu đã thu thập được, vì việc họ trả tiền để chiếm ưu thế trên thị trường sẽ mang lại kết quả xứng đáng trong tương lai.

Các cổ đông không nhận về bất kì khoản thu nhập nào từ doanh nghiệp, họ chỉ cần đưa ra mức định giá cực cao và tin tưởng một ngày nào đó doanh nghiệp họ rót vốn có thể đạt mục tiêu đó. Chẳng hạn, mặc dù muốn định giá ở mức 100 tỉ USD, bản cáo bạch IPO của Uber cũng lưu ý rằng họ "có thể chưa thể thu lợi nhuận".

Yên Khê

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.