|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thủ thuật gài kèo của SoftBank khiến WeWork không thể từ chối

08:32 | 27/10/2019
Chia sẻ
Chỉ vài tháng trước, , các ngân hàng đầu tư hàng đầu Phố Wall "mời gọi" Adam Neumann - CEO của WeWork - vì dự đoán startup chia sẻ văn phòng sẽ có một trong những IPO thành công nhất năm nay.
1

Cựu CEO Adam Neumann, người được cho là nguồn cơn của cú sốc IPO lớn nhất năm nay. (Ảnh: Reuters)

Đến tháng 10, với việc kế hoạch IPO bị lãng quên và công ty đang cạn dần tiền, một số nguồn tin cho biết từng trông thấy cựu CEO Neumann đề nghị cổ đông lớn nhất của WeWork một khoản cứu trợ 5 tỉ USD.

Thông điệp đã quá rõ ràng: Không có nguồn vốn mới, WeWork sẽ cạn tiền trong vài tuần tới.

"Anh có còn tin vào WeWork hay không", ông Neumann hỏi các chuyên viên ngân hàng JPMorgan Chase & Co trên tầng 42, tòa nhà trụ sở của họ ở Manhattan hôm 6/10.

Nhóm chuyên viên ngân hàng JPMorgan Chase & Co, bao gồm Tổng giám đốc Mary Erdoes và Giám đốc phụ trách thị trường nợ Jim Casey, trả lời Neumann và các giám đốc WeWork khác rằng họ sẽ hỗ trợ công ty và tin WeWork có thể kiếm ra tiền.

Tuy nhiên, hai bên không đặt bút kí thỏa thuận tại theo như đề xuất của một thành viên trong hội đồng quản trị WeWork.

Reuters dẫn các nguồn tin thân cận cho biết, khi nghi ngờ về cơ hội sống sót còn bủa vây WeWork sau thương vụ IPO thất bại, JPMorgan phản hồi cựu CEO Neumann rằng họ cần thời gian để thăm dò ý kiến nhà đầu tư trước.

Vài ngày sau, một kế hoạch giải cứu thay thế bắt đầu xuất hiện từ cổ đông lớn nhất của WeWork - SoftBank Group. Không có lựa chọn nào hoàn hảo, nhưng với những khó khăn hiện tại, WeWork giống như người "chết đuối lại vớ được cọc".

WeWork, SoftBank, JPMorgan và cựu CEO Adam Neumann đều từ chối bình luận về câu chuyện Reuters tổng hợp từ các nguồn tin.

Vấn đề quản trị doanh nghiệp và quyền lực quá lớn của Neumann

SoftBank đã cung cấp gói cứu trợ 9,5 tỉ USD cho WeWork, gồm khoản vay mới và cam kết góp vốn, cũng như chào mua cổ phần của công ty từ tay ông Neumann và một số cổ đông khác.

Ngoài việc bơm nhiều tiền hơn JPMorgan, thỏa thuận của SoftBank còn giải quyết vấn đề mà các giám đốc WeWork gọi riêng là "vấn đề quản trị doanh nghiệp" do công ty nằm dưới quyền kiểm soát quá lớn của cựu CEO Neumann.

Thỏa thuận của SoftBank có thể tước quyền biểu quyết của ông Neumann cũng như loại ông khỏi hội đồng quản trị WeWork. Một số nhà đầu tư như Benchmark Capital và Hony Capital (Trung Quốc) từng chỉ trích ông Neuman là nguyên nhân khiến lợi nhuận của công ty giảm.

Phong cách quản lí thất thường của Neumann, kết hợp với việc WeWork thiếu vắng khả năng sinh lời, đã khiến các nhà đầu tư IPO tiềm năng xa lánh công ty.

Vấn đề là, Neumann vẫn nắm giữ quyền lực đáng kể trong công ty ngay cả khi ông đã rời khỏi vị trí CEO vào ngày 24/9, vì với tư cách nhà sáng lập WeWork, mỗi cổ phiếu của Neumann có 10 quyền biểu quyết, trong khi các cổ đông khác chỉ có một phiếu bầu/cổ phiếu.

Rõ ràng với SoftBank, cũng như ủy ban hội đồng quản trị đặc biệt chịu trách nhiệm xem xét các kế hoạch tài chính của công ty, muốn cựu CEO Neumann từ bỏ quyền kiểm soát trong công ty sẽ phải đi kèm với một mức giá.

Định giá mới của WeWork - nỗi buồn của nhân viên công ty

Trong các cuộc họp tại New York giữa Neumann và CEO Marcelo Claure của SoftBank, các điều khoản cơ bản của một thỏa thuận đã được đưa ra.

SoftBank sẽ cấp một hạn mức tín dụng trị giá 500 triệu USD để ông Neumann trả nợ cho các khoản vay cá nhân được bảo lãnh bởi cổ phiếu của WeWork, miễn là ông sử dụng khoản tiền thu được từ việc bán 970 triệu USD cổ phần để thanh toán khoản vay trên cho SoftBank.

Theo nghiên cứu của công ty quản lí tài sản Bernstein, thông qua định giá chứng quyền mà SoftBank cam kết sẽ thực hiện, đề nghị mới nhất của quĩ này định giá WeWork chỉ vào khoảng 5,9 tỉ USD. Mức định giá mới hoàn toàn khác xa giá trị 47 tỉ USD SoftBank đưa ra cho WeWork hồi tháng 1.

Khoản chi trả đặc biệt cho Neumann không chỉ dừng lại ở đó. Cựu CEO còn đàm phán với SoftBank một mức "phí tư vấn" trị giá 185 triệu USD trong vòng 4 năm để đổi lấy việc ông rời khỏi hội đồng quản trị WeWork.

Hiện nay, cựu CEO chỉ có vai trò quan sát viên thay vì là thành viên hội đồng quản trị như trước.

Reuters dẫn một số nguồn tin thân cận cho hay, các thành viên trong ủy ban đặc biệt mới thành lập bày tỏ lo ngại rằng gói cứu trợ tài chính của ông Neuman sẽ gây ra tâm trạng phẫn nộ cho nhiều nhân viên WeWork, những người đang sở hữu các quyền chọn cổ phiếu có giá thực cao hơn nhiều so với giá chào mua của SoftBank.

Ủy ban đặc biệt đã từ chối bình luận trước vấn đề trên.

Đề nghị mua đến 3 tỉ USD cổ phiếu WeWork từ các nhân viên và cổ đông hiện tại của SoftBank sẽ định giá công ty ở mức 8 tỉ USD, cao hơn định giá mới dựa trên chứng quyền.

Theo một số nguồn tin, cựu CEO Neumann đã cố găng tăng giá chào mua cổ phiếu trong quá trình đàm phán với SoftBank. Tuy nhiên, SoftBank vẫn kiên định với đề xuất hiện tại vì lo ngại các cổ đông của quĩ sẽ chỉ trích SoftBank là đang "ném tiền qua cửa sổ", vì vậy họ không sẵn sàng chi thêm tiền.

Phần lớn giám đốc của WeWork đều muốn Neumann rời khỏi hội đồng quản trị và nhiều cổ đông thiểu số, được đại diện bởi ủy ban đặc biệt, muốn được rút vốn.

JPMorgan cũng không hào hứng rót vốn thêm vào WeWork thông qua mua cổ phiếu của cổ đông, vì công ty chia sẻ văn phòng chỉ yêu cầu gói cho vay 5 tỉ USD.

Giao kèo "khó nhằn" của JPMorgan

Khi ngân hàng JPMorgan đề xuất gói vay nợ với WeWork hôm 21/10, chỉ có công ty tư nhân Starwood Capital Group, do ông trùm bất động sản Barry Sternlicht điều hành, cam kết sẽ hợp tác cùng JPMorgan chia sẻ gánh nặng tài trợ vốn cho WeWork.

JPMorgan đã đồng ý tài trợ phần còn lại và chuyển tiền vào ngày 24/10. Tuy nhiên, thỏa thuận còn bao gồm một điều khoản, hay giao kèo. Cụ thể, JPMorgan sẽ để WeWork vỡ nợ nếu SoftBank không bỏ thêm 1,5 tỉ USD họ từng cam kết chi trả cho các chứng quyền đến hạn vào tháng 4/2020.

JPMorgan muốn đảm bảo SoftBank sẽ tôn trọng cam kết tài chính, vốn giúp giảm rủi ro mang nợ cho các nhà đầu tư của WeWork.

SoftBank "gài kèo", WeWork khó lòng từ chối

Tuy nhiên, SoftBank nói với hội đồng quản trị WeWork rằng họ sẽ không trả 1,5 tỉ USD nếu gói cứu trợ tài chính mới bị từ chối.

Vấn đề này xuất phát từ nhận định của SoftBank, cụ thể các chứng quyền đáo hạn vào tháng 4 năm sau được đưa ra dựa trên mức định giá 47 tỉ USD dành cho WeWork hồi tháng 1. Hiện tại, SoftBank muốn thay đổi mức giá trên để phản ánh chính xác sự tụt giá mạnh của WeWork.

Mặt khác, các nguồn tin thân cận cho biết nhóm đàm phán của JPMorgan tin rằng hợp đồng của WeWork với SoftBank sẽ khiến SoftBank thực hiện đúng các cam kết hỗ trợ vốn trước đó.

Cuối cùng, chính rủi ro về việc SoftBank sẽ không thực hiện cam kết của họ nếu gói giải cứu tài chính của JPMorgan được lựa chọn, đã khiến ủy ban đặc biệt nghiêng về thỏa thuận với SoftBank.

SoftBank đã đưa cho WeWork một lời đề nghị mà công ty này buộc phải chấp nhận.

Ngày 21/10, SoftBank tiết lộ thỏa thuận trên đã giúp nâng tỉ lệ sở hữu của SoftBank tại WeWork từ 30% lên 80%, nhưng Softbank cũng tìm cách tránh né để phải hợp nhất các khoản nợ của WeWork vào bảng cân đối kế toán của mình bằng việc không kiểm soát toàn bộ Hội đồng quản trị mở rộng.

Do đó, SoftBank sẽ chỉ có 5 trong tổng số 10 ghế trong hội đồng quản trị. Tuy nhiên, nếu SoftBank không thể xoay chuyển tình trạng của WeWork một cách nhanh chóng, đây có thể xem là một chiến thắng theo kiểu pyrrhic của SoftBank (tức chiến thắng với tổn thất lớn).

WeWork đã đốt gần 2,5 tỉ USD tiền mặt kể từ cuối tháng 6 và CEO Claure sẽ phải cắt giảm các chi phí một cách nhanh chóng, bao gồm việc sa thải hàng nghìn nhân viên và giúp công ty tìm cách thoát khỏi những hợp đồng thuê văn phòng đắt đỏ. Nếu không làm như vậy, việc rót thêm vốn để ổn định WeWork sẽ không thể kéo dài.

Đúng như dự đoán, ông Claure cũng đang đối mặt với sự phẫn nộ của một số nhân viên vì số tiền trả cho cựu CEO Neumann quá cao. Hôm 22/10, ông Claure khẳng định với các nhân viên rằng đó là cái giá phải trả để loại bỏ quyền biểu quyết của Neumann.

Nếu không, ông Claure nói: "Neumann có thể làm bất cứ điều gì mà anh ta muốn [vì anh ta là người sáng lập công ty]".

Yên Khê

'Tăng trưởng GDP 2025 đạt 8%, 2026 - 2030 đạt 10%, Việt Nam sẽ thoát bẫy thu nhập trung bình'
Theo TS. Cấn Văn Lực, năm 2025 phải phấn đấu để đạt mức tăng trưởng ít nhất 8% và giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng hai con số khoảng 10% thì Việt Nam mới có thể vượt bẫy thu nhập trung bình, đạt mục tiêu đến 2045 trở thành nước thu nhập cao và có nền tảng công nghiệp hiện tại.