|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

[Case Study] WeWork, những lời hứa hẹn của các startup tỷ đô và cái kết được báo trước

08:57 | 12/08/2023
Chia sẻ
WeWork sẽ gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các nhà đầu tư đang đốt tiền với những ý tưởng đầy mơ mộng của nhà sáng lập mà quên đi tính thực tế của dự án.

Trong giới khởi nghiệp, thuật ngữ "blow-ups" hay "bom nổ" dùng để chỉ các startup đình đám một thời rồi đóng cửa, xuất hiện ngày càng nhiều là minh chứng rõ ràng nhất cho việc các nhà đầu tư thường dễ tin theo ý tưởng bay bổng của các nhà sáng lập mà quên đi giá trị thật sự của startup.

Dẫn chứng mới nhất là trường hợp của WeWork của nhà sáng lập Adam Neumann.Adam Neumann từng rất tự hào với câu chuyện thuyết phục được ông Masayoshi Son hứa trao cho WeWork 4,4 tỷ USD sau khi dẫn vị tỷ phú tham quan văn phòng của công ty vào năm 2016 và chuyến "vi hành" chỉ kéo dài 12 phút. 

Tỷ phú Masayoshi Son của Softbank. (Ảnh: AFP).

 WeWork bên bờ vực thẳm

Là con cưng của giới khởi nghiệp toàn cầu, WeWork đã từng được định giá tới 47 tỷ đô la USD - điều mà tờ Telegraph hay nhiều tờ báo danh tiếng khác gọi là "phi lý". Hiện tại, công ty theo đuổi mô hình cho thuê không gian làm việc này đã ghi nhận kỷ lục về thua lỗ kéo dài.

Trong tuần này, WeWork là cái tên xuất hiện với tần suất dày đặc trên các tờ báo lớn của thế giới. Công ty khởi nghiệp này đã gián tiếp thừa nhận họ khó có khả năng "gồng" được nữa vì cổ phiếu đã giảm tới 97% giá trị so với thời điểm công ty IPO.

Giá cổ phiếu WeWork hiện tại chưa tới 1 USD, kéo mức định giá của startup này về dưới 300 triệu USD.

Trong một hồ sơ gửi lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC), WeWork cho biết họ chỉ có thể tiếp tục hoạt động kinh doanh nếu cải thiện được tính thanh khoản và lợi nhuận trong 12 tháng tới. Nếu điều đó không xảy ra thì đồng nghĩa với sự sụp đổ. 

WeWork được thành lập vào năm 2010 bởi Adam Neumann và Miguel McKelvey. Họ là những nhà khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ đã sử dụng tiền từ việc bán startup Green Desk để lập ra WeWork với tầm nhìn tạo ra một “mạng xã hội vật lý” - nơi thu hút nhóm lao động tự do (freelancer) và những người làm việc tại nhà tập trung lại một chỗ.

Mô hình kinh doanh của WeWork là ký hợp đồng thuê dài hạn các tòa nhà văn phòng (hoặc các tầng riêng lẻ), trang trí lại và cho thuê. Ý tưởng là tạo ra không gian làm việc không cố định trong ngắn hạn và WeWork thu hút người thuê bằng cách tạo ra không gian làm việc xịn sò, có bia cùng trà kombucha miễn phí hay khu chơi game...

Thế nhưng, kết quả tài chính bết bát trong nhiều năm và những rối ren trong thượng tầng ban lãnh đạo của WeWork đã đẩy công ty xuống gần hơn với vực thẳm.

Con tàu đã đi chệch đường ray như thế nào?

Năm 2019, các nhà đầu tư đã bắt đầu đặt ra câu hỏi về nền tảng tài chính không ổn định của WeWork – thời điểm công ty vẫn là đơn vị tư nhân cho thuê nhà lớn nhất Manhattan.

Theo đó, WeWork đã báo cáo khoản lỗ lớn trong nhiều năm, gồm khoản lỗ gần 2 tỷ USD vào năm 2018. Điều này khiến vụ IPO của WeWork thất bại, đưa mức định giá về 7 tỷ USD và bị SoftBank mua lại vào cuối năm đó. Mãi đến năm 2021, WeWork mới có thể lên sàn sau một thương vụ sáp nhập SPAC.

Theo tờ New York Times, giáo sư tài chính Aswath Damodaran, tại Đại học New York, nói rằng ông đã hoài nghi về mô hình kinh doanh của WeWork ngay từ đầu. "Lúc làm ăn tốt thì không sao, phòng cho thuê chật kín người nhưng nếu khó khăn thì sao, họ sẽ có văn phòng rỗng toác và khoản tiền thuê nhà cần phải trả", vị giáo sư nói.

Đúng như dự tính của vị giáo sư. Đại dịch COVID-19 cùng nhiều tác động khác như cú đấm trực diện vào WeWork khiến mô hình kinh doanh của họ gần như bế tắc hoàn toàn. Tờ Telegraph nhận định một thiếu sót nghiêm trọng của ngành công nghệ là sẵn sàng bỏ qua một số cảnh báo tài chính lớn, không áp dụng cho các công ty tăng trưởng cao.

WeWork đã mở rộng ranh giới đến giới hạn và sự bấp bênh của bảng cân đối kế toán bắt đầu xuất hiện: Công ty lỗ 1,9 tỷ USD trên doanh thu 1,8 tỷ USD vào năm trước, đưa khoản lỗ ròng lên 4,2 tỷ USD kể từ năm 2016; đốt 700 triệu USD mỗi quý.

Như đã mô tả, WeWork thực chất là một doanh nghiệp cung cấp không gian văn phòng linh hoạt và nó tăng trưởng một phần nhờ sự bùng nổ của hình thức làm việc kết hợp cùng làn sóng những người làm việc tự do. Đáng nói, tăng trưởng nóng là vậy nhưng WeWork vẫn chưa có doanh thu.

Vài năm trước, ban lãnh đạo của WeWork đã không thể tìm ra cách để làm cho mô hình này sinh lời thì chắc chắn họ sẽ không bao giờ làm được, nhất là ở thời điểm hiện tại khi làm việc từ xa lên ngôi.

Tờ New York Times dẫn nguồn báo cáo tài chính cho biết WeWork có hơn 18 triệu feet vuông diện tích văn phòng cho thuê ở Mỹ và Canada vào cuối năm ngoái, tương đương với 1,6 triệu mét vuông. Do đó, sự thất bại của WeWork có thể có tác động lớn đến ngành bất động sản thương mại, vốn đang lao đao vì tác động của dại dịch COVID-19.

Stijn Van Nieuwerburgh, giáo sư bất động sản tại trường Columbia Business, cho biết các yếu tố khiến giá bất động sản thương mại giảm trong vài năm qua cũng chính là nguyên nhân nhấn chìm WeWork. Ông Van Nieuwerburgh cho biết ước tính mức giảm 45% trong việc định giá diện tích văn phòng từ năm 2019 đến 2029. Theo công ty dịch vụ bất động sản JLL, tỷ lệ trống văn phòng đã tăng lên trên khắp nước Mỹ kể từ sau đại dịch, lên khoảng 20% trong quý đầu tiên của năm 2023.

Rời WeWork, Adam Neumann đang ấp ủ thêm một dự án mới về bất động sản và đã huy động được hàng trăm triệu USD từ các nhà đầu tư. (Ảnh: New York Magazine).

Lời cảnh báo 

Sau những bê bối vào năm 2019, nhà sáng lập Adam Neumann sắp sửa cho giới thiệu một dự án kinh doanh mới mang tên Flow – hoạt động trong lĩnh vực bất động sản nhà ở. Cuối năm ngoái, Neumann tiết lộ công ty đã huy động được 350 triệu USD từ một nhà đầu tư ở Thung lũng Silicon.

Adam Neumann vẫn vậy, vẫn là tầm nhìn cũ, mùi vị tương tự WeWork năm xưa. “Chúng tôi muốn tạo ra trải nghiệm nâng cao cho cư dân và chúng tôi muốn tìm cách chia sẻ với cư dân một phần giá trị mà họ tạo ra,” Neumann cho biết. Theo đó, Flow sẽ vận hành các tòa nhà chung cư trên khắp Atlanta, Miami, Fort Lauderdale và Nashville.

Hiện tại, mọi thứ về Flow vẫn chưa được tiết lộ quá nhiều nhưng WeWork đang hiện diện như là một hồi chuông cảnh báo cho giới đầu tư, thể hiện rằng tiếng tăm của WeWork không phải là minh chứng để kéo về những khoản đầu tư xứng đáng.

Một trong những vấn đề lớn nhất với ngành công nghệ là các nhà đầu tư mạo hiểm tài trợ rất nhiều cho các startup khi họ bị thuyết phục bằng một ý tưởng có lớp vỏ đầy sâu sắc và mang sứ mệnh thay đổi cuộc sống.

Chẳng hạn Peloton, nhà sản xuất xe đạp tập thể dục với các bài tập phát trực tuyến video, tự mô tả mình là “một công ty công nghệ kết nối thế giới vật chất và kỹ thuật số” khi ra mắt công chúng vào năm 2019 song đây là một công ty sản xuất xe đạp không hơn.

Thời đại tiền rẻ đã khiến các nhà đầu tư vung tiền quá trán cho những ý tưởng mỹ miều và xu hướng đó đẻ ra quá nhiều công ty không đáp ứng được sự cường điệu hóa mà các nhà sáng lập đã hứa với nhà đầu tư. Kết cục thường thấy là cạn tiền và sụp đổ.

Quay trở lại với WeWork, công ty này cũng giống như những chủ cho thuê khác, đang cố gắng tính phí cao cho một chiếc bàn làm việc tặng kèm ưu đãi sử dụng bàn bóng bàn và bia thủ công miễn phí.

“Nếu lắng nghe lời hoa mỹ của Adam Neumann trong những ngày đầu đó, bạn sẽ lầm tưởng rằng họ đã phát hiện ra Bill Gates hoặc Elon Musk tiếp theo”, cây bút Ben Marlow của Telegraph bình luận. 

Thành Vũ