|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

[Case Study] Tại sao 'cà phê mang đi' khiến các ông lớn lắc đầu nhưng lại là trào lưu khởi nghiệp của giới trẻ?

14:56 | 08/09/2023
Chia sẻ
Highlands Coffee, Phúc Long, The Coffee House,... từng đua nhau mở kiosk bán đồ uống mang đi trong dịch COVID-19, tuy nhiên đến nay mô hình này không còn duy trì được sức nóng.

Thời gian gần đây, trên nhiều tuyến phố ở TP Hà Nội xuất hiện hàng loạt kiosk cà phê vỉa hè, đa phần là những chiếc xe đẩy, được người bán hàng bán theo mô hình “take away” (bán mang đi).

Menu của những kiosk này tương đối đơn giản, với những loại cà phê phổ biến như cà phê đen, cà phê nâu,... Giá bán thường rẻ hơn rất nhiều so với các cửa hàng. Thậm chí, có những nơi bán loại cà phê muối có giá chỉ 15.000 đồng/ly, thu hút hàng dài người xếp hàng chờ mua.

 Một mô hình bán mang đi tại Hà Nội. (Ảnh: Thiên Trường).

Trên các trang mạng xã hội như Facebook, TikTok, Instagram,… những bài đăng hướng dẫn khởi nghiệp hoặc chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp về kiosk cà phê bán mang đi xuất hiện với mật độ ngày càng dày. Đơn cử, một hội nhóm trên Facebook có tên “Hội Kinh doanh cà phê mang đi (Take Away Coffee)” có số lượng thành viên lên tới gần 20.000 người, mỗi ngày có hàng chục bài đăng chia sẻ về mô hình này.

Thực tế, kiosk bán cà phê mang đi không phải một mô hình mới trong lĩnh vực F&B. Trước đây vài năm, đặc biệt là trong giai đoạn đại dịch COVID-19, đã có hàng loạt ông lớn trong ngành "tham chiến".

Chẳng hạn, giữa năm 2020, Highlands Coffee từng khiến người tiêu dùng thích thú khi đặt các xe đẩy bán cà phê đi trước các quán của chính hệ thống này hay trên vỉa hè một số tuyến phố đông đúc,... với mục tiêu là bán nhanh cho khách mang đi với menu đơn giản. 

Tới đầu năm 2021, một chuỗi đồ uống khác là Phúc Long đã khai trương mô hình theo dạng kiosk bên trong siêu thị WinMart/WinMart+. Tháng 10 cùng năm, tới lượt The Coffee House chính thức giới thiệu cửa hàng kinh doanh mới mang tên The Coffee House Now (TCH Now).

Hay như Trung Nguyên E-Coffee đã giới thiệu về kiosk tại TP HCM, bán ưu đãi đồng giá các loại cà phê 10.000 đồng/ly. Ngoài ra, kinh doanh kiosk còn được nhiều chuỗi đồ uống có quy mô lớn áp dụng, như Ông Bầu, Milano Coffee, Passio,…

Tuy nhiên đến nay, đa số các chuỗi đồ uống đã không còn duy trì được sức nóng của mô hình kinh doanh này.

Có thể lấy ví dụ từ kiosk Phúc Long của Masan. Trong nửa đầu năm 2023, doanh thu Phúc Long đạt khoảng 782 tỷ đồng, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các cửa hàng flagship (bên ngoài chuỗi siêu thị WinMart/WinMart+) tăng 3,9% doanh thu so với cùng kỳ đạt 581 tỷ đồng.

Như vậy có thể thấy “gánh nặng” kéo doanh thu của Phúc Long giảm đến từ các kiosk tích hợp với chuỗi WinMart/WinMart+. Trước đó, vào quý III/2022, Masan thừa nhận các cửa hàng hàng flagship vẫn là động lực thúc đẩy tăng trưởng chính, trong khi mô hình kiosk phải đóng bớt một số điểm bán hoạt động kém hiệu quả nhằm tiết kiệm chi phí và cần tối ưu hoá thêm.

Việc đóng cửa các kiosk đã khiến Phúc Long tốn 42 tỷ đồng chi phí trong quý cuối năm 2022. 

Nhiều kiosk của Phúc Long hoạt động không hiệu quả. (Ảnh: Thiên Trường).

Theo iPos, ưu điểm của mô hình kinh doanh cà phê mang đi là chi phí đầu tư thấp, thường dao động trong khoảng 30 – 50 triệu đồng. Trong trường hợp có nguồn vốn lớn hơn từ 90 – 100 triệu đồng, chủ kinh doanh có thể mở kiosk theo hình thức nhượng quyền từ các thương hiệu như Milano Coffee, Viva Star Coffee,…

Mô hình này được giới trẻ khởi nghiệp ưa chuộng bởi tính tinh gọn và tiết kiệm chi phí vận hành, thường chỉ cần một xe đẩy hoặc một xe bán hàng lưu động, với đội ngũ nhân viên chỉ từ một tới hai người là có thể bán hàng.

Tuy nhiên, theo Napoli Coffee, ngoài những ưu điểm trên, đối với các chuỗi lớn thì mô hình kinh doanh kiosk bán cà phê mang đi cũng tồn tại một số mặt hạn chế như không thể phục vụ được hết nhu cầu của khách hàng (menu không đa dạng), hạn chế trong việc trang trí quá, không đa dạng nhóm khách hàng (thường tập trung vào nhóm khách bận rộn như văn phòng, công sở,…).

Một yếu tố khác khiến mô hình kinh doanh cà phê mang đi của các chuỗi gặp khó đó là thói quen của người tiêu dùng thay đổi. Hồi tháng 2 năm nay, trao đổi với tờ Tri thức trực tuyến, ông Trần Nhật Quang, Founder Là Việt Coffee cho hay trước đây, việc đi cà phê đa phần đi kèm với mục đích khác. Cà phê thường chỉ là lý do để mọi người gặp gỡ, bàn công việc, gặp đối tác, hẹn bạn bè, tụ tập gia đình…

Nhưng thời gian gần đây, cùng với sự phát triển của specialty coffee, mô hình chú trọng vào việc nâng cao chất lượng, thì mục đích đi cà phê của mọi người đã tập trung hơn vào ly cà phê, quan tâm nhiều hơn đến chất lượng dịch vụ và sản phẩm.

“Đi kèm với đó, mọi người cũng sẽ chọn những không gian không chỉ để hội họp, gặp đối tác, làm việc, mà còn muốn gia tăng trải nghiệm thưởng thức cà phê. Đây là xu hướng chung của thế giới”, ông Quang nói.

Như vậy, trào lưu kiosk bán cà phê mang đi đang nở rộ gần đây có thể là mô hình kinh doanh tiềm năng, vừa sức với những người có nguồn vốn hạn chế, nhưng sẽ rất khó để có thể trở thành động lực tăng trưởng đối với các thương hiệu lớn.

Anh Nguyễn