|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Kỳ lân WeWork chính thức nộp đơn xin phá sản

11:21 | 07/11/2023
Chia sẻ
Sự sụp đổ của WeWork là một đòn giáng mạnh vào những chủ nhà đã cho công ty thuê bất động sản của họ. Nhiều chủ nhà đã chấp nhận mức giá thuê rẻ hơn từ WeWork trong những năm gần đây và một số đang gặp khó khăn trong việc thanh toán khoản nợ gắn liền với các tòa nhà của họ.

Công ty khởi nghiệp WeWork đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ vào hôm 6/11, theo New York Times. WeWork đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 tại bang New Jersey. Đây là một phần của kế hoạch tái tổ chức toàn diện hoạt động kinh doanh.

Công ty cho biết các chủ nợ nắm giữ 92% nợ có bảo đảm đã đồng ý về kế hoạch tái cơ cấu bao gồm việc giảm danh mục cho thuê văn phòng.

Vào tháng 9, WeWork cho biết họ sẽ bắt đầu đàm phán lại tất cả các hợp đồng thuê và rút khỏi một số địa điểm. Trên website, WeWork liệt kê 660 địa điểm ở 37 quốc gia, giảm so với 764 địa điểm ở 38 quốc gia mà công ty sở hữu khoảng hai năm trước đó.

Công ty đã thuê gần 20 triệu feet vuông (gần 2 triệu m2) diện tích văn phòng vào tháng 6, nhiều hơn bất kỳ công ty nào khác ở Mỹ. WeWork cũng trấn an rằng động thái nộp đơn bảo hộ phá sản sẽ không ảnh hưởng đến nhượng quyền thương mại WeWork bên ngoài Mỹ và Canada.

Sự sụp đổ của WeWork là một đòn giáng mạnh vào những chủ nhà đã cho công ty thuê bất động sản của họ. Nhiều chủ nhà đã chấp nhận mức giá thuê thấp hơn từ WeWork trong những năm gần đây và một số đang gặp khó khăn trong việc thanh toán khoản nợ gắn liền với các tòa nhà của họ.

Kể từ đại dịch, ít nhân viên đến văn phòng hơn, gây ra một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lĩnh vực bất động sản thương mại trong nhiều thập kỷ.

 WeWork chính thức phá sản. (Ảnh: Wall Street Journal).

Trước khi đi đến kết cục này, WeWork đã gửi tín hiệu cấp cứu trong nhiều tháng. Vào tháng 3, họ đã đạt được thỏa thuận với tập đoàn công nghệ Nhật Bản SoftBank và các nhà đầu tư khác để giảm đáng kể nợ, đảm bảo nguồn tài chính mới.

Tuy nhiên, vào tháng 8, WeWork bày tỏ lo ngại về khả năng duy trì hoạt động kinh doanh của mình. Vào tháng trước, WeWork cho biết họ sẽ không thể thanh toán lãi suất với tổng trị giá 95 triệu USD – một động thái nhằm giúp họ đàm phán với những người cho vay khi công ty tìm cách cắt giảm chi phí với chủ nhà.

Sau thời gian gia hạn 30 ngày, công ty đã đạt được thỏa thuận với các chủ nợ về thời hạn hoãn trả nợ trong 7 ngày, thời hạn này sẽ hết hạn vào ngày 7/11. Cổ phiếu của WeWork đã giảm hơn 98% kể từ đầu năm và công ty được định giá dưới 45 triệu USD tính đến cuối tuần trước. 

Ở thời kỳ đỉnh cao - năm 2019, công ty trị giá khoảng 47 tỷ USD. Những thách thức tài chính đã dẫn tới sự sụp đổ của một công ty khởi nghiệp từng quảng bá sứ mệnh “nâng cao nhận thức của thế giới”.

WeWork được thành lập vào năm 2010 bởi Adam Neumann và Miguel McKelvey. Startup này mở địa điểm đầu tiên ở Lower Manhattan vào năm 2011. WeWork tập trung vào việc cho thuê, thay vì mua, không gian văn phòng và phân phối những địa điểm này cho các khách hàng như người làm việc tự do, doanh nghiệp nhỏ và các tập đoàn lớn.

Công ty đã mở rộng với tốc độ chóng mặt trong suốt những năm 2010, mở các địa điểm ở San Francisco, Los Angeles, Seattle, Tel Aviv và London. Dưới sự hậu thuẫn của SoftBank, nguồn tài chính của WeWork được đảm bảo. Trong khi đó, khẩu vị của SoftBank cũng khá hào phóng khi mạnh tay rót tiền để startup nhanh chóng phát triển và thống trị ngành.

SoftBank đã đầu tư hơn 10 tỷ USD vào WeWork. Vào tháng 8/2019, WeWork đã tìm cách IPO. Đây là công ty cho thuê tư nhân lớn nhất ở Manhattan và là một trong những công ty khởi nghiệp có giá trị nhất vào thời điểm các nhà đầu tư ở Thung lũng Silicon hào phóng rót tiền.

Nhưng, khi Phố Wall biết thêm về các vấn đề quản trị tại công ty và những khoản lỗ khổng lồ của WeWork, đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng của công ty đã bị hoãn lại. Nhà sáng lập Adam Neumann từ chức giám đốc điều hành ngay sau sự kiện này.

Với việc không thể IPO, công ty cạn tiền và cần một gói cứu trợ. Vào tháng 10/2019, SoftBank đã cung cấp nguồn hỗ trợ giúp định giá công ty ở mức 7 tỷ USD.

Sandeep Mathrani lên nắm quyền điều hành WeWork vào tháng 2/2020. Sau đó, đại dịch ập đến, khiến nhiều người phải làm việc tại nhà và gây thêm rắc rối cho WeWork. Dưới thời ông Mathrani, WeWork ra mắt công chúng vào tháng 10/2021 thông qua việc sáp nhập SPAC.

Từ đây, WeWork bắt đầu đóng cửa nhiều địa điểm cho thuê và đàm phán lại với chủ nhà. Ông Mathrani đã giám sát việc tái cơ cấu nhằm cắt giảm nợ của công ty. Vào tháng 5, ngay sau khi tái cơ cấu, Mathrani rời công ty. Tháng trước, WeWork đã công bố giám đốc điều hành mới, David Tolley.

Thùy Trang