CEO Go-Jek: Cú sốc WeWork là thuốc đắng dã tật cho tất cả startup
Với người đồng CEO của startup "siêu ứng dụng" Go-Jek, cú sốc xung quanh WeWork và kế hoạch IPO thất bại của nó hồi cuối năm ngoái sẽ khiến nhiều startup phải thay đổi chiến lược. Song thực tế đây lại là một điều tích cực với cộng đồng startup khi nó khiến cuộc chơi trở nên công bằng hơn.
"Nếu bạn hỏi tôi về tác động của sự việc trên góc nhìn toàn thị trường… Tôi cho rằng nó thiên về hướng tích cực", ông Andre Soelistyo, chia sẻ tại hội thảo Nikkei Forum "Innovative Asia".
"Nó tạo ra sân chơi sòng phẳng cho tất cả. Giờ mọi thứ đều xoay quanh việc bất kì ai có sản phẩm tốt hơn hoặc cơ cấu tổ chức tốt hơn sẽ giành được lợi thế", người đồng CEO Go-Jek nhận định.
Tăng trưởng kinh tế nhanh và tốc độ số hoá ấn tượng đang khiến nhiều nhà đầu tư dồn sự tập trung cho Châu Á. Xu hướng này từng khiến định giá của các startup trong khu vực tăng lên nhanh chóng.
Thế nhưng, 2019 lại được xem là một năm bước ngoặt khi nhiều thương vụ IPO không đạt kì vọng của các startup Mỹ hay sự "sụp đổ" định giá của We Co, công ty mẹ của WeWork, đã tạo ra hiệu ứng lan truyền.
Để duy trì được sức hấp dẫn với các nhà đầu tư, các công ty công nghệ vốn theo đuổi chiến lược "đốt tiền" để tăng trưởng bằng mọi giá bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến lợi nhuận và sự phát triển bền vững.
"Khi những khoản đầu tư dồi dào biến mất, tất cả đều nghiêm túc và kỉ luật hơn khi xem xét các yếu tố cơ bản và hiểu rõ thị trường. Nhiều yếu tố gây nhiễu bị loại bỏ. Một công ty tốt với khả năng thực thi và chiến lược tốt sẽ có tương lai tốt hơn. Đó là lí do vì sao tôi nói đây là điểm tích cực", ông Soelistyo khẳng định.
Khả năng sinh lời và phát triển bền vững hiện tại cũng là yếu tố ưu tiên hàng đầu ở Go-Jek, song người đồng CEO hãng này khẳng định "ở quy mô tầm như chúng tôi, việc phát triển theo phương hướng này là hoàn toàn tự nhiên" bất chấp nó có phải là xu hướng chung trên toàn cầu hay không.
"Ở giai đoạn đầu, chúng tôi đầu tư cho tăng trưởng vì cần tạo ra quy mô thị trường có cung, có cầu", ông nói. "Nhưng hiện tại, dịch vụ của Go-Jek đã len lỏi vào cuộc sống hàng ngày của người Indonesia, những gì bạn chưa kiếm được tiền thì bắt đầu sinh lời," ông Soelistyo chia sẻ và nói thêm rằng đó là lí do vì sao Go-Jek đang hướng tới lợi nhuận một cách tự nhiên.
Ône Soelistyo trở thành đồng CEO của Go-Jek vào tháng 10 sau khi người sáng lập Nadiem Makarim rời công ty để gia nhập chính phủ Indonesia trong vai trò bộ trưởng bộ giáo dục.
Go-Jek mới đây thực hiện đóng cửa nhiều dịch vụ đời sống của mình.
Đóng cửa các dịch vụ "sẽ tiếp tục là xu hướng, nó có nghĩa là nếu sản phẩm và dịch vụ của chúng tôi không thể phát triển quy mô hoặc không đạt kì vọng người dùng, chúng tôi sẽ xoá sổ nó và rút kinh nghiệm phát triển sản phẩm tốt hơn", ông Soelistyo tiết lộ.
"Thay vì vận hành quá nhiều dịch vụ khác nhau, chúng tôi tập trung vào những thứ mình thực sự xuất sắc. Bằng cách này, người dùng sẽ cảm thấy mình được nền tảng tôn trọng", ông nhấn mạnh thêm.