Gojek hợp nhất các thương hiệu, tương lai GoViet ra sao?
Sự phân mảnh của Gojek tại 4 thị trường
Hồi tháng 8/2018, khoảng nửa năm sau khi Grab thâu tóm Uber tại thị trường Đông Nam Á, Việt Nam chào đón một ứng dụng gọi xe mới mang cái tên khá "thuần Việt" là Go-Viet với mục tiêu cạnh tranh với Grab gần như đang thống trị thị trường ở thời điểm đó.
Vậy nhưng GoViet cũng chưa thể thay đổi tình hình. Theo một báo cáo của ABI Research, đến hết năm 2019, thị phần Go-Viet tại Việt Nam còn xếp sau cả Be, ứng dụng ra mắt sau họ 4 tháng.
Gojek lần đầu xuất hiện tại Indonesia vào năm 2015, sau Grab. Nhưng với lợi thế là ứng dụng bản địa của thị trường đông dân nhất Đông Nam Á, Gojek cạnh tranh sòng phẳng và họ đang là đối thủ lớn nhất của Grab.
Khoản đầu tư 3 tỉ USD của Facebook, Paypal và Tencent vào Gojek đầu năm nay càng khiến cuộc chiến giữa hai hãng gọi xe công nghệ lớn nhất Đông Nam Á trở nên khốc liệt, bất chấp việc mạng xã hội từng lan truyền tin đồn Gojek và Grab có thể sáp nhập.
Tháng 8/2018, khi phần lớn thị trường gọi xe công nghệ Việt nói riêng và các thị trường ngoài Indonesia ở châu Á đang nằm trong tay Grab, việc Gojek gia nhập thị trường Việt Nam cũng là lần đầu tiên "kì lân" Indonesia đặt chân ra nước ngoài.
Nhà sáng lập Gojek là ông Nadiem Makarim (hiện giữ chức vụ Bộ trưởng Giáo dục Indonesia), không muốn "xuất khẩu" thương hiệu. Thay vào đó ông muốn các công ty con tự "gây dựng tên tuổi".
Vì thế, tại 4 quốc gia, Gojek lại xuất hiện với 3 thương hiệu và 3 bộ ứng dụng khác nhau (Get tại Thái Lan, GoViet tại Việt Nam và Gojek tại Singapore, Indonesia). Khi di chuyển qua mỗi quốc gia Đông Nam Á, người dùng muốn sử dụng dịch vụ gọi xe của Go-jek phải tải ứng dụng mới, khá bất tiện.
Những nỗ lực thay đổi
Trong thông cáo mới đây của Gojek, kì lân Indonesia tiết lộ kế hoạch "thống nhất' các thương hiệu công ty con về một mối với cái tên Gojek từ giữa năm 2019. Và khá trùng hợp là chỉ vài tháng sau, Nadiem Makarim từ chức để chuyển sang làm chính trị.
Các thương hiêu con của Gojek là GoViet và Get đã có chỗ đứng tại các thị trường ngoài Indonesia. Tuy nhiên, tạo dựng và "nuôi dưỡng" một thương hiệu mới không phải là chuyện đơn giản, từ khâu truyền thông, làm thương hiệu, quảng bá sản phẩm tới đối tác và khách hàng.
Ví dụ như tại Việt Nam, khi mà Grab chọn màu xanh lá là màu thương hiệu và đang thống trị thị trường, GoViet buộc phải chọn màu đỏ (vì màu áo chủ đạo của Gojek cũng là xanh lá) để phân biệt với Grab. Lựa chọn ấy khiến quá trình hợp nhất trở nên phức tạp hơn rất nhiều.
Ngay từ đầu, Grab đã chọn chiến lược thống nhất tên thương hiệu khi "xuất khẩu" ứng dụng sang các thị trường ngoài Singapore. Chiến lược ấy cực kì thuận lợi và hữu ích với những người thường xuyên làm việc ở các nước khác nhau trong khu vực. Gojek có lẽ đã nhìn thấy điều đó và càng quyết tâm hợp nhất.
Khi Facebook và các "ông lớn" công nghệ khác đầu tư vào Gojek, nhiều người tỏ ra bất ngờ, song Gojek đã có kế hoạch cải tổ và tái cơ cấu từ năm ngoái. Rất có thể Facebook đã nắm được kế hoạch và khoản đầu tư sẽ giúp Gojek cạnh tranh đến cùng với Grab.
Tương lai GoViet
Chắc chắn thương hiệu GoViet sẽ biến mất trong thời gian gần. Một số tin nhắn của GoViet tới các đối tác rò rỉ ra cho thấy hãng sẽ không thu chiết khấu của tài xế từ giờ tới khi sáp nhập thương hiệu. Đây có thể là một cách để giữ chân tài xế, tránh những hiệu ứng không cần thiết từ phía những người trực tiếp cung cấp dịch vụ cho khách.
GoViet thông báo các tài xế sẽ không cần thực hiện thêm bất kì một thao tác nào. Mọi thông tin lưu trữ về tài xế (địa chỉ mail, tên tuổi, số điện thoại) sẽ tự động chuyển sang ứng dụng mới.
Một trở ngại với các tài xế chính là đồng phục. Tài xế buộc phải sử dụng đồng phục mới khi hoạt động hợp nhất diễn ra. Hiện tại Gojek có kế hoạch thu lại đồng phục cũ (màu đỏ) của tài xế GoViet, đồng thời hỗ trợ tài xế mua đồng phục mới (màu xanh lá) của Gojek.
Đa số hãng gọi xe công nghệ mới đều yêu cầu tài xế mua đồng phục của hãng. Sau thời gian đầu miễn phí đồng phục, Grab đã thu phí đồng phục từ tháng 9/2016.
Ngoài ra, đối tác có thể tải ứng dụng Gojek cho tài xế trên CH Play từ ngày 20/7. Ứng dụng sẽ bản địa hóa để phù hợp với thị trường Việt Nam. Ứng dụng cho khách hàng cũng sẽ có vài thay đổi so với phiên bản Gojek tại Indonesia.
Không ai biết Gojek sẽ dành bao nhiêu tiền trong số 3 tỉ USD của các nhà đầu tư cho thị trường Việt Nam. Dù cực kì chắc chân ở thị trường Việt Nam, Grab vẫn sẵn sàng bỏ đến 500 triệu USD năm 2019 để phát triển các giải pháp công nghệ tài chính, công nghệ di động mới và logistics tại Việt Nam.
Gojek đã bổ nhiệm ông Phùng Tuấn Đức làm Tổng giám đốc Gojek Việt Nam, đồng thời tạm dừng thu chiết khấu của tài xế trong giai đoạn chuyển giao.
Trước đây, GoViet chưa từng cung cấp dịch vụ gọi xe 4 bánh và cũng chưa hỗ trợ thanh toán phi tiền mặt. Lần tái cơ cấu này sẽ là dịp để Gojek thay đổi toàn bộ chiến lược, và tạo ra một sân chơi cạnh tranh hơn, trong bối cảnh thị trường Việt vừa chào đón một hãng gọi xe công nghệ mới là GV Asia.