|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Đại dịch Covid-19 bóp nghẹt tài xế Grab và Gojek ở Đông Nam Á

09:16 | 12/06/2020
Chia sẻ
Các “gã khổng lồ” gọi xe công nghệ ở Đông Nam Á đã rơi vào cảnh khốn đốn trong mùa dịch. Các tài xế có khi cả ngày không nhận được cuốc nào, trong khi nguy cơ vẫn còn phía trước.

Aji đốt thuốc không ngừng. Vào một buổi sáng tháng 6 nóng bức, anh liên tục kiểm tra smartphone xem có cuốc xe nào đặt không trong lúc đỗ xe bên lề đường ở trung tâm thủ đô Jakarta của Indonesia.

Nhưng Aji cũng tin rằng anh sẽ chẳng bắt được cuốc xe nào suốt cả ngày hôm đó.

Từ 20 khách đặt giảm xuống còn 1,2

Trước khi dịch bệnh bùng phát, ông bố 35 tuổi có 4 người con này chở ít nhất 20 khách một ngày, thu nhập dao động từ 13 tới 20 USD. Anh Aji làm tài xế xe ôm cho ứng dụng gọi xe công nghệ Gojek, công ty “kỳ lân” đầu tiên của Indonesia.

Nhưng khi các dịch vụ vận chuyển phải ngừng hoạt động dưới lệnh phong tỏa ở Jakarta, Aji cảm thấy vui mừng chỉ với 2 cuốc xe đặt đồ ăn mỗi ngày, với số tiền nhận được mỗi lần là 0,7 USD. Thậm chí có những ngày, anh chẳng kiếm được đồng nào.

Dù lệnh phong tỏa đã được nới lỏng trong tuần này, Aji vẫn phải chật vật kiếm tiền nuôi gia đình.

“Tài xế thì nhiều nhưng đơn thì ít”, anh nói và chỉ tiết lộ tên của mình, theo Reuters.

Đại dịch Covid-19 bóp nghẹt tài xế Grab và Gojek ở Đông Nam Á - Ảnh 1.

Loro Aji Sayekti, tài xế xe máy của Gojek, nói chuyện với một tài xế Grab trong lúc ngồi chờ khách đặt bên vệ đường. Ảnh: Reuters.

11 tài xế Gojek và Grab ở Indonesia, Việt Nam và Thái Lan nói với Reuters rằng họ cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Thu nhập của họ bị giảm hơn một nửa khi đại dịch bùng phát ở Đông Nam Á.

Điều đáng thất vọng nữa là khi các tài xế và công ty công nghệ gọi xe trông chờ vào sự lên ngôi của dịch vụ giao đồ ăn, họ vẫn không thể bù đắp được những tổn thất mà đại dịch gây ra.

Tại Việt Nam, nơi được xem là chống dịch thành công, các tài xế vẫn điêu đứng.

“Đại dịch gây tổn thất cho tôi và nhiều đồng nghiệp của tôi. Chúng tôi phải vay tiền để mua xe”, Tung, tài xế Grab ôtô ở Hà Nội, nói. Anh lo sợ những người cho vay có thể thu hồi xe của anh.

Các công đoàn đại diện cho Gojek và Grab nói rằng hàng nghìn tài xế đang chịu chung cảnh ngộ, nhất là ở Indonesia.

Có nguy cơ phải “ngủ đông dài”

Tình cảnh của các tài xế đe dọa đến lời hứa cốt lõi của cả hai startup kỳ lân ở Đông Nam Á rằng “họ có thể cải thiện cuộc sống của hàng chục triệu người ở khắp Đông Nam Á”. Trong khi đó, các chính phủ tại Đông Nam Á đã cảnh báo hàng triệu người có thể thất nghiệp vì đại dịch.

Hai công ty nói với Reuters rằng họ đang hỗ trợ các tài xế bằng các biện pháp khác nhau: từ thực phẩm đến các khoản vay ngân hàng lãi suất thấp hay giảm giá thuê xe. Song đại dịch cũng khiến họ cắt giảm các khoản trợ cấp của các tài xế.

Nhiều người đang nghi ngờ về tính khả thi của mô hình xe chia sẻ toàn cầu, như việc liệu các nhà đầu tư có tiếp tục bơm khoản tiền lớn vào các công ty startup trong lĩnh vực này hay không.

Thậm chí từ trước đại dịch Covid-19, các ứng dụng tương tự ở Mỹ như Uber và Lyft cũng như các công ty gọi xe công nghệ khác trên thế giới đã phải chịu thua lỗ.

Đại dịch Covid-19 bóp nghẹt tài xế Grab và Gojek ở Đông Nam Á - Ảnh 2.

Các tài xế Gojek tranh thủ sạc điện thoại trong lúc chờ khách tại một trạm sạc của Gojek ở Jakarta, Indonesia, hôm 9/6. Ảnh: Reuters.

Đồng sáng lập Grab, Tan Hooi Ling, đã cảnh báo rằng công ty có nguy cơ phải “ngủ đông dài”.

Cả Grab và Gojek đều còn nhiều tiền mặt. Một nguồn thạo tin tiết lộ Grab có 3 tỷ USD dự trữ. Các nguồn thạo tin tài chính của Gojek cho biết công ty này đã hoàn tất vòng gọi vốn hơn 3 tỷ USD với mức định giá là 10 tỷ USD. Các ông lớn Facebook, Paypal, Google và Tencent đều nằm trong số các nhà đầu tư cho Gojek.

Các công ty hiện vẫn tránh được việc sa thải nhiều nhân viên. Grab đang cho nhân viên tự nguyện nghỉ không lương, còn Gojek đang xem lại các dịch vụ của mình. Tại Mỹ, Uber cho biết họ sẽ cắt giảm 23% lực lượng lao động.

Dịch bệnh làm dấy lên đồn đoán của các nhà đầu tư về việc sáp nhập hai công ty. Các nguồn thạo tin cho biết các cuộc thảo luận đã diễn ra vào đầu năm 2020 nhưng chưa đi đến chính thức. Trái lại, Gojek bác bỏ mọi thông tin về việc sáp nhập.

50 tài xế mới có một đơn hàng

Grab và Gojek từ lâu đã tin tưởng rằng lĩnh vực giao đồ ăn nhanh sẽ là một cơ hội lớn. Nhưng thực tế không được như họ mong đợi, và cơ hội tăng trưởng còn mong manh hơn trong thời gian phong tỏa.

CEO một chuỗi nhà hàng ở Jakarta nói rằng loại hình giao đồ ăn đã không khả thi ở nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á do mọi người nấu ăn ở nhà nhiều hơn và vì phần lớn đơn đặt hàng thưởng xuất phát từ các nhân viên văn phòng, những người vẫn đang phải ở trong nhà.

Aji mô tả việc giao đồ ăn ở Indonesia như “một cuộc chiến” và có lúc “50 tài xế mới có một đơn hàng”. Các tài xế Grab ở Việt Nam cũng chia sẻ tình trạng tương tự. Ở Thái Lan, nơi số đơn hàng cho cả Grab và Gojek đều tăng, lợi nhuận vẫn là điều xa xỉ.

Đại dịch Covid-19 bóp nghẹt tài xế Grab và Gojek ở Đông Nam Á - Ảnh 3.

Một tài xế xe máy ngồi xổm ở vệ đường trong lúc chờ khách ở Jakarta, Indonesia, hôm 10/6. Ảnh: Reuters.

Theo cuộc phỏng vấn vào tháng 4 với Giám đốc Grab tại Thái Lan, Tarin Thaniyavarn, dịch vụ giao đồ ăn nhanh tăng trưởng mạnh nhưng vẫn bị thua lỗ trong mùa dịch vì chi phí tăng cao và cạnh tranh gay gắt.

Ông Tarin cho biết Grab Thái Lan lỗ hơn 22 triệu USD trong năm 2018, trong khi doanh thu lỗ gần gấp đôi trong năm 2019 nhưng hoạt động kinh doanh của hãng vẫn tăng trưởng mạnh.

“Hãy tưởng tượng, năm ngoái, doanh thu lỗ và tăng trưởng mạnh chỉ trong một thời gian ngắn, trong khi giờ đây kinh doanh gần như không mang lại lợi nhuận cho chúng tôi”, ông Tarin nói.

Hạnh Vũ

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.