Các ứng dụng gọi xe, giao đồ ăn tại Đông Nam Á bắt đầu nhắm tới lĩnh vực du lịch
Các công ty gọi xe và giao đồ ăn ở Đông Nam Á đang hợp lực với hy vọng nắm bắt được nhu cầu du lịch ngày càng tăng sau đại dịch COVID-19, theo dữ liệu từ Asia Nikkei.
Trong một động thái gây bất ngờ, công ty giao đồ ăn Foodpanda vừa qua đã ký kết hợp tác chiến lược với Tada, một dịch vụ gọi xe, khi họ bắt đầu tiếp thị tại Singapore và Campuchia, nơi tổ chức Đại hội thể thao Đông Nam Á (Sea Games) năm nay vào tháng 5.
Nhà điều hành siêu ứng dụng có trụ sở tại Singapore, Grab cũng đã hợp tác với một số dịch vụ lớn nhất châu Á để du khách đến Đông Nam Á có thể đặt chuyến đi trên các ứng dụng địa phương của họ, chẳng hạn như WeChat và AliPay cho khách du lịch Trung Quốc và ứng dụng gọi xe Kakao T cho người Hàn Quốc.
Những quan hệ đối tác này làm nổi bật nỗ lực của các công ty công nghệ nhằm mở rộng thị phần của họ trong một khu vực có tính cạnh tranh cao, nơi ngành du lịch tạo ra khoảng 12% tổng sản phẩm quốc nội trước đại dịch.
Sean Kim, CEO Tada Mobility nói với Nikkei Asia: “Chúng tôi hiện đang thấy nhiều khách du lịch sử dụng ứng dụng của chúng tôi hơn và sự thay đổi về nhân khẩu học là điều mà chúng tôi hy vọng sẽ mở rộng trong nền kinh tế hậu đại dịch COVID-19”.
Foodpanda và Tada đang bắt đầu nỗ lực tiếp thị chung bằng cách cung cấp các chương trình khuyến mãi chéo, giảm giá cho người dùng. Giám đốc điều hành Foodpanda Jakob Angele nói rằng cả hai nền tảng đang tìm cách cung cấp các dịch vụ "tích hợp" và "hợp tác" hơn trên ứng dụng của họ.
Là công ty con của Delivery Hero, Foodpanda là một trong những công ty tham gia sớm nhất trong khu vực, đã hoạt động tại 11 thị trường, bao gồm Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines và Campuchia. Ngược lại, Tada mới chỉ hoạt động ở Singapore, Campuchia và Việt Nam.
Ngoài Singapore, sân nhà của họ, cả hai đang tìm cách mở rộng ở Campuchia, nơi sắp diễn ra Sea Games 32. Ước tính có tới 500.000 du khách nước ngoài dự kiến sẽ hội tụ tại Phnom Penh để theo dõi kỳ đại hội năm nay.
Tuy nhiên, Foodpanda và Tada cho biết, mối quan hệ hợp tác của họ sẽ là "lâu dài". Angele nói rằng Foodpanda sẽ "tập trung vào thực phẩm [giao hàng] và chúng tôi thực sự coi đó là một lợi thế cạnh tranh rất mạnh”.
Trong khi đó, Grab là công ty dẫn đầu trong lĩnh vực giao đồ ăn ở Đông Nam Á, chiếm 54% tổng giá trị thị trường của khu vực vào năm 2022, tiếp theo là 19% của Foodpanda và 12% của Gojek, theo Momentum Works, một công ty tư vấn có trụ sở tại Singapore.
Với hoạt động tại 500 thành phố trên 8 quốc gia Đông Nam Á, Grab cũng là công ty gọi xe thống trị trong khu vực, bao gồm cả ở quê nhà Singapore. Grab mới đây đã công bố một loạt tính năng mới cho khách du lịch, bao gồm các lựa chọn ngôn ngữ tiếng Trung, tiếng Hàn và tiếng Nhật. Cuối năm nay, ứng dụng Grab sẽ tự động hiển thị giá vé bằng loại tiền tệ ưa thích của người dùng để giúp khách du lịch nước ngoài không phải tự tính tiền.
“Chúng tôi muốn đảm bảo rằng Grab sẽ đi đầu trong sự hồi sinh của ngành du lịch tại Đông Nam Á và chúng tôi đang nỗ lực để phục vụ những khách du lịch quốc tế tới khu vực này”, Russell Cohen, Giám đốc vận hành Grab chia sẻ.
Khách du lịch dự kiến tới Đông Nam Á nhiều hơn trong năm nay. Chẳng hạn, Singapore dự kiến đón lượng khách du lịch tăng lên từ 12 triệu đến 14 triệu lượt vào năm 2023, tăng hơn gấp đôi so với 6,3 triệu lượt vào năm 2022.
Các quốc gia khác như Indonesia và Thái Lan cũng đang chứng kiến sự trở lại mạnh mẽ của khách du lịch nước ngoài khi các hạn chế liên quan đến đại dịch COVID-19 được dỡ bỏ, đặc biệt là khi khách Trung Quốc đã có thể đi du lịch nước ngoài.