|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Go-Jek nuôi mộng trở thành cầu nối giữa doanh nghiệp vừa và nhỏ với các tập đoàn công nghệ lớn

14:34 | 11/06/2020
Chia sẻ
Khi các doanh nghiệp Indonesia rục rịch chuyển đổi lên nền tảng trực tuyến, Go-Jek nhìn thấy cơ hội lớn trong vai trò người kết nối.

Go-Jek, startup gọi xe lớn nhất Indonesia, muốn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ vượt qua những khó khăn do bệnh dịch gây ra bằng cách chuyển dịch lên nền tảng trực tuyến. Một nhân sự cấp cao của Go-Jek nói với CNBC rằng công ty muốn xoá khoảng cách giữa các doanh nghiệp nhỏ và các công ty công nghệ toàn cầu

Từ điểm xuất phát ban đầu là ứng dụng gọi xe vào năm 2010 ở Indonesia, Go-Jek đã mở rộng sang nhiều lĩnh vực dịch vụ khác bao gồm giao đồ ăn, thanh toán điện tử và logistics. Go-Jek đang hoạt động ở 207 thành phố tại 5 quốc gia Đông Nam Á.

Tham vọng là cầu nối giữa doanh nghiệp vừa và nhỏ với các hãng công nghệ lớn của Go-Jek - Ảnh 1.

Ở thời điểm hiện tại, Go-Jek đang là một trong những startup giá trị nhất của Đông Nam Á. Ảnh: CNBC

Tuần trước, Go-Jek thông báo họ đã gọi vốn thành công từ Facebook và PayPal. Với số vốn mới, Go-Jek đầu tư mạnh vào hạ tầng thanh toán và các dịch vụ tài chính ở Indonesia nói riêng và trong khu vực nói chung.

"Khi các công ty toàn cầu muốn tới Indonesia và khai thác tiềm năng thị trường, không phải khi nào họ cũng có các thương vụ lớn", ông Aldi Haryopratomo, người đứng đầu mảng thanh toán của Go-Jek, chia sẻ. Theo ông, thị trường Indonesia phần lớn cấu thành từ nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Các chuyên gia nói rằng để các công ty công nghệ có thể chiến thắng ở Đông Nam Á, hiểu sâu sắc tính chất địa phương là một yêu cầu bắt buộc. Đây cũng là lợi ích mà Go-Jek có thể mang lại cho Facebook.

Cuộc "đại di cư" của các doanh nghiệp lên trực tuyến

Trong đại dịch COVID-19, nhiều chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ đã chứng kiến nguồn doanh thu "bốc hơi" sau khi người dùng có xu hướng hoặc buộc phải ở nhà nhiều hơn.

Ông Haryopratomo giải thích rằng COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp ở Indonesia đang chuyển đổi từ hình thức kinh doanh truyền thống lên các nền tảng trực tuyến. Đây là xu hướng lẽ ra phải mất tới nhiều chục năm để có thể hình thành nếu như không có dịch bệnh tác động.

Go-Jek tiết lộ khoảng 100.000 doanh nghiệp vi mô, vừa và nhỏ trước đây chỉ bán hàng truyền thống đã chuyển đổi sang trực tuyến sử dụng nền tảng của Go-Jek trong 3 tháng vừa qua.

Trước khi dịch bùng phát, số lượng doanh  nghiệp sử dụng nền tảng của Go-Jek chỉ dừng lại ở con số 500.000 trong suốt 2 năm.

Không phải tất cả các doanh nghiệp khi chuyển sang kinh doanh trực tuyến đều có năng lực, công cụ hoặc có thể tiếp cận tới lượng người dùng rộng lớn trên Internet hoặc chấp nhận các phương thức thanh toán điện tử. 

Go-Jek muốn cung cấp các công cụ cho doanh  nghiệp thông qua chính nền tảng của mình hoặc qua hợp tác với các công ty công nghệ toàn cầu, theo ông Haryopratomo.

"Doanh nghiệp muốn tiếp cận Google, Facebook, PayPal và chúng tôi sẽ là cấu nối giữa tiểu thương và các công ty công nghệ lớn trên thế giới", ông Haryopratomo khẳng định.

Hiện tại, Go-Jek đang có định giá 10 tỉ USD và nhận vốn từ nhiều "ông lớn", bao gồm Google, Tencent và Temasek.

Thanh toán điện tử

Chuyển đổi từ ngoại tuyến sang trực tuyến mang đến cơ hội cho các dịch vụ thanh toán điện tử, CNBC bình luận.

Meng Lu, nhà phân tích của Forrester, nói rằng mảng thanh toán ở Đông Nam Á, đặc biệt là các thị trường lớn như Indonesia, chưa phát triển đầy đủ và có thể có giá trị hàng tỉ USD.

Liu giải thích rằng Go-Jek có thể tích hợp ví điện tử của Facebook vào nền tảng của họ, đồng nghĩa với việc Facebook sẽ thực hiện những bước tiến đầu tiên để mở rộng dịch vụ thanh toán và tài chính ở Indonesia và sau đó là cả khu vực Đông Nam Á.

GoPay, dịch vụ thanh toán điện tử của Go-Jek, hiện mới chỉ khả dụng ở Indonesia, Thái Lan và Philippines.

Ông Haryopratomo tiết lộ khoảng 50% giao dịch trên nền tảng của Go-Jek diễn ra với GoPay. Cùng thời điểm, hơn nửa triệu nhà bán lẻ địa phương cũng chấp nhận phương thức thanh toán GoPay tại cửa hàng của họ.

Vài năm gần đây, Go-Jek đã thâu tóm nhiều công ty fintech - bao gồm cổng thanh toán Midtrans và công ty phục vụ điểm bán Moka. Những thương vụ ấy sẽ giúp Go-Jek xây dựng hệ sinh thái xử lý thanh toán hướng tới nhóm chủ doanh nghiệp.

Khi được hỏi về kế hoạch ra mắt dịch vụ thanh toán ở các thị trường khác, ông Haryopratomo từ chối đưa ra bình luận. Ông cũng tránh nói về việc GoPay đã có lãi hay chưa.

Indonesia đang là nền kinh tế Internet lớn và phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, theo một báo cáo của Google, Temasek và Bain&Co. Dung lượng thị trường tại đây có thể đạt 130 tỉ USD vào năm 2025.

Thái Sơn