|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ phiếu hàng không hững hờ với triển vọng bay quốc tế

21:38 | 19/09/2020
Chia sẻ
Dịch bệnh đang được kiểm soát tốt, đã 17 ngày liên tiếp Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng. Chuyến bay thương mại quốc tế đầu tiên đã được nối lại theo sự đồng ý của Chính phủ nhưng nhà đầu tư vẫn tỏ ra chưa mấy hào hứng với cổ phiếu hàng không.
Cổ phiếu hàng không hững hờ với triển vọng bay quốc tế - Ảnh 1.

Tàu bay thân rộng Boeing 787 đầu tiên của Bamboo Airways. (Ảnh: Song Ngọc)

Ngày 3/9 vừa qua, các phương tiện truyền thông đồng loạt đưa tin về việc Cục Hàng không Việt Nam đề xuất mở lại đường bay thường lệ quốc tế từ ngày 15/9 với 6 đối tác đã kiểm soát tương đối tốt COVID-19 là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Lào và Campuchia.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 11/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý nối lại một số chuyến bay quốc tế theo quan điểm "thận trọng nhưng không quá khắt khe với những chuyến bay từ nước ngoài vào" và "mở cửa, lo làm ăn kinh doanh nhưng không được chủ quan".

Ngày 15/9 vừa qua, sau 13 ngày Việt Nam không phát hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã đồng ý nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế với một số đối tác theo đề xuất của Bộ Giao thông vận tải.

Cụ thể, từ ngày 15/9, các hãng hàng không Việt Nam được phép mở lại đường bay với Quảng Châu và Đài Loan (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc). Từ ngày 22/9, Việt Nam nối lại đường bay giữa với Phnom Penh (Campuchia) và Vientiane (Lào).

Tần suất không quá hai chuyến/tuần cho mỗi đối tác, trong tương lai có thể tăng thêm cho phù hợp với tình hình thực tế.

Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines đã công bố dự định khai thác 4 chuyến bay từ Việt Nam đến Tokyo (Nhật Bản) trong các ngày 18, 25 và 30/9. Thực tế, chuyến bay thương mại quốc tế đầu tiên của Việt Nam trong 6 tháng qua đã được Vietnam Airlines khai thác vào lúc 6h30 sáng 19/9 bằng tàu bay thân rộng Boeing 787-10 trên hành trình Hà Nội – Tokyo.

Các hãng hàng không Bamboo Airways và Vietjet đều có kế hoạch bay thương mại quốc tế từ ngày 29/9.

Việc mở lại đường bay quốc tế sẽ đem lại thêm doanh thu cho các hãng hàng không cũng như các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ liên quan.

Bà Hồ Ngọc Yến Phương – Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính của Vietjet cho biết: "Việc mở lại các đường bay quốc tế có ý nghĩa rất lớn vì chiến lược phát triển của Vietjet là trở thành một hãng hàng không đa quốc gia. Trong những năm qua khi chưa có COVID-19, mảng vận tải quốc tế mang lại 50% tổng doanh thu của Vietjet. Vậy nên Vietjet sẽ có cơ hội tăng được doanh thu khi bay quốc tế trở lại".

Tuy vậy, diễn biến một số cổ phiếu hàng không từ đầu tháng 9 đến nay lại tương đối bình lặng, cho thấy nhà đầu tư không mấy hào hứng với triển vọng nối lại đường bay quốc tế.

Trong giai đoạn từ 1/9 đến 18/9, cổ phiếu VJC của CTCP Hàng không Vietjet chỉ tăng 0,47%, cổ phiếu HVN của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cũng chỉ tăng 1,32% trong khi chỉ số VN-Index tăng 2,2%.

Cổ phiếu hàng không hững hờ với triển vọng bay quốc tế - Ảnh 2.

Một nhân tố có thể lí giải cho hiện tượng trên là tần suất các chuyến bay quốc tế còn khá nhỏ, mỗi hãng chỉ khai thác khoảng 3-4 chuyến một tuần và hiện mới chỉ có Vietnam Airlines thực sự khai thác chuyến đầu tiên. Với Bamboo Airways và Vietjet, tất cả vẫn đang là kế hoạch.

Nhu cầu thực tế của hành khách cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Hành khách phải tuân thủ các qui định phòng dịch nghiêm ngặt của nơi nhập cảnh như có kết quả xét nghiệm PCR âm tính với COVID-19 trong vòng 72 giờ trước khởi hành, khai báo lịch sử đi lại trong vòng 14 ngày, tải ứng dụng xác nhận tiếp xúc…

Trên chuyến bay, hành khách phải mặc đồ bảo hộ, ngồi cách nhau một ghế để thực hiện qui định về giãn cách. Vì vậy, các hãng hàng không chỉ có thể vận chuyển tối đa 2/3 số ghế của tàu bay.

Một chiếc Boeing 787-10 có 367 ghế gồm 24 ghế hạng Thương gia và 343 ghế hạng Phổ thông. Thực tế chuyến bay từ Hà Nội đi Tokyo sáng 19/9 của Vietnam Airlines chỉ vận chuyển 60 khách, tức chỉ khoảng 1/6 số lượng đối đa. Doanh thu mà những chuyến bay quốc tế kiểu này mang lại cho các doanh nghiệp hàng không sẽ là khá khiêm tốn.

Rủi ro dịch bệnh tái phát cũng là một nhân tố khiến nhà đầu tư ngần ngại. Việt Nam từng có 99 ngày liên tiếp không phát hiện ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng nhưng rồi dịch COVID-19 vẫn tái bùng phát tại Đà Nẵng. Tại cuộc họp chiều 18/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cảnh báo việc xuất hiện dấu hiệu chủ quan của một số địa phương, cơ quan, đơn vị trong phòng chống dịch.

Cổ phiếu hàng không hững hờ với triển vọng bay quốc tế - Ảnh 3.

Ông Dương Trí Thành - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines. (Ảnh: Đức Quyền)

Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành và Phó Tổng Giám đốc Bamboo Airways Nguyễn Ngọc Trọng đều từng lên tiếng về những khó khăn mà đợt dịch thứ 2 gây ra cho hoạt động kinh doanh

"Trong tháng 6 và đầu tháng 7, tôi không ngờ là thị trường hồi phục rất nhanh. Chúng tôi khai thác các đường bay nội địa gần như bằng với các năm trước. Nếu dịch đợt 2 không bùng phát ở Đà Nẵng hồi cuối tháng 7 thì chúng tôi cũng không phải kêu gọi giảm giá phí", ông Trọng cho biết.

"Làn sóng dịch bệnh thứ hai không dập tắt nhưng đã bẻ gãy đà phục hồi của hàng không Việt Nam", ông Thành nhận định.

Song Ngọc