|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Mở lại đường bay quốc tế: Nếu thận trọng quá sẽ bỏ lỡ cơ hội

16:48 | 18/09/2020
Chia sẻ
Thận trọng để phòng dịch bệnh là tốt, nhưng nếu thận trọng đến mức không làm gì hoặc chỉ mở lại đường bay trên hình thức thì các doanh nghiệp hàng không - du lịch và cả nền kinh tế sẽ phải gánh chịu những thiệt hại không đáng có.

"Mở cửa về mặt hình thức, chưa thực chất"

Đầu tháng 9, Cục Hàng không Việt Nam đã đề xuất việc mở lại đường bay thường lệ quốc tế với 6 đối tác từ ngày 15/9. 

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 11/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý nối lại một số chuyến bay quốc tế theo quan điểm "thận trọng nhưng không quá khắt khe với những chuyến bay từ nước ngoài vào".

Ngày 14/9, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cùng UBND TP Hà Nội tổ chức họp với các Bộ, ngành, liên quan để bàn bạc phương án mở lại đường bay quốc tế tới các quốc gia phòng chống dịch tốt. Kết thúc cuộc họp, Bộ GTVT quyết định chưa mở lại đường bay từ ngày 15/9 như kế hoạch ban đầu, để cơ quan y tế hoàn thiện qui trình xét nghiệm, cách li y tế đối với các nhóm đối tượng được phép nhập cảnh.

Ngày 15/9 vừa qua, sau 13 ngày Việt Nam không phát hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã đồng ý nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế với một số đối tác theo đề xuất của Bộ Giao thông vận tải.

Cụ thể, từ ngày 15/9, Việt Nam bắt đầu mở lại đường bay với Quảng Châu và Đài Loan (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc). Từ ngày 22/9, nối lại đường bay giữa Việt Nam và Phnom Penh (Campuchia) và Vientiane (Lào).

Tần suất không quá hai chuyến/tuần cho mỗi đối tác, trong tương lai có thể tăng thêm cho phù hợp với tình hình thực tế.

Đánh giá về quá trình mở lại đường bay quốc tế của Việt Nam, Chuyên gia hàng không - TS Lương Hoài Nam nhận định: "Các bước đi của chúng ta đang gợi mở về mặt hình thức, nhưng về thực chất e rằng sẽ không tạo ra một cú hích thay đổi đáng kể với thị trường hàng không và du lịch quốc tế".

"Tôi có theo dõi cách làm của các nước trên thế giới, như Thái Lan, Singapore hiện nay đã tạo ra những 'travel bubbles' (khối du lịch an toàn). Đây là những thoả thuận song phương hoặc đa phương để qui định rõ về trách nhiệm, công việc của nước khởi hành, nước đón khách làm sao đủ chi tiết và chất lượng về các qui định phòng và kiểm soát dịch.

Chỉ khi nào việc mở hàng không quốc tế dựa trên những thoả thuận chi tiết, qui định rõ ràng thì mới tạo được niềm tin cho người đi lại về sự an toàn.

"Nếu không, ta sẽ rơi vào tình trạng các nước không có bắt buộc về giãn cách nhưng người dân sẽ tự giãn cách, họ sẽ không thấy an toàn khi đi lại và các hãng cũng không có khách để mà bay, hệ số sử dụng ghế dưới 50% thì càng bay càng lỗ".

TS Lương Hoài Nam nói thêm: "Việt Nam nên sớm thương thảo với các nước liên quan, kiểm soát dịch bệnh tốt để tạo ra các khối du lịch, dựa trên cơ sở đó để mở lại hàng không và du lịch quốc tế ở qui mô mang tính thực chất, tần suất bay đủ nhiều, số lượng khách đi lại đủ lớn để tạo ra hiệu quả trong việc nối lại các dịch vụ hàng không và du lịch".

Mở lại đường bay quốc tế: Nếu thận trọng quá sẽ bỏ lỡ cơ hội - Ảnh 1.

Tàu bay Vietjet Air đứng cùng nhiều nhiều tàu bay của các hãng nước ngoài. (Ảnh: Vietjet)

Sau khi có sự đồng ý từ Chính phủ, các hãng hàng không Việt Nam đã lần lượt thông báo kế hoạch bay quốc tế nhưng số chuyến bay còn rất khiêm tốn.

Vietjet Air cho biết sẽ mở lại đường bay đến Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc) và Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) từ ngày 29/9 với tần suất một chuyến/chặng/tuần.

Vietnam Airlines thì dự định bay 4 chuyến từ Việt Nam đến Tokyo (Nhật Bản) trong các ngày 18, 25 và 30/9.

Bamboo Airways cũng thông báo khai thác 4 chuyến/tuần tới Đài Loan (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc) và Tokyo (Nhật Bản) từ sau ngày 29/9.

Thận trọng quá sẽ bỏ lỡ cơ hội hồi phục kinh tế

Liên quan đến việc mở lại đường bay quốc tế, hiện nay dư luận có hai luồng quan điểm. Luồng thứ nhất lo ngại rằng bay quốc tế sẽ nhập dịch về Việt Nam, luồng thứ 2 cho rằng chúng ta đã kiểm soát dịch tốt, đây là cơ hội cạnh tranh quốc gia để phục hồi kinh tế, tăng tính cạnh tranh.

TS Lương Hoài Nam cho rằng "Mở cửa hàng không có nhập dịch hay không hoàn toàn phụ thuộc vào cách mở, chúng ta lựa chọn những quốc gia nào để bắt đầu việc mở. Ngoài ra chúng ta thoả thuận với các quốc gia đó về những qui trình hai bên phải làm. Vậy nên không thể nói chung là mở cửa sẽ nhập dịch về nếu công tác phối hợp kiểm dịch giữa các quốc gia tốt".

Vị chuyên gia này cũng dẫn ra ví dụ trường hợp Malaysia và Singapore mở được cửa với nhau mà không quá lo ngại.

"Malaysia và Singapore thông thương cả đường bộ với số lượng người qua lại rất nhiều nhưng họ có những thoả thuận về qui trình tác nghiệp mà hai bên phải làm nên không sợ việc xuất nhập khẩu dịch qua lại giữa hai quốc gia. Quan trọng là những thoả thuận này phải chi tiết và tỉ mỉ, là sự phối hợp giữa các trung tâm kiểm dịch, các đơn vị khác tham gia vào công tác phòng chống dịch".

Ông Nam cho rằng nếu chúng ta mở cửa trên những nguyên tắc chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch và tạo được niềm tin cho người người dân thì lúc đó sẽ có thị trường cho ngành hàng không.

"Thận trọng là tốt, nhưng nếu thận trọng đến mức không làm gì hoặc chỉ mở trên hình thức thì các doanh nghiệp hàng không và du lịch sẽ bị thiệt hại không đáng có. Thận trọng có thể khiến chúng ta bỏ qua những cơ hội, thiếu những sự sáng tạo cũng như trách nhiệm xúc tiến công việc để tạo ra cơ hội trong bối cảnh hiện nay. Nếu không tiếp cận theo khối du lịch an toàn trên cơ sở thoả thuận song phương hoặc đa phương thì không khu vực nào trên thế giới hiện nay có thể mở được gì", TS Lương Hoài Nam nhận định.

Bích Thu