|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Mở lại đường bay nước ngoài: Tìm điểm cân bằng giữa kinh tế và y tế

15:52 | 08/09/2020
Chia sẻ
Nối lại các đường bay quốc tế không chỉ hỗ trợ ngành hàng không hồi phục mà còn kích thích phát triển toàn nền kinh tế. Tuy vậy, việc mở cửa bầu trời cần được thực hiện một cách thận trọng, kèm theo các biện pháp phòng dịch thỏa đáng để COVID-19 không len lỏi vào nước ta.
Mở lại đường bay nước ngoài: Tìm điểm cân bằng giữa kinh tế và y tế - Ảnh 1.

Nhu cầu đi lại bằng đường hàng không cao hay thấp phụ thuộc vào từng tháng trong năm, từng ngày trong tuần và từng giờ trong ngày. Các hãng hàng không cần ra quyết định sao cho đáp ứng được nhu cầu của hành khách theo hướng tối đa hóa được doanh thu của mình.

Chẳng hạn trong những tháng cao điểm về du lịch, các hãng sẽ nâng tải cung ứng để cố theo kịp nhu cầu. Việc tăng cung có thể được thực hiện thông qua tăng tần suất khai thác, tăng số tàu bay bằng cách thuê ướt, chuyển bớt tải từ các chặng bay vắng khách sang phục vụ các điểm nóng du lịch …

Trong những tháng mà nhu cầu chung xuống thấp, các hãng sẽ tranh thủ thời gian này để huấn luyện phi công, bảo dưỡng và nâng cấp tàu bay.

Mở lại đường bay nước ngoài: Tìm điểm cân bằng giữa kinh tế và y tế - Ảnh 1.

Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. (Ảnh: Song Ngọc)

Tuy nhiên việc điều chỉnh cung nhiều khi không đủ linh hoạt theo ý muốn của các hãng. Ví dụ như có quá nhiều khách muốn bay vào ban ngày trong khi các chuyến bay nửa đêm lại hết sức vắng vẻ, các hãng không thể đột ngột tăng/giảm tải cung ứng theo từng giờ trong ngày được.

Lúc này, giải pháp bắt buộc là chuyển sang tác động tới nhu cầu. Di chuyển bằng hàng không là một thị trường hết sức co giãn theo giá, tức là khi giá thay đổi thì nhu cầu cũng dịch chuyển rõ rệt.

Để dàn bớt khách từ chuyến 10h sáng sang chuyến 10h tối, các hãng sẽ nâng giá vé chuyến bay vào buổi sáng và hạ giá vé bay vào buổi tối.

Phương thức điều tiết nhu cầu bằng giá này cũng được áp dụng cho các khung thời gian dài hơn như các tháng trong năm. Ở Việt Nam, giá vé trong những tháng hè, dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 thường cao vọt trong khi giá vé vào các mùa khác thường thấp hơn. Một số hành khách sẽ cố gắng tránh giai đoạn cao điểm hè và di chuyển vào thời gian khác, giúp dàn bớt lượng khách giữa các tháng.

Nhưng mục đích cuối cùng của các mô hình định giá vé không phải là điều tiết cho cung cầu khớp nhau mà là tối đa hóa danh thu cho hãng hàng không. Dựa vào số liệu quá khứ về lượng hành khách từng tuần, từng tháng, khách đi du lịch hay đi công tác, … các phần mềm sẽ đưa ra những mức giá giúp lấp đầy chuyến bay và mang về doanh thu cực đại.

Những mô hình này biết rằng mùa hè đông khách hơn mùa đông nên giá vé mùa hè cao hơn; biết rằng người đặt vé vào phút chót là người có việc quan trọng và do vậy sẵn sàng trả giá vé cao hơn; biết rằng nếu đã sắp đến ngày khởi hành mà còn nhiều ghế trống thì cần phải hạ giá vé để thu hút thêm hành khách, …

Những công thức này bỗng chốc trở nên vô dụng trong đại dịch COVID-19. Giữa mùa cao điểm về du lịch, người dân vẫn ở yên trong nhà vì lo ngại dịch bệnh, các mô hình máy tính giảm giá vé nhưng cũng không hút thêm được khách …

Các phần mềm máy tính không hiểu COVID-19 là gì và ảnh hưởng của nó đến ngành hàng không ra sao. Chính con người cũng không hiểu hết thì phần mềm do con người tạo ra làm sao hiểu nổi?

COVID-19 thường được đem ra so sánh với đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, tức là từ hơn 100 năm trước khi ngành hàng không thế giới vẫn đang trong trứng nước và không có số liệu để các mô hình hiện đại học theo. COVID-19 là một biến số mới mà các mô hình định giá cũ không nhận biết được.

Chỉ khi nào các qui định giãn cách được nới lỏng, tình hình dịch bệnh được kiểm soát, tâm lí người dân bớt hoang mang thì khi đó các hãng hàng không mới có thể dùng đến giá để điều tiết nhu cầu.

Mở lại đường bay nước ngoài: Tìm điểm cân bằng giữa kinh tế và y tế - Ảnh 3.

Trong bối cảnh đại dịch lây lan, di chuyển bằng đường hàng không có nhiều rủi ro về y tế và kéo theo phiền toái hơn trước như phải khai báo lịch sử dịch tễ, đo thân nhiệt, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang trong suốt chuyến bay và thậm chí là phải cách li tập trung ngay khi hạ cánh. 

Vì vậy, những hành khách đi máy bay trong giai đoạn này phải có nhu cầu thực sự cấp thiết và không đắn đo nhiều về giá. Giảm giá vé cũng không hút thêm được khách và tăng giá vé cũng không khiến số khách giảm đi đáng kể. 

Nếu như đường cầu trước đại dịch rất co giãn thì đường cầu trong đại dịch lại hầu như không thay đổi theo giá – sự thay đổi căn bản này là điều mà chỉ có suy luận con người mới có thể tìm ra, chưa mô hình nào tự động hiểu được.

Vì nâng giá vé cũng không làm giảm nhu cầu đi máy bay nên nếu xét theo mô hình cung – cầu thuần túy, các hãng có thể nâng giá vé lên để tối đa hóa doanh thu. Nhưng nếu làm vậy, các hãng sẽ dễ rơi vào một cuộc khủng hoảng truyền thông vì bị mang tiếng chặt chém giữa mùa dịch – đây cũng là điều mà phần mềm vô tri không thể tính tới.

Đầu tháng 7 năm nay, Vietnam Airlines thực hiện chuyến bay "giải cứu" công dân chặng từ Sydney (Australia) đi TP HCM với giá vé 1.100 USD/khách, không cao hơn so với chuyến bay thường lệ, báo Tuổi trẻ Online cho biết.

Chính phủ Việt Nam đang có chủ trương nối lại 6 đường bay với một số quốc gia châu Á nhằm kích thích giao thương, hỗ trợ hồi phục kinh tế. 

Do không chịu áp lực giảm giá vé, đây sẽ là cơ hội tốt cho các hãng hàng không nước ta có thêm nguồn doanh thu đáng kể giúp vượt qua khó khăn do hai đợt COVID-19 gây ra.

Mở lại đường bay nước ngoài: Tìm điểm cân bằng giữa kinh tế và y tế - Ảnh 4.

Cục Hàng không Việt Nam tuần trước đã đề xuất mở lại 6 đường bay quốc tế. Chặng với Trung Quốc đại lục, Nhật Bản, Hàn Quốc bắt đầu từ ngày 15/9; và chặng với Lào, Campuchia và Đài Loan bắt đầu từ ngày 22/9. Hành khách có thể sẽ phải cách li tập trung 14 ngày sau khi nhập cảnh.

Tần suất mỗi đường bay là một chuyến khứ hồi/tuần. Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vietjet Air là những hãng bay được chỉ định tham gia vào đợt bay quốc tế đầu tiên này.

Việc nối lại các đường bay quốc tế, nếu được thực hiện, sẽ mang lại nguồn thu bổ sung quí giá cho các hãng bay. Do giá vé cao hơn và có khi là tàu bay với sức chứa lớn hơn, mỗi chuyến bay quốc tế thường đem về doanh thu cao gấp cả chục lần đường bay nội địa.

Tất nhiên tác động của việc nối lại đường bay sẽ không chỉ bó hẹp với ngành hàng không. Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA) cho biết các chuyên gia thế giới ước tính khi ngành hàng không tăng trưởng 2-2,5% sẽ góp phần kích thích tăng trưởng GDP thêm 1%.

"Các hãng hàng không Việt Nam có khả năng hồi phục nhanh sau dịch sẽ góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội, đóng góp cho ngân sách Nhà nước", Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam nhận định.

Mở lại đường bay nước ngoài: Tìm điểm cân bằng giữa kinh tế và y tế - Ảnh 5.

Theo thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông, các đối tượng hành khách mà Bộ đề xuất vận chuyển quốc tế sắp tới gồm: Các nhà ngoại giao, các nhà hoạt động công vụ, công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài có nhu cầu về nước, công dân Việt Nam đi lao động ở nước ngoài, các chuyên gia nước ngoài đang thực hiện các dự án tại Việt Nam.

Giữa tháng 3 năm nay, Tập đoàn Hòa Phát cho biết dây chuyền luyện thép cuộn cán nóng (HRC) của khu liên hợp tại Dung Quất đã lắp đặt xong thiết bị, dự kiến chạy thử và đi vào hoạt động ngày 1/4.

Tuy nhiên do đại dịch COVID-19 bùng phát, Việt Nam phong tỏa toàn quốc và không cho khách nước ngoài nhập cảnh nên các chuyên gia châu Âu không thể tới giúp Hòa Phát Dung Quất hoàn thiện dây chuyền. Tiến độ dự án do đó mà bị chậm so với kế hoạch.

Đến ngày 24/5 khi các lệnh hạn chế đã được Việt Nam nới lỏng, Hòa Phát mới đưa 15 chuyên gia từ châu Âu tới Dung Quất cách li 14 ngày và sau đó bắt tay vào công việc. Ngày 24/8 vừa qua, lò cao số 3 của KLH Hòa Phát Dung Quất đã chính thức đi vào sản xuất, cho phép công ty cung cấp thép cuộn cán nóng (HRC) ra thị trường từ cuối tháng 9/2020.

Câu chuyện về dự án Hòa Phát Dung Quất nêu trên chỉ là một ví dụ cho thấy việc nới lỏng qui định về đi lại và nhập cảnh, dù chỉ ở mức độ hạn chế, cũng có thể mang lại lợi ích to lớn cho doanh nghiệp và hoạt động kinh tế.

Khách nước ngoài tới Việt Nam dù phải cách li cũng sẽ cần nơi cư trú, tạo thêm nguồn thu cho ngành dịch vụ khách sạn. Cuối tháng 8 vừa qua, tờ Nikkei Asian Review có bài viết về việc các khách sạn 5 sao của Việt Nam như FLC Hạ Long hay Metropole Hà Nội trở thành nơi cách li cho người nước ngoài trong 14-15 ngày đầu tới Việt Nam.

Cụ thể, FLC Grand Hotel Hạ Long đã cho 500 khách Nhật Bản thuê trong tháng 5 và tháng 6. Giá cho 14 đêm lưu trú này là khoảng 44 triệu đồng (tương đương 1.900 USD). Khách sạn 119 năm tuổi Sofitel Legend Metropole Hanoi cũng dành ra 90 phòng cho những khách có nhu cầu cách li với giá bắt đầu từ 6,5 triệu đồng/phòng/đêm.

Trong trường hợp của 15 chuyên gia châu Âu mà Hòa Phát đưa tới Dung Quất, các vị khách này ở tại The Harmonia - khách sạn của chính Tập đoàn Hòa Phát.

Mở lại đường bay nước ngoài: Tìm điểm cân bằng giữa kinh tế và y tế - Ảnh 7.

Dự định nối lại các đường bay quốc tế của Cục Hàng không và Bộ GTVT đi kèm với ước tính số khách nhập cảnh và câu hỏi về năng lực của các cơ sở cách li tại Việt Nam.

Cụ thể, Cục Hàng không dự kiến số lượng hành khách vào Việt Nam hàng tuần khoảng gần 5.000 người, tập trung chủ yếu tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Cục này đã kiến nghị Bộ GTVT đề nghị Bộ Y tế công bố các yêu cầu về kiểm dịch y tế bắt buộc đối với hành khách khi nhập cảnh và công bố danh sách phòng xét nghiệm real-time PCR do Chính phủ Việt Nam phê duyệt để thông báo các đối tác, hành khách.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết Bộ này đã thống nhất mở lại đường bay quốc tế từ 15/9. 

"Các phương án đã được bàn bạc rất kĩ lưỡng để bảo đảm an toàn cho người dân. Chúng tôi tin tưởng sau khi mở lại đường bay quốc tế sẽ vừa bảo đảm an toàn cho người dân vừa bảo đảm phát triển kinh tế", ông Cường nói.

Mở lại đường bay nước ngoài: Tìm điểm cân bằng giữa kinh tế và y tế - Ảnh 7.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết việc mở đường bay thương mại quốc tế được cân nhắc dựa trên tiêu chí lựa chọn các nước đã kiểm soát bệnh tốt và tương đồng với Việt Nam, xuất phát từ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. 

"Trên tinh thần thực hiện mục tiêu kép như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, chúng ta mở lại các đường bay một cách cẩn trọng, mở dần từng bước và đúc kết kinh nghiệm", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay.

Về kiểm dịch, Bộ Trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh khách lên máy bay phải được xét nghiệm âm tính, sau khi nhập cảnh phải kiểm soát, cách li. Tuy nhiên, nếu bắt buộc cách li 14 ngày cho tất cả trường hợp thì cũng phải xem xét. 

Mới đây một vị Phó Chủ tịch của Tập đoàn Samsung sang Việt Nam công tác 5 ngày. Việt Nam không cách li nhưng bố trí ở tại khách sạn. Ngày thứ nhất Việt Nam tiến hành xét nghiệm, sau khi cho kết quả âm tính đến ngày thứ 2 mới để khách công tác theo lịch trình. Trong quá trình này vẫn bảo đảm các giải pháp về phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, không tiếp xúc gần….

"Dự kiến ngày 17-18/9 tới, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc cũng sẽ sang thăm chính thức Việt Nam, nếu ta đặt vấn đề cách li 14 ngày thì khách sẽ không sang nữa", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.

Tới đây, Bộ GTVT cùng các bộ, ngành sẽ báo cáo Thủ tướng để có hướng dẫn cụ thể cho các cơ quan chức năng về việc cách li hành khách sau khi mở lại đường bay quốc tế.

Việc phong tỏa đất nước và đóng cửa biên giới gây ra nhiều đau đớn về kinh tế. Nhưng Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đã cảnh báo: Nếu mở cửa kinh tế trở lại quá sớm, khu vực châu Á và châu Âu có nguy cơ đối mặt với tái bùng phát đại dịch COVID-19.

Như kinh nghiệm xương máu của Mỹ và nhiều quốc gia khác đã chỉ ra, chủ quan và mở cửa quá sớm chẳng những không giúp khôi phục kinh tế mà chỉ khiến thiệt hại thêm nghiêm trọng.

Nội dung Đức Quyền - Song Ngọc; Đồ họa: Alex Chu