|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kiến nghị Thủ tướng 5 giải pháp cứu nguy cho hàng không

17:55 | 17/08/2020
Chia sẻ
Đại dịch COVID-19 hai lần ập đến đã đẩy ngành hàng không Việt Nam vào cảnh chồng chất khó khăn. Nhà nước do đó cần đưa ra những biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ để các hãng bay qua cơn bĩ cực.
Kiến nghị Thủ tướng 5 giải pháp cứu nguy cho hàng không - Ảnh 1.

Một trong 5 giải pháp được Hiệp hội Hàng không Việt Nam đề xuất là cho các hãng bay vay 25.000 - 27.000 tỉ đồng. Đồ họa: Alex Chu.

Cuối tuần trước, Hiệp hội Hàng không Việt Nam đã gửi công văn tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói về những khó khăn của các hãng bay thành viên trong những tháng gần đây cũng như đề xuất loạt chính sách giải cứu.

Theo Hiệp hội, từ cuối tháng 7 đến nay, đại dịch COVID-19 tái bùng phát ở nhiều địa phương, đăng biệt là TP Đà Nẵng, một trọng điểm về du lịch – hàng không nội địa.

Tuy không dẫn tới phong tỏa toàn quốc như đợt dịch đầu tiên vào tháng 3-4 nhưng đợt tái phát dịch ở Đà Nẵng cũng gây ra tâm lí lo lắng trong xã hội, nhu cầu du lịch và di chuyển bằng hàng không đột ngột lao dốc.

Thời gian dịch tái bùng phát cũng là giai đoạn cao điểm du lịch hè 2020, khiến các hãng hàng không mất cơ hội nâng cao năng lực khai thác và kiếm doanh thu.

Các hãng đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để hạn chế thiệt hại như cắt giảm tổng chi phí 50-70% so với cùng kì năm trước, đàm phán với các đối tác để giãn nợ, giảm lãi vay, bán bớt tàu bay, chuyển nhượng tài sản, giảm lương tất cả lãnh đạo, cán bộ nhân viên, giảm giá vé … "nhưng tất cả các hãng hàng không đều đang rơi vào tình trạng suy kiệt dòng tiền nghiêm trọng".

Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (IATA) mới dây dự báo phải đến năm 2024, lượng hành khách hàng không mới quay lại bằng mức năm 2019 khi chưa có dịch COVID-19. Các hãng hàng không Việt Nam được dự báo sẽ mất khoảng 4 tỉ USD doanh thu trong năm nay.

Kiến nghị Thủ tướng 5 giải pháp cứu nguy cho hàng không - Ảnh 1.

Tàu bay nhiều hãng hàng không nằm đất trong thời dịch. Ảnh: Đức Quyền.

Trong tình thế quẫn bách như hiện nay, các hãng hàng không thành viên của Hiệp hội Hàng không Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét 5 giải pháp hỗ trợ, bao gồm:

1. Tạo điều kiện cho các hãng hàng không được vay gói tín dụng 25.000 - 27.000 tỉ đồng do Chính phủ hỗ trợ lãi suất trong thời hạn từ 3 đến 4 năm.

2. Kéo dài thời gian miễn giảm phí dịch vụ hàng không (qui định tại Thông tư số 53/2019 của bộ Giao thông Vận tải) đến hết năm 2021. 

Đồng thời, đề xuất Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải và Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) giảm 50% các loại phí dịch vụ hàng không thuộc thẩm quyền của ACV.

3. Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép giảm 70%, ít nhất là 50% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết năm 2021.

4. Xem xét, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành trong 6 tháng việc sửa chữa, nâng cấp đường băng, đường lăn Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

5. Cho phép mở đường bay trở lại với những nước đã kiểm soát được dịch bệnh.

Nghiên cứu để ban hành những chuẩn mực về qui trình đảm bảo phòng ngừa dịch bệnh và kiểm soát lây nhiễm trong vận tải hàng không, qua đó cho phép khách du lịch nhập cảnh Việt Nam nếu đáp ứng những yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.

Đồng thời cho phép các chuyên gia, trong đó có các giáo sư của Trường Đại học Mỹ tại Việt Nam (AUV) sang Việt Nam giảng dạy ngay từ cuối tháng 8, đầu tháng 9/2020.

Kiến nghị Thủ tướng 5 giải pháp cứu nguy cho hàng không - Ảnh 3.

Một xe chở nhiên liệu bay của Skypec. Ảnh: Đức Quyền.

Hiệp hội cho biết các chuyên gia thế giới ước tính khi ngành hàng không tăng trưởng 2-2,5% sẽ góp phần kích thích tăng trưởng GDP thêm 1%. "Các hãng hàng không Việt Nam có khả năng hồi phục nhanh sau dịch sẽ góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội, đóng góp cho ngân sách Nhà nước", Hiệp hội Hàng không Việt Nam nhận định.

Hàng không xoay xở trong dịch

Vietnam Airlines từng cảnh báo đến cuối tháng 8, tổng công ty này sẽ cạn tiền và do vậy cần được Nhà nước hỗ trợ khẩn cấp thanh khoản 12.000 tỉ đồng. 

Tại đại hội cổ đông thường niên tổ chức ngày 10/8 vừa qua, Chủ tịch HĐQT Phạm Ngọc Minh cho biết Vietnam Airlines và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại Doanh nghiệp đang hoàn tất thủ tục để trình cấp cao hơn Chính phủ về phương án hỗ trợ Vietnam Airlines, trong đó dự kiến cho vay 4.000 tỉ đồng và tăng vốn chủ sở hữu 8.000 tỉ đồng.

Trong khi chờ gói giải cứu của Nhà nước, Vietnam Airlines đã hạn chế chi phí thông qua cắt giảm thu nhập của lãnh đạo và cán bộ nhân viên khoảng 50%, nhiều lãnh đạo làm việc không lương, lên kế hoạch bán bớt 9 tàu bay, đàm phán với các đối tác để giãn nợ, ...

Vietjet Air trong quí II vừa qua cũng ghi nhận gần 3.200 tỉ đồng doanh thu từ bán quyền sở hữu và thương mại tàu bay. 

Nhà nước cũng đã quan tâm và đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ các hãng hàng không. Chẳng hạn vào ngày 29/5, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 84 trong đó nhắc đến việc giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa từ tháng 3 cho đến hết tháng 9/2020. 

Ap dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước qui định khung giá từ tháng 3 cho đến hết tháng 9.

Tuy nhiên đến nay, thông tư hướng dẫn thực thi cụ thể Nghị quyết 84 vẫn chưa được ban hành.

Chiều ngày 14/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết của về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay giảm từ 3.000 đồng/lít xuống còn 2.100 đồng/lít, tương đương giảm 30%.

Như đã nói ở trên, các hãng hàng không đề nghị nâng mức giảm lên 50-70%.

Đức Quyền