|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vietnam Airlines: Dự kiến Nhà nước cho vay 4.000 tỉ đồng, tăng thêm vốn chủ 8.000 tỉ đồng

11:19 | 10/08/2020
Chia sẻ
Chủ tịch Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh cho biết tổng công ty đang chuẩn bị trình các cấp cao hơn Chính phủ phê duyệt phương án hỗ trợ thanh khoản 12.000 tỉ đồng để vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra.
Vietnam Airlines: Dự kiến Nhà nước cho vay 4.000 tỉ đồng, tăng thêm vốn chủ 8.000 tỉ đồng - Ảnh 1.

Ông Phạm Ngọc Minh - Chủ tịch HĐQT (trái) và ông Dương Trí Thành - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines (phải) tại đại hội sáng 10/8/2020. Ảnh: Đức Quyền.

Sáng nay 10/8, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2020 sau ba lần trì hoãn. Một trong những vấn đề được cổ đông quan tâm là phương án hỗ trợ khẩn cấp của Nhà nước để công ty vượt qua khó khăn thanh khoản trước mắt.

Hồi đầu tháng 6, Kế toán trưởng Trần Thanh Hiền đã nói nếu không được hỗ trợ, đến khoảng cuối tháng 8 Vietnam Airlines sẽ cạn tiền. Trao đổi tại đại hội cổ đông sáng nay, ông Hiền cho biết thị trường hàng không Việt Nam tháng 6 và tháng 7 hồi phục tích cực hơn dự kiến, dòng tiền cải thiện khoảng 1.700 tỉ đồng, đây là dấu hiệu rất đáng mừng.

Tuy nhiên dịch COVID-19 bùng phát lần 2 tại Đà Nẵng từ ngày 25/7 đã khiến cho hoạt động vận tải hàng không đi xuống đúng lúc ngành du lịch bước vào mùa cao điểm, Vietnam Airlines lại lâm vào khó khăn.

Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành cho biết giai đoạn từ tháng 5 đến ngày 20/7, mỗi ngày tổng công ty khai thác khoảng 500-510 chuyến bay nhưng hôm thứ Bảy vừa qua (8/8), hãng chỉ bay 102 chuyến, hôm Chủ nhật 9/8 chỉ bay 109 chuyến, tức bằng khoảng 20% thời kì trước dịch bùng phát đợt 2.

Vietnam Airlines: Dự kiến Nhà nước cho vay 4.000 tỉ đồng, tăng vốn chủ 8.000 tỉ đồng - Ảnh 1.

Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành. Ảnh: Đức Quyền

Trong bối cảnh khó khăn đó, "giải pháp hỗ trợ Vietnam Airlines đang được chuẩn bị ở các bước quyết định cuối cùng", ông Dương Trí Thành nói.

Chủ tịch HĐQT Phạm Ngọc Minh nói thêm: "Chính phủ đang chỉ đạo Vietnam Airlines và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước ở Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục để trình cấp cao hơn Chính phủ về phương án hỗ trợ Vietnam Airlines, trong đó dự kiến cho vay 4.000 tỉ đồng và tăng vốn chủ sở hữu 8.000 tỉ đồng".

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, năm 2020, Vietnam Airlines dự kiến doanh thu sụt giảm khoảng 50.000 tỉ đồng so với khi không có dịch, dòng tiền thâm hụt khoảng 16.000 tỉ đồng, lỗ sau thuế hợp nhất cả năm dự kiến gần 15.200 tỉ đồng. 

Để có nguồn tiền duy trì hoạt động, Vietnam Airlines đề nghị Nhà nước hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp 12.000 tỉ đồng. Kế toán trưởng Trần Thanh Hiền từng khẳng định tổng công ty không đi xin tiền Nhà nước mà chỉ đi vay, có vay thì sẽ có trả.

Theo báo cáo trình bày tại đại hội cổ đông sáng 10/8, các thành viên Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát, đội ngũ lao động mặt đất, tiếp viên, phi công đều sẽ phải giảm khoảng một nửa thu nhập trong năm 2020.

Tổng Giám đốc Dương Trí Thành cho rằng đại dịch COVID-19 là một dấu mốc lớn trong lịch sử ngành hàng không nói riêng và toàn nhân loại nói chung. Đối với các hãng bay thế giới, dịch bệnh này còn gây hại lớn hơn cả chiến tranh, ông Thành nhận định.

Trong khoảng hai tuần sau đêm 31/3, mỗi ngày bầu trời Việt Nam chỉ có ba chuyến bay do qui định về giãn cách xã hội, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho rằng đây là điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử hàng không nước nhà.

"Hãng hàng không nào càng lớn, chi phí cố định càng nhiều thì thiệt hại vì dịch COVID-19 càng nghiêm trọng", ông Dương Trí Thành nói. Hiện nay Tổng công ty Hàng không Việt Nam (gồm ba hãng Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco) có tổng cộng 107 tàu bay, trong đó sở hữu 58 chiếc và thuê 49 chiếc. 

Đội bay của Vietnam Airlines lớn nhất và số lỗ dự tính trong năm nay cũng là khủng nhất. Trong khi Vietnam Airlines dự kiến lỗ hợp nhất hơn 15.000 tỉ đồng thì Tập đoàn FLC (sở hữu hãng hàng không Bamboo Airways) ước tính lỗ gần 2.000 tỉ đồng, Vietjet Air dự tính hòa vốn.

Đức Quyền

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.