|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vietnam Airlines ước lỗ gần 15.200 tỉ đồng, muốn bán bớt 9 tàu bay

10:36 | 05/08/2020
Chia sẻ
Vietnam Airlines lên kế hoạch lỗ sau thuế 15.177 tỉ đồng trong cả năm 2020, doanh thu dự tính giảm 60%. Nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu HVN sẽ không nhận được cổ tức tiền mặt trong năm 2020.
Vietnam Airlines ước lỗ gần 15.200 tỉ đồng, muốn bán bớt 9 tàu bay - Ảnh 1.

Tàu bay Vietnam Airlines tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Đức Quyền.

Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) vừa công bố tài liệu đại hội cổ đông thường niên năm 2020 dự kiến tổ chức vào ngày 10/8 tới. Trước đó, Vietnam Airlines từng nhiều lần hoãn tổ chức đại hội từ ngày 29/6 đến 16/7 rồi đến 28/7 cùng với lí do chưa chuẩn bị xong tài liệu.

Kế hoạch thua lỗ kỉ lục, chưa biết khi nào được cứu

Theo tài liệu mới công bố, Vietnam Airlines đặt ra chỉ tiêu tổng doanh thu hợp nhất của cả năm 2020 là 40.586 tỉ đồng, chỉ bằng 40,5% so với thực hiện năm 2019. Lỗ sau thuế hợp nhất năm nay ước tính 15.177 tỉ đồng, trong khi năm ngoái công ty có lãi 2.537 tỉ đồng.

Vietnam Airlines từng lên kế hoạch lỗ 15.000 tỉ đồng trong cả năm 2020. Đến ngày 13/7, Tổng Giám đốc Dương Trí Thành cho biết tổng công ty này hạ kế hoạch lỗ còn 13.000 tỉ đồng sau khi đã triển khai nhiều giải pháp như tính chậm khấu hao tài sản cũng như được giảm thuế nhiên liệu

Tuy nhiên đến khi công bố tài liệu đại hội cổ đông, Vietnam Airlines lại trình phương án lỗ trên 15.000 tỉ đồng. Theo báo cáo tài chính mới công bố, trong hai quí đầu năm 2020, tổng công ty này ghi nhận doanh thu hợp nhất 24.808 tỉ đồng, giảm một nửa so với nửa đầu 2019; lỗ sau thuế hợp nhất 6.642 tỉ đồng, tương đương 43,8% kế hoạch lỗ cả năm.

Đến ngày 30/6/2020, Vietnam Airlines có 4.249 tỉ đồng tiền mặt và tiền gửi các loại. Theo ước tính trong tài liệu gửi cổ đông, Vietnam Airlines cho rằng nếu được Chính phủ cho vay hỗ trợ 12.000 tỉ đồng thì đến cuối năm 2020, tổng công ty sẽ có số dư tiền là 397 tỉ đồng.

Vietnam Airlines ước lỗ gần 15.200 tỉ đồng, muốn bán bớt 9 tàu bay - Ảnh 2.

Nguồn: Vietnam Airlines.

Hệ số Nợ phải trả/Vốn chủ sở hữu dự kiến sẽ nhảy vọt từ 2,71 lần năm 2019 lên 16,63 lần năm 2020. Tỉ suất ROE từ 13% năm 2019 sẽ lao dốc xuống âm 132% năm 2020.

Vietnam Airlines từng cho biết do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 đối với ngành hàng không, dòng tiền của tổng công ty này thâm hụt khoảng 16.000 tỉ đồng và nếu không được Chính phủ hỗ trợ thì đến cuối tháng 8, Vietnam Airlines sẽ cạn tiền.

Hiện nay Chính phủ vẫn chưa quyết định có hỗ trợ Vietnam Airlines hay không và nếu có thì hỗ trợ theo phương án nào (cho vay, bảo lãnh cho vay, rót thêm vốn chủ sở hữu, …).

Vietnam Airlines mong muốn Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp hỗ trợ để tổng công ty sớm nhận được gói giải cứu từ Chính phủ.

Vietnam Airlines ước lỗ gần 15.200 tỉ đồng, muốn bán bớt 9 tàu bay - Ảnh 3.

Một tàu bay thân hẹp A321Neo của Vietnam Airlines. Ảnh: Song Ngọc.

Bán bớt 9 tàu bay để trả nợ

Vietnam Airlines còn lên kế hoạch bán 9 tàu bay A321-200 CEO sản xuất năm 2007-2008 để trả nợ và bù đắp dòng tiền thâm hụt.

Trong 9 tàu bay này có 6 chiếc bán theo kế hoạch từ trước và ba chiếc ban đầu dự kiến bán vào năm 2023-2024 nhưng được đẩy sớm lên năm 2020-2021. Nếu bán và thuê lại (SLB) ba tàu bay này có hiệu quả tài chính hơn so với phương án bán đứt, Vietnam Airlines có thể sẽ thực hiện SLB.

9 tàu bay A321-200 CEO sản xuất năm 2007-2008 mà Vietnam Airlines muốn bán (hoặc SLB) là các tàu đã trả hết nợ vay và thuộc sở hữu của tổng công ty.

Vietnam Airlines cho biết đã có đối tác bày tỏ mong muốn mua tàu bay A321CEO mà công ty đang muốn bán. Tuy nhiên giá chào sơ bộ trong giai đoạn bùng phát đại dịch chưa phản ánh đúng nhu cầu của thị trường, chưa đáp ứng kì vọng của tổng công ty. 

Mức độ chênh lệch của các mức giá chào lớn vì nhu cầu tàu bay cũ vẫn ở mức thấp, giảm nhiều so với giai đoạn trước COVID-19 vì tình trạng dư thừa tàu bay. Vietnam Airlines đánh giá khi thị trường bắt đầu hồi phục, nhu cầu tàu thân hẹp sẽ tăng.

Năm 2019, Vietnam Airlines lên kế hoạch bán 5 tàu bay A321CEO. Quá trình bán đấu giá đã hoàn tất, tính đến tháng 6/2020, tổng công ty đã bàn giao ba tàu và thu về 28 triệu USD.

Không trả cổ tức, hạ thu nhập ban lãnh đạo

Vietnam Airlines đang tận dụng tối đa sự chia sẻ và hỗ trợ của các đối tác, nhà cung cấp trong việc gia hạn và giãn tiến độ thanh toán. Hiện nay, Vietnam Airlines đang tích cực đàm phán với các tổ chức tín dụng xuất khẩu (TCTD) châu Âu và các ngân hàng trong và ngoài nước.

Vietnam Airlines ước lỗ gần 15.200 tỉ đồng, muốn bán bớt 9 tàu bay - Ảnh 4.

Ông Phạm Ngọc Minh - Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines. Ảnh: Song Ngọc.

"Một trong những điều kiện tiên quyết để các TCTD và ngân hàng cho phép tổng công ty giãn nợ là 'không chia cổ tức cho các cổ đông'. Đây là thông lệ quốc tế khi xem xét giảm giá, gia hạn hoặc giãn tiến độ thanh toán đối với các công ty bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19", Vietnam Airlines cho biết.

Dòng tiền của Vietnam Airlines thâm hụt từ đầu tháng 2/2020 và hiện không có nguồn tiền để trả cổ tức. Tổng công ty đề nghị giữ lại lợi nhuận sau thuế sau khi trích các quĩ là 1.733 tỉ đồng để tạo dòng tiền và ổn định hoạt động kinh doanh trong thời kì tiếp theo.

Đại hội cổ đông ngày 10/8 sắp tới dự kiến sẽ thông qua phương án tiền lương, thù lao cho HĐQT và Ban Kiểm soát năm 2020 là khoảng 2.775 triệu đồng, giảm 57% so với thực hiện năm 2019 (gần 6,5 tỉ đồng). Trong số năm 2020, quĩ tiền lương là 2,36 tỉ đồng và quĩ thù lao là 415 triệu đồng.

Đức Quyền