|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

ĐHĐCĐ Vietjet: Bà Nguyễn Thị Phương Thảo nói về cơ sở kế hoạch lãi 100 tỉ đồng

08:37 | 27/06/2020
Chia sẻ
Theo Phó Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Phương Thảo, trước hết Vietjet xây dựng kế hoạch dựa trên nền tảng, nguồn lực về hệ thống quản trị, vận hành, tài chính đã tích lũy được trong nhiều năm qua...

Trước giờ đại hội

Sáng ngày 27/6, CTCP Hàng không Vietjet (Mã: VJC) đã tiến hành ĐHĐCĐ thường niên 2020. Chúng tôi cập nhật một số hình ảnh trước giờ đại hội.

[LIVE] ĐHĐCĐ Vietjet: Mục tiêu lãi 100 tỉ đồng - Ảnh 1.

Học viện Hàng không Vietjet, đường D2/D6/D7, Khu công nghệ cao TP HCM.

[LIVE] ĐHĐCĐ Vietjet: Mục tiêu lãi 100 tỉ đồng - Ảnh 2.

[LIVE] ĐHĐCĐ Vietjet: Mục tiêu lãi 100 tỉ đồng - Ảnh 2.

[LIVE] ĐHĐCĐ Vietjet: Mục tiêu lãi 100 tỉ đồng - Ảnh 3.

Nâng đội bay lên 90 chiếc, mục tiêu lãi 100 tỉ đồng

ĐHĐCĐ thường niên 2020 đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2020. Trong đó, Vietjet sẽ nâng qui mô đội tàu bay từ 78 chiếc (ở năm 2019) lên 90 chiếc trong năm nay.

Số chuyến khai thác năm nay kì vọng đạt 118.000 chuyến (bằng 85% kết quả năm ngoái) và vận chuyển khoảng 20,2 triệu hành khách.

Theo đó, Vietjet đặt mục tiêu doanh thu vận tải hàng 24.600 tỉ đồng, doanh thu hợp nhất 36.000 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất 100 tỉ đồng. Trong ba tháng đầu năm, Vietjet lỗ sau thuế hợp nhất 989 tỉ đồng.

Bà Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Vietjet cho biết, "những chỉ tiêu này có thể không bằng với kế hoạch 2019 nhưng là điều tốt nhất đối với công ty trong bối cảnh hiện nay, cũng như so với các doanh nghiệp cùng ngành hàng không".

[LIVE] ĐHĐCĐ Vietjet: Bà Nguyễn Thị Phương Thảo nói về cơ sở kế hoạch lãi 100 tỉ đồng - Ảnh 6.

ĐHĐCĐ thường niên 2020 của Vietjet sáng ngày 27/6 (Ảnh: Nguyên Ngọc)

Nói thêm về kế hoạch kinh doanh năm nay, ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc điều hành Vietjet chia sẻ, "so với những con số công bố trước đó, chúng tôi rất áy náy. Làm thế nào để đạt được kế hoạch là một thách thức đối với ban điều hành".

Tuy nhiên, một điểm sáng mới mà ông Khánh nêu ra là kinh doanh vận tải hành khách chưa được mở cửa nhưng vận tải hàng hóa lại được được khuyến khích nên công ty sẽ cố gắng phát huy tối đa để mang về những doanh thu khác.

"Sắp tới, VJC sẽ hợp tác với một trong những đối tác lớn nhất thế giới, giúp cải thiện doanh thu phụ trợ và doanh thu tài chính. VJC còn rất nhiều dư địa để đa dạng hóa nguồn thu", Giám đốc điều hành Vietjet cho hay.

Đại hội thảo luận: 

Cổ đông: Trong kế hoạch kinh doanh, dự kiến cuối năm không lỗ, có lãi 100 tỉ đồng. Đâu là cơ sở để lập kế hoạch này, trong khi HVN dự kiến lỗ cả nghìn tỉ đồng?

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc: VJC đã có những kế hoạch, kịch bản cho giai đoạn khủng hoảng. Lãnh đạo công ty cũng đã có kinh nghiệm trải qua những giai đoạn khủng hoảng thế giới.

Trước hết, VJC xây dựng kế hoạch dựa trên nền tảng, nguồn lực về hệ thống quản trị, vận hành, tài chính đã tích lũy được trong nhiều năm qua.

Vốn điều lệ VJC chỉ hơn 5.000 tỉ đồng nhưng vốn chủ sở hữu (VCSH) cao hơn gấp ba lần, công ty duy trì tiền mặt cao 200 - 300 triệu USD.

Các chỉ số sức khỏe tài chính luôn dùy trì ở nhóm tốt nhất trong ngành hàng không. Ví dụ, chỉ số nợ trên VCSH 0,69 lần, dưới 1. Trong khi đó, hệ số này trên thế giới thường 3 - 5 lần, mức 3 đã là mức tốt.

Một chút lợi nhuận này không xứng với lợi nhuận của VJC trong những năm qua. Tóm lại, những chương trình hỗ trợ của Chính phủ đối với ngành hàng không cùng với những nguồn lực sẵn có là cơ sở để VJC lập kế hoạch kinh doanh.

Từ tháng 7, số chuyến bay và vận chuyển khách nội địa đã cao hơn cùng kì.

Cổ đông: HVN công bố đến hết tháng 8/2020 sẽ hết tiền. Ban điều hành thông tin về tình hình tài chính để cổ đông yên tâm?

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo: Kết quả kinh doanh cho đến hết quí I rất tích cực, dự kiến kết quả kinh doanh quí II sẽ tốt hơn nữa. Số liệu chi tiết của quí I đã được công bố.

Cổ đông: Doanh thu phụ trợ VJC trong năm 2018 đóng góp trên 25%, năm 2019 trên 30%, trong năm nay và thời gian tới, dư địa của mảng này như thế nào, đem lại lợi nhuận ra sao?

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo: Doanh thu phụ trợ là yếu tố quan trọng, đóng góp hiệu quả vào lợi nhuận vì không phát sinh chi phí vận hành, khai thác.

Dự kiến năm 2020, công ty triển khai thêm mảng kinh doanh vận chuyển hàng hóa. Hiện nay, các chuyến bay nội địa đã phục hồi hoàn toàn nên vận chuyển hàng hóa cùng và có những chuyến vận chuyển hành hóa riêng, bình quân mỗi ngày vận chuyển hàng trăm tấn hàng hóa nội địa.

Bên cạnh đó, vận chuyển hàng hóa quốc tế đã được xây dựng và duy trì suốt mùa dịch, không dừng lại như vận chuyển hành khách. Các chuyến bay hàng hóa này là nguồn bổ sung doanh thu tăng thêm cho năm nay.

Ngoài ra, VJC bắt đầu triển khai tự phục vụ mặt đất tại sân bay Nội Bài. Khi chủ động được việc này, mảng doanh thu phụ trợ có điều kiện tăng trưởng thêm.

Cổ đông: Nhận định về thị trường hàng không Việt Nam sau đại dịch?

Nguyễn Thị Phương Thảo: Ngành hàng không trong nước đã hoàn toàn khôi phục. Thậm chí, tần suất và lượng tải cung ứng tháng 6 và 7 cao hơn trước đại dịch.

Bên cạnh đó, Nhà nước đã có những động thái điều hành ngành: Xem xét tạm dừng cấp giấy phép cho các hãng mới tham gia thị trường, một số dự án hạ tầng được thúc đẩy (T3 Tân Sơn Nhất, sân bay Long Thành,…), một loạt chương trình kiểm soát đại dịch,…

Cổ đông: Tiến độ bàn giao Boeing 737?

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo: Vấn đề của nhà sản xuất là vấn đề của cả thế giới, không chỉ của riêng VJC. Cả ngành sản xuất, trong đó có Boeing 737 bị ảnh hưởng, chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Do vậy, vấn đề của chúng ta là sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình sản xuất tàu bay trên thế giới.

Trong khi các hãng khác đang có kế hoạch hoãn và dừng nhận tàu bay, riêng VJC đang thương lượng với Airbus để có thể nhận tàu bay trong giai đoạn này. Nếu được, ít nhất chúng ta sẽ có điều kiện thương mại tốt và có tàu bay khai thác tốt.

Trong năm 2019, công ty thuê 10 tàu bay do nhà cung ứng không cung cấp kịp thời. Chúng tôi cũng đã thương lượng với ngân hàng để có thể mua và sở hữu đội tàu bay, phục vụ cho con đường phát triển lâu dài.

Cổ đông: Công ty đã triển khai hoạt động mới nào trong thời gian vừa qua? Những chương trình cải thiện chất lượng hoạt động trong thời gian tới?

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo: Trong giai đoạn vừa qua, công ty đã tham gia đầu tư mua nhiên liệu bay, trong khi giá nhiên liệu giảm và đang dự trữ các kho. Theo đó nhiều khả năng chi phí vận hành khai thác sẽ giảm xuống.

Về những chương trình cải thiện, lãnh đạo VJC khẳng định chất lượng vận hành khai thác của VJC thuộc nhóm dẫn đầu lĩnh vực hàng không châu Á - Thái Bình Dương.

Nguyên Ngọc

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.