Đại dịch tái bùng phát bẻ gãy đà phục hồi của hàng không Việt
Gượng dậy sau đợt dịch đầu tiên
Khi Việt Nam bắt đầu áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội hồi cuối tháng 3, thiệt hại đối với ngành hàng không được thể hiện ngay lập tức. Trong giai đoạn 19/3-18/4/2020, tổng số chuyến bay của các hãng hàng không trong nước chỉ là 3.627, giảm 86% so với cùng kì năm 2019 và 83% so với tháng liền trước.
Ông Dương Trí Thành – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) cho biết sau đêm 31/3, mỗi ngày bầu trời Việt Nam chỉ có ba chuyến bay, đây là điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử hàng không nước nhà.
Đến tháng 5, các lệnh giãn cách được nới lỏng, ngành hàng không bắt đầu hồi phục với số chuyến tăng dần, hàng chục đường bay nội địa mới được khai trương.
Trong một tháng từ 19/6 đến 18/7/2020, 5 hãng hàng không trong nước gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific, Vasco và Bamboo Airways khai thác tổng cộng 24.505 chuyến, chỉ còn giảm 18% so với cùng kì và tăng 32% so với tháng liền trước.
CEO Dương Trí Thành ước tính từ tháng 5 đến khoảng ngày 20/7, ngành hàng không nước ta hồi phục được khoảng 90%, đây là mức rất cao mà không quốc gia nào khác trên thế giới đạt được. Trung Quốc cũng chỉ hồi phục được khoảng 60%, Nhật Bản được khoảng 70% - theo cập nhật của ANA Holdings (cổ đông lớn của Vietnam Airlines).
"Thị trường hàng không Việt Nam đã hồi phục nhanh chóng theo hình chữ V với đáy rất nhọn", ông Thành so sánh.
Thành tích này đạt được là nhờ thực tế Việt Nam có hình dạng trải dài từ Bắc vào Nam với dân số đông đúc gần 100 triệu người, hàng không nội địa có thể sống lại nhanh chóng khi đất nước kiểm soát được dịch.
Trái lại, nhiều hãng hàng không lớn trong khu vực như Singapore Airlines hay Cathay Pacific (Hong Kong) lại tiếp tục gặp nhiều khó khăn do không có thị trường nội địa, tình hình dịch bệnh quốc tế vẫn còn nhiều phức tạp nên nhiều nước chưa mở cửa đón khách nước ngoài.
Bản thân Việt Nam cũng chưa nối lại các đường bay thường lệ quốc tế, chỉ cấp phép cho các chuyến bay đặc biệt chở công dân hồi hương, chuyên gia, nhà ngoại giao.
Tuy nhiên để có thể phục hồi nhanh chóng trong thời gian qua, các hãng hàng không Việt Nam cũng phải chấp nhận đánh đổi bằng cách giảm giá vé xuống cực thấp. Nguồn thu ít ỏi từ bán vé giá rẻ này giúp các hãng hàng không trang trải phần nào các chi phí cố định phát sinh hàng ngày.
Chẳng hạn, tàu bay luôn cần được bảo dưỡng bất kể có bay thường xuyên hay không, cán bộ công nhân viên luôn phải được trả một mức lương tối thiểu, …
"Hãng hàng không nào càng lớn, chi phí cố định càng nhiều thì thiệt hại vì dịch COVID-19 càng nghiêm trọng", ông Dương Trí Thành nói. Hiện nay Tổng công ty Hàng không Việt Nam (gồm ba hãng Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco) sở hữu đội bay lớn nhất nước ta với tổng cộng 107 tàu bay, trong đó sở hữu 58 chiếc và thuê 49 chiếc.
Một lí do khác khiến Vietnam Airlines thua lỗ nặng nề trong đại dịch là cơ cấu đội tàu bay gồm nhiều chủng loại như các tàu thân hẹp Airbus A320, A321, hay tàu thân rộng Airbrus A350, Boeing 787-9, 787-10.
Trong khi đó, một hãng hàng không giá rẻ như Vietjet chỉ sử dụng tàu thân hẹp A320, A321 (cùng thuộc gia đình Airbus A320), từ đó giúp tối ưu chi phí bảo dưỡng, thay thế phụ tùng và đào tạo nhân lực.
Dịch tái bùng phát bẻ gãy xu thế phục hồi
Có thể nói thị trường hàng không Việt Nam đã thực sự khởi sắc trong tháng 6 và 7 khi các yêu cầu giãn cách xã hội được gỡ bỏ. Ông Trần Thanh Hiền – Kế toán trưởng Vietnam Airlines cho biết trong hai tháng 6-7, thị trường nội địa hồi phục rất nhanh, dòng tiền của tổng công ty cải thiện hơn so với kế hoạch trước đó khoảng 1.700 tỉ đồng.
Tổng Giám đốc Dương Trí Thành cho biết giai đoạn trước 20/7, mỗi ngày tổng công ty khai thác khoảng hơn 500 chuyến bay nội địa, tương đương với giai đoạn cao điểm của năm trước.
Tuy nhiên hôm 25/7 vừa qua, sau 99 ngày không phát hiện ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, Việt Nam đã ghi nhận một bệnh nhân tại TP Đà Nẵng. Các chuyến bay đến và đi Đà Nẵng nhanh chóng bị dừng vài ngày sau đó theo yêu cầu của nhà chức trách hàng không.
Nhiều tỉnh thành khách cũng phát hiện ca nhiễm mới COVID-19, tuy chưa có yêu cầu dừng khai thác tới các địa phương ngoài Đà Nẵng nhưng người dân nảy sinh tâm lí lo sợ dịch bệnh, nhu cầu đi lại bằng hàng không do vậy mà một lần nữa giảm sút nghiêm trọng.
Ông Dương Trí Thành cho biết hôm thứ Bảy vừa qua (8/8), hãng chỉ bay 102 chuyến, hôm Chủ nhật (9/8) chỉ bay 109 chuyến, tức bằng khoảng 20% thời kì trước dịch bùng phát đợt 2.
"Làn sóng dịch bệnh thứ hai không dập tắt nhưng đã bẻ gãy đà phục hồi của hàng không Việt Nam", ông Dương Trí Thành nhận định. "Ngành hàng không sa sút là do dịch COVID-19, muốn hồi phục được phải phụ thuộc vào vắc xin và thuốc điều trị".
Kế toán trưởng Trần Thanh Hiền cho biết sau hai tháng 6-7 tích cực vượt dự báo trước đó, tình hình tháng 8 lại trở nên bi quan. Dự kiến đến cuối tháng 8, tổng công ty sẽ cạn kiệt thanh khoản.
Vietnam Airlines đã đề nghị Nhà nước hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp 12.000 tỉ đồng nhưng đến nay chưa được phê duyệt chính thức. Theo chia sẻ của Chủ tịch HĐQT Phạm Ngọc Minh, Vietnam Airlines đang cùng với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp "hoàn tất thủ tục để trình cấp cao hơn Chính phủ về phương án hỗ trợ Vietnam Airlines, trong đó dự kiến cho vay 4.000 tỉ đồng và tăng vốn chủ sở hữu 8.000 tỉ đồng".
Những giải pháp thích ứng tạm thời
Trong vô vàn khó khăn do COVID-19 gây ra, các hãng hàng không đang phải nỗ lực tìm cách duy trì hoạt động.
Để tăng cường nguồn tiền mặt, Vietjet Air đang lên kế hoạch bán gần 18 triệu cổ phiếu quĩ VJC (tương đương 3,28% vốn điều lệ) cho đối tác chiến lược. Tính theo thị giá hiện nay, Vietjet Air có thể thu về khoảng 1.800 tỉ đồng.
Về phần Vietnam Airlines, ngoài trông chờ hỗ trợ từ Nhà nước, hãng cũng đang đẩy mạnh tái cơ cấu đội tàu bay. Đối với những đơn hàng đặt thuê tàu bay mà chưa nhận bàn giao, Vietnam Airlines bàn bạc với bên cho thuê để hoãn giao dịch.
Trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, Vietnam Airlines đã lập kế hoạch bán bớt một số tàu bay cũ để thay bằng tàu bay hiện đại hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn. Giờ đây khi dịch bệnh ập đến, Vietnam Airlines chủ trương bán tàu bay cũ nhưng tạm thời chưa sắm mới.
Đại hội cổ đông ngày 10/8 đã thông qua phương án bán 9 tàu bay A321-200 CEO sản xuất năm 2007-2008 để trả nợ và bù đắp dòng tiền thâm hụt. Trong 9 tàu bay này có 6 chiếc bán theo kế hoạch từ trước và ba chiếc ban đầu dự kiến bán vào năm 2023-2024 nhưng được đẩy sớm lên năm 2020-2021.
Năm 2019, Vietnam Airlines lên kế hoạch bán 5 tàu bay A321 CEO. Quá trình bán đấu giá đã hoàn tất, tính đến tháng 6/2020, tổng công ty đã bàn giao ba tàu và thu về 28 triệu USD.