|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Gói hỗ trợ chưa ra đời đã lỗi thời, hàng không Việt cần sự trợ giúp dài hơi hơn

07:53 | 17/08/2020
Chia sẻ
Chính phủ từng đề ra chủ trương giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay từ tháng 3 đến tháng 9 để hỗ trợ các hãng hàng không. Nay tháng 9 đang đến gần, đại dịch tái bùng phát khiến các hãng thêm nhiều khó khăn nhưng chủ trương hỗ trợ của Chính phủ vẫn chưa đi vào thực tế.

Một chủ trương đúng đắn nhưng chậm đi vào thực tế

Ngày 29/5/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 84 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảm đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Một trong những nội dung đáng chú ý của Nghị quyết này là: Giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa từ tháng 3 cho đến hết tháng 9/2020; áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước qui định khung giá từ tháng 3 cho đến hết tháng 9.

Hiện nay, các qui định về giá cất, hạ cánh và dịch vụ chuyên ngành hàng không đang được thực hiện theo Thông tư số 53/2019. Thông tư này không có điều khoản qui định về điều chỉnh giá trong trường hợp hoạt động hàng không bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch bệnh như hiện nay.

Muốn Nghị quyết 84 của Chính phủ thực sự có tác dụng hỗ trợ ngành hàng không, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cần ban hành một thông tư mới, áp dụng riêng cho giai đoạn 1/3 – 30/9/2020.

Theo đánh giá của Cục Hàng không Việt Nam, ưu điểm của việc xây dựng thông tư mới là giúp triển khai đúng nghị quyết của Chính phủ, giúp các hãng hàng không Việt Nam giảm bớt một phần gánh nặng chi phí, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên nhược điểm của phương án này là phải tuân theo đúng trình tự xây dựng văn bản qui phạm pháp luật, dẫn tới độ trễ về thời gian áp dụng.

Thực tế, ngày 12/8 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải mới lấy ý kiến các hãng hàng không, và các cơ quan, bộ ngành liên quan về dự thảo thông tư cho giá cất, hạ cánh và các dịch vụ chuyên ngành hàng không giai đoạn 1/3 – 30/9/2020. Chưa rõ khi nào thông tư mới được chính thức ban hành và có hiệu lực.

Hãng hàng không cần sự hỗ trợ dài hơi hơn

Chủ trương giảm 50% giá cất, hạ cánh và áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với một số dịch vụ chuyên ngành hàng không từ 1/3 đến 30/9/2020 được Chính phủ đưa ra từ cuối tháng 5.

Đây là khoảng thời gian mà dịch bệnh được kiểm soát, Việt Nam có nhiều tuần liền không ghi nhận ca lây nhiễm mới trong cộng đồng, tổng số người nhiễm là khoảng 320 và không có ca tử vong.

Các biện pháp giãn cách xã hội đã được nới lỏng đáng kể, các đường bay nội địa được nối lại, thậm chí nhiều đường bay mới được mở ra.

Từ 19/6 đến 18/7, các hãng hàng không nước ta gồm Vietjet Air, Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vasco và Bamboo Airways khai thác tổng cộng 24.505 chuyến, cao gấp gần 7 lần giai đoạn phong tỏa chống dịch 19/3-18/4. Hàng không Việt Nam tưởng chừng như đang trên đường dần thoát khỏi "tai ương" COVID-19.

Gói hỗ trợ chưa ra đời đã lỗi thời, hàng không Việt cần sự trợ giúp dài hơi hơn - Ảnh 1.

Tàu bay Vietnam Airlines và Vietjet tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Ảnh: Song Ngọc.

Nhưng vào ngày 25/7 vừa qua, Việt Nam phát hiện một ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng ở TP Đà Nẵng, tức bệnh nhân 416. Sau đó nhiều địa phương khác cũng ghi nhận ca nhiễm mới. Chỉ trong ba tuần, tổng số ca dương tính tăng từ 416 lên thành 930, trong đó đã có 22 ca tử vong.

Nhiều địa phương, trong đó có Đà Nẵng, phải phong tỏa, khiến các hãng phải dừng đường bay đến thành phố du lịch miền Trung này đúng vào khoảng thời gian cao điểm hè.

Tuy trong đợt dịch thứ 2 này Việt Nam không phong tỏa toàn quốc như đợt đầu nhưng tâm lí lo ngại dịch bệnh của người dân cũng khiến cho nhu cầu di chuyển bằng hàng không lao dốc.

Ông Dương Trí Thành – Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết đợt dịch thứ 2 đã bẻ gãy đà hồi phục của ngành hàng không Việt Nam và nêu dẫn chứng: Giữa tháng 7, Vietnam Airlines bay hơn 500 chuyến một ngày thì sang đến đầu tháng 8 chỉ còn hơn 100 chuyến một ngày.

Tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, mỗi ngày giữa tháng 8 Việt Nam ghi nhận thêm hàng chục ca nhiễm mới.

Trong bối cảnh hiện nay, chủ trương hỗ trợ giai đoạn 1/3 - 30/9 mà Chính phủ đề ra hồi cuối tháng 5 rõ ràng đã không còn theo kịp với tình hình khó khăn thực tế của các hãng hàng không.

Trong 6 tháng đầu năm, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) lỗ sau thuế 6.642 tỉ đồng, Tập đoàn FLC (công ty sở hữu hãng hàng không Bamboo Airways) lỗ 2.725 tỉ đồng; CTCP Hàng không Vietjet lãi sau thuế 73,6 tỉ đồng nhưng riêng hoạt động vận tải hàng không quí II cũng lỗ 1.122 tỉ đồng.

Tại ngày 30/6/2020, tổng cộng Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, và Jetstar Pacific Airlines đang nợ tiền giá, phí dịch vụ Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tới hơn 1.800 tỉ đồng, tăng 20% so với ngày đầu năm.

Về phần ACV, tổng công ty Nhà nước này cũng có thể hỗ trợ các hãng hàng không thông qua các biện pháp có tính thực chất hơn. 

Ngày 20/3/2020, ACV cho biết sẽ giảm giá 7 loại dịch vụ nhằm san sẻ khó khăn trong thời dịch, cụ thể gồm giảm 50% phí dẫn tàu bay, miễn 100% dịch vụ thuê văn phòng đại diện, ...

Trong thực tế, do ảnh hưởng của các biện pháp phong tỏa, đa phần đội bay của các hãng đều phải nằm đất, văn phòng đại diện phải đóng cửa nên việc giảm các mức phí trên không có ý nghĩa là bao. Trong khi đó, những khoản lớn như phí đậu tàu bay lại không được ACV giảm.

Tại ngày 30/6/2020, ACV vẫn đang rất dồi dào về thanh khoản với tổng giá trị tiền gửi ngân hàng, tiền mặt và tương đương tiền gần 34.000 tỉ đồng, tăng hơn 2.500 tỉ đồng so với ngày đầu năm.

Gói hỗ trợ chưa ra đời đã lỗi thời, hàng không Việt cần sự trợ giúp dài hơi hơn - Ảnh 2.

Tàu bay Bamboo Airways tại sân đỗ. Ảnh: Bamboo Airways.

Trong điều kiện mới nhiều thách thức do dịch bệnh gây ra, việc chấm dứt giảm giá cất, hạ cánh và các dịch vụ chuyên ngành hàng không vào cuối tháng 9 như dự thảo thông tư là không hợp lí. Các hãng bay cần được tạo điều kiện thuận lợi lâu dài hơn, có thể là tới hết năm 2021.

Trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh, từ tháng 2/2020 đến nay Hiệp hội vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) đã phải nhiều lần cập nhật ước tính thiệt hại đối với các hãng hàng không.

Theo tính toán mới nhất của IATA, doanh thu của các hãng bay toàn cầu trong năm 2020 sẽ giảm 50% (tương đương 419 tỉ USD) so với năm 2019, lỗ ròng lên tới 84 tỉ USD.

Khu vực châu Á – Thái Bình Dương chịu thiệt hại nặng nề nhất khi lỗ tới 29 tỉ USD. IATA còn dự báo riêng các hãng hàng không Việt Nam mất khoảng 4 tỉ USD doanh thu.

Sang năm 2021, doanh thu vận tải hàng không toàn cầu dự kiến đạt 598 tỉ USD, tăng so với năm 2020 nhưng vẫn thấp hơn 29% so với năm 2019. Các hãng vẫn sẽ lỗ tổng cộng khoảng 15,8 tỉ USD.

Tới năm 2022, các hãng hàng không mới có khả năng bắt đầu đạt lợi nhuận và tìm cách trả khối nợ khổng lồ phát sinh trong hai năm trước.

Ông Alexandre de Juniac, Tổng Giám đốc IATA nhận định: "Hỗ trợ tài chính của chính phủ sẽ đóng vai trò thiết yếu khi các hãng hàng không liên tục thiếu hụt tiền mặt".

Trích một số nội dung của Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT:

Mức giá dịch vụ áp dụng đối với chuyến bay nội địa:

Trọng tải cất cánh tối đa (MTOW)

Mức giá (VNĐ/chuyến bay)

Cự ly điều hành dưới 500 km

Cự ly điều hành từ 500 km trở lên

Dưới 20 tấn

586.500

851.000

Từ 20 đến dưới 50 tấn

920.000

1.265.000

Từ 50 đến dưới 100 tấn

1.552.500

3.473.000

Từ 100 đến dưới 150 tấn

2.587.500

4.945.000

Từ 150 đến dưới 190 tấn

3.519.000

6.463.000

Từ 190 đến dưới 240 tấn

3.806.500

7.820.000

Từ 240 đến dưới 300 tấn

4.197.500

8.464.000

Từ 300 tấn trở lên

5.784.500

9.568.000

Mức giá dịch vụ áp dụng đối với chuyến bay quốc tế: (Từ đầu tháng 4/2020 đến nay Việt Nam chưa cấp phép bay quốc tế thường lệ)

Trọng tải cất cánh tối đa (MTOW)

Mức giá

(USD/lượt hạ cánh hoặc cất cánh)

Cự ly điều hành dưới 250 km

Cự ly điều hành từ 250 km trở lên

Dưới 20 tấn

80

100

Từ 20 đến dưới 50 tấn

125

150

Từ 50 đến dưới 100 tấn

210

255

Từ 100 đến dưới 150 tấn

260

320

Từ 150 đến dưới 190 tấn

310

390

Từ 190 đến dưới 240 tấn

345

425

Từ 240 đến dưới 300 tấn

380

460

Từ 300 tấn trở lên

425

520

Bích Thu