Số người bán tăng, số người mua không đổi: Tình thế trớ trêu của thị trường hàng hiệu cũ trong dịch COVID-19
Không ai biết tình trạng chi tiêu dè sẻn của người tiêu dùng sẽ thúc đẩy hay kìm hãm sự tăng trưởng của thị trường hàng hiệu cũ, đặc biệt là hàng thời trang cao cấp. Số lượng người muốn bán hàng hiệu cũ tăng, nhưng ai sẽ là người mua chúng?
"Nguồn cung hàng hiệu cũ có khả năng tăng vì COVID-19. Ngay cả khi đại dịch chấm dứt, nhiều người sẽ không còn tin rằng họ nên giữ hàng xa xỉ trọn đời", Mark Cohen, giám đốc nghiên cứu bán lẻ của Trường Kinh doanh Columbia tại New York, phát biểu với CNBC.
Mặc dù vậy, Cohen dự báo những nền tảng bán hàng hiệu cũ như RealReal hay ThredUp vẫn không có số lượt khách đủ lớn để bứt phá sau đại dịch, theo CNBC.
"Phong cách thời trang mà mọi người theo đuổi là đơn giản. RealReal sẽ cạn dòng tiền nếu họ chỉ mua hàng thời trang cũ mà không thể bán", Cohen bình luận.
Ngoài ra, theo Cohen, sự thiếu vắng các sự kiện vì COVID-19 cũng là lí do khiến nhiều người cảm thấy không cần mua hàng hiệu.
"Đương nhiên một phụ nữ trẻ luôn muốn có một túi hàng hiệu 6.000 USD nhưng chỉ phải chi 1.000 USD nếu cô ấy mua hàng cũ. Song nếu không có sự kiện nào để khoe túi, cô ấy sẽ không mua hàng dù giá thâp hơn 1.000 USD", ông lập luận.
Milton Pedraza, người sáng lập Viện Luxury, nói rằng số lượng người đăng sản phẩm để bán trên các nền tảng hàng hiệu cũ đang tăng, bao gồm cả những người có thu nhập cao nhưng mất việc. Tuy nhiên, trào lưu ấy chỉ làm tăng nguồn cung, chứ không đẩy cầu.
Ngoài những người có thu nhập cao nhưng chưa giàu, những người không còn hưởng trợ cấp chính phủ, nhóm giảm thu nhập vì công ty cho nghỉ việc luân phiên cũng sẽ tìm cách bán hàng hiệu để có thêm tiền.
"Những đối tượng muốn bán hàng hiệu có thể bao gồm giới văn phòng, chủ doanh nghiệp nhỏ, người làm việc tự do", Milton Pedraza bình luận. Ông nói thêm rằng thị trường hàng xa xỉ nói chung và hàng hiệu cũ nói riêng có thể suy thoái trong 18-36 tháng tới.
"Hiện tại, phần lớn thương hiệu xa xỉ ở Mỹ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nhiều hơn châu Âu", ông bình luận.
Ảnh hưởng xấu của đại dịch COVID-19 là nguyên nhân mà tập đoàn hàng xa xỉ LVMH nêu ra để giải thích việc họ hủy thương vụ mua thương hiệu Tiffany.
Đại dịch đã buộc các doanh nghiệp bán lẻ hàng xa xỉ cũ hoặc kết nối giữa người mua và người bán đối mặt một thực tế: Việc tìm chỗ để làm kho chứa hàng ngày càng khó khăn hơn khi số người muốn bán cứ tăng mà số người mua không đổi. Đây là thách thức ngắn hạn, song nó có thể trở thành thách thức dài hạn nếu dịch COVID-19 còn tiếp diễn.
Giới đầu tư đang bối rối trước triển vọng của RealReal. Giá cổ phiếu của công ty đã giảm một nửa so với hồi họ niêm yết lần đầu trên sàn chứng khoán hồi tháng 5/2019, còn doanh thu quí II giảm 21% và khoản lỗ ròng cùng kì là 43 triệu USD, tăng mạnh so với khoản lỗ trong quí II năm ngoái (26 triệu USD).
Julie Wainwright, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành RealReal, đã chỉ ra vài điểm tích cực, chẳng hạn như thị trường New York đã phục hồi từ tháng 7 và nguồn cung cũng đang tăng trở lại.
"Chúng tôi tin rằng khi người dân thành phố New York trở lại nhịp sống bình thường, nhu cầu mua hàng thời trang cũ sẽ phục hồi mạnh, kéo theo đà tăng của nguồn cung", Julie Wainwright phát biểu.