|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Từ mặt hàng rẻ nhất, giá cá Trung Quốc hiện đắt hơn giá thịt gà, thịt heo

19:58 | 15/09/2021
Chia sẻ
Người tiêu dùng Trung Quốc đang chật vật khi giá cá tăng gần 50% so với một năm trước, đánh dấu biến động mới nhất trong lĩnh vực thực phẩm của nhà tiêu dùng lớn nhất thế giới sau đợt bùng phát dịch tả heo châu Phi (ASF) khiến giá thịt heo tăng gấp 3 lần trong năm 2019.

Trước đây, cá là một trong những nguồn protein rẻ nhất ở Trung Quốc, nhưng hiện tại thịt cá còn đắt hơn thịt gà và gần đây cũng cao hơn loại protein cơ bản - thịt heo.

Theo số liệu chính thức mới nhất, giá bán buôn trung bình của 4 loại cá nước ngọt do Bộ Nông nghiệp Trung Quốc giám sát đã tăng gần 40% so với năm trước, và một số loại cá phổ biến như cá trắm cỏ còn tăng nhiều hơn. 

Giá cá trắm cỏ được bán ở 21,06 nhân dân tệ/kg (3,27 USD/kg) vào cuối tháng 8, tăng khoảng 60% so với một năm trước, trong khi giá thịt heo giảm xuống còn 20,8 nhân dân tệ (NDT).

Mặc dù giá thịt heo đã giảm 60% trong năm nay do sản lượng tăng và dịch ASF bùng phát nhiều hơn khiến người chăn nuôi tăng cường giết mổ, sự phục hồi mạnh mẽ trên thị trường cá đã giúp nâng giá tiêu dùng của Trung Quốc trong 6 tháng liên tiếp.

Các vấn đề nguồn cung, tiêu chuẩn môi trường siết chặt và mưa giảm ở một số khu vực đã ảnh hưởng đến sản lượng cá tại các trang trại của Trung Quốc trong năm nay, trong khi nhu cầu cá tăng cao kể từ khi dịch ASF bùng phát khiến giá thịt heo leo thang và thúc đẩy người tiêu dùng đa dạng hóa lượng protein tiêu thụ. 

"Về phía nguồn cung, sự kết hợp của nhiều quy định sinh thái hơn làm hạn chế các khu vực có thể được sử dụng để nuôi cá và chi phí thức ăn cũng cao, cũng như một số chi phí tăng lên được chuyển cho người tiêu dùng chi trả," ông Darin Friedrichs, nhà phân tích cấp cao tại StoneX, cho hay.

"Mặc dù giá thịt heo đã giảm thời gian gần đây, nó duy trì ở mức cao trong hai năm và người tiêu dùng đã đa dạng hóa chế độ ăn uống, gồm cả việc ăn nhiều cá hơn".

Tác động của đại dịch COVID-19 đối với chuỗi cung ứng toàn cầu cũng thúc kéo giá cá trong nước lên cao, sau khi Trung Quốc dừng nhập khẩu thủy sản từ nhiều nguồn khác nhau vì phát hiện virus corona ở một số lô hàng, và theo đó hạn chế nguồn cung.

Từ mặt hàng rẻ nhất, giá cá Trung Quốc hiện đắt hơn giá thịt gà, thịt heo - Ảnh 1.

Ảnh: Reuters

Chi phí sản xuất cao

Chương trình làm sạch môi trường quy mô rộng đã khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hạn chế nuôi cá dọc theo các tuyến đường thủy chính trong những năm gần đây, dẫn đến số lượng trang trại cá giảm.

"Việc đánh bắt cá bị cấm ở nhiều con sông và không được sử dụng lồng lưới vì nhà nước gia tăng các biện pháp bảo vệ môi trường", một nhà sản xuất thức ăn cho cá có trụ sở tại miền Đông Trung Quốc cho biết.

Chi phí thức ăn nuôi trồng thủy sản tăng là một yếu tố khác khiến giá cá đắt hơn. Các thành phần thức ăn chính cho cá gồm hạt cải dầu, đậu tương và bột hạt bông đều đã tăng giá, nhà sản xuất này nói và cho biết thêm đã tăng giá sản phẩm thức ăn cho cá 3 lần kể từ tháng 5 và tăng tới 20%.

"Ví dụ cá chép bạc, trước đây rẻ hơn đậu phụ, nhưng bây giờ đã gấp đôi giá đậu phụ", người này cho biết. 

Tác động của dịch bệnh

Hậu quả của dịch ASF đã gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến toàn bộ chuỗi protein của quốc gia châu Á này.

Giá thịt heo cao kỷ lục trong năm 2019 và 2020 đã khuyến khích người chăn nuôi tăng sản lượng heo hơi, nhưng kết quả là nguồn cung tăng mạnh trong năm nay khi lượng thịt nhập khẩu kỷ lục và dịch bệnh bùng phát trở lại đã đẩy giá heo hơi và giá thịt heo lao dốc, và khiến ngành công nghiệp lao đao.

Lo ngại nhiều hơn về an toàn thực phẩm cũng đã làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng.

"Hậu quả của đại dịch COVID, lo ngại về các bệnh lây truyền từ động vật tăng lên sẽ khiến người tiêu dùng Trung Quốc tiếp tục ưa chuộng cá hơn", ông Barsali Bhattacharyya từ Economist Intelligence Unit nhận định. 

Theo dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), tiêu thụ thịt heo của Trung Quốc, loại protein phổ biến nhất ở quốc gia này, đã giảm 25% trong năm 2020 so với năm 2018 và vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh năm 2014.

Trong khi triển vọng tiêu thụ cá rất tốt, với việc Trung Quốc dự kiến sẽ chiếm 40% của tổng nhu cầu thế giới đối với cá (180 triệu tấn) vào năm 2029, theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO).

Vì vậy, hiện tại nếu một số người chuyển từ nuôi cá sang heo thì có thể thúc đẩy thị trường thịt heo và hạ nhiệt thị trường cá, theo Reuters


Tố Tố